Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Quân đội Trung Quốc viện trợ 20 triệu USD cho Philippines, Mỹ thâm hụt ngân sách 3.000 tỷ USD

(VNF) - Trung Quốc hứa viện trợ thiết bị trị giá 20 triệu USD cho Philippines, Anh ký thỏa thuận thương mại lịch sử với Nhật Bản hậu Brexit, Nga tính cấp vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 1 tỷ người… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Quân đội Trung Quốc viện trợ 20 triệu USD cho Philippines, Mỹ thâm hụt ngân sách 3.000 tỷ USD

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (trái) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngày 11/9.

Trung Quốc hứa viện trợ thiết bị trị giá 20 triệu USD cho Philippines

Trong chuyến thăm tới Philippines ngày 11/9, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã hứa sẽ tài trợ số thiết bị phi chiến đấu trị giá khoảng 20 triệu USD cho Manila.

Cụ thể, ông Ngụy đã cam kết sẽ hỗ trợ quân đội Philippines khoản tiền trên dưới dạng các thiết bị hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Đây là lần thứ 4 Trung Quốc cung cấp viện trợ cho Philippines từ năm 2017. Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm ngoái cung cấp 30,8 triệu USD trang thiết bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang Philippines. Tới tháng 5 năm nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc viện trợ cho Philippines số thiết bị bảo hộ cá nhân và vật tư y tế trị giá 292.000 USD.

Trong buổi gặp mặt với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana, ông Ngụy đồng ý với ông Lorenzana về việc tăng cường hợp tác giữa quân đội 2 nước Trung Quốc - Philippines và tiếp tục duy trì đàm phán liên quan tới những tranh chấp trên Biển Đông.

Đáng chú ý, chuyến thăm của ông Ngụy tới các nước Đông Nam Á Malaysia, Indonesia và Brunei trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (diễn ra từ ngày 9/9 đến ngày 12/9). Các nhà phân tích đánh giá động thái của Trung Quốc nhằm cân bằng ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông đang leo thang.

Mỹ: Thâm hụt ngân sách liên bang vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD

Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ mới đây cho biết, tính đến tháng 8/2020, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD và có thể sẽ tăng thêm 300 tỷ USD đến cuối tháng này khi năm tài chính kết thúc.

Theo ghi nhận của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), thâm hụt ngân sách của Mỹ hiện đang trên đà chạm mốc cao nhất trong lịch sử tài chính của nước này.

Con số 3.300 tỷ USD cao hơn gấp đôi mức thâm hụt 1.400 tỷ USD của năm 2009, thời điểm Mỹ đang trong cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế.

Tính đến tháng 8/2020, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD.

Nguyên nhân của việc thâm hụt ngân sách tăng mạnh là do trong 9 tháng đầu năm nay, Chính phủ Mỹ đã chi hơn 6.000 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 4.400 tỷ USD trong cả năm ngoái.

Phần lớn số tiền này dành cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp chống đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra.

Trong khi đó, các khoản thu không thay đổi và chỉ bằng một nửa số chi ra.

CBO ước tính vào năm tới, nợ tích lũy của Mỹ sẽ vượt quá quy mô nền kinh tế và phá vỡ mức nợ kỷ lục được xác lập từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Anh ký thỏa thuận thương mại lịch sử với Nhật hậu Brexit

Chính phủ Anh ngày 11/9 đã ký thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, đây là thỏa thuận đầu tiên sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Dự kiến, 99% hàng hóa xuất khẩu của Anh sang Nhật Bản sẽ được miễn thuế. Phía Anh cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô Nhật Bản xuống 10% trước năm 2026. Đổi lại Tokyo sẽ giảm 29,8% thuế đánh vào mặt hàng thực phẩm là bơ theo giai đoạn, xuống mức 0% trước năm 2035.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss họp trực tuyến cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi.

Đây là thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên của Vương quốc Anh với tư cách là một quốc gia thương mại độc lập và sẽ giúp gia tăng giá trị thương mại song phương với Nhật Bản thêm khoảng 15,2 tỷ Bảng Anh.

Ngoài Nhật Bản, Anh còn đặt mục tiêu đàm phán thương mại hậu Brexit với Mỹ, Australia, New Zealand và EU. Theo Bộ Thương mại Anh, nước này sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Australia vào ngày 21/9.

Nga tính cấp vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 1 tỷ người

Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 11/9 cho biết hơn 1 tỷ người sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 Sputnik-V trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021 trên toàn thế giới.

Cùng ngày, RDIF đã ký 2 thỏa thuận xuất khẩu vaccine Covid-19 ra nước ngoài, trong đó bang Bahia của Brazil đồng ý tiến hành thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 với vaccine của Nga. RDIF cho biết sẽ bán 50 triệu liều vaccine Sputnik-V cho Bahia.

Sputnik-V của Nga hiện là một trong những vaccine ngừa Covid-19 được quan tâm nhất thế giới.

Phương Tây đã hoài nghi về tính hiệu quả và an toàn của vaccine Sputnik-V. Tuy nhiên, tạp chí y khoa The Lancet của Anh công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng của Sputnik V cho thấy 100% tình nguyện viên được tiêm chủng đã có kháng thể mạnh.

Mỹ-Trung căng thẳng gay gắt vấn đề Biển Đông

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng tham gia Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) ngày 9/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Mỹ đang can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông để phục vụ cho nhu cầu chính trị của mình.

Theo ông Vương, Mỹ mới chính là động lực làm gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông.

Ông Pompeo phát biểu tại hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ trong khuôn khổ AMM 53 ngày 9/10.

Cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á lần thứ 10 (EAS) trong khuôn khổ AMM 53, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích yêu sách phi pháp và hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/9, Ngoại trưởng Pompeo cùng “một số nước ASEAN và nhiều đối tác khác bày tỏ quan ngại về những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông”.

"Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng Mỹ, dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông vào năm 2016, coi các yêu sách hàng hải bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi pháp", thông cáo cho biết thêm.

Ông Pompeo nhấn mạnh sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là bảo vệ các giá trị tự do, rộng mở, minh bạch và thượng tôn luật pháp quốc tế theo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Xem thêm >> Nhân viên ngoại giao bị Mỹ ‘làm khó’, Trung Quốc tung đòn đáp trả

Tin mới lên