Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Thảm hoạ động đất Indonesia, kỷ lục Covid-19 ở Trung Quốc

(VNF) - Trong quá trình giao tranh chưa từng ngừng nghỉ giữa Nga và Ukraine, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đã bị mất điện trong tuần này, đe dọa tới an ninh năng lượng của khu vực. Ngoài ra, các thông tin mới về việc áp trần giá dầu Nga, tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc hay những trận động đất tại Indonesia hay Quần đảo Solomon cũng nhận được nhiều sự chú ý trong tuần.

Thế giới tuần qua: Thảm hoạ động đất Indonesia, kỷ lục Covid-19 ở Trung Quốc

Ảnh minh hoạ.

Dịch Covid-19 ‘nóng’ trở lại tại Trung Quốc

Tính tới sáng 26/11, Trung Quốc đã ghi nhận 3 ngày liên tiếp phá kỷ lục về số ca nhiễm mới.

Theo đó, Bắc Kinh đã báo cáo 35.183 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 25/11, 32.943 trường hợp vào ngày 24/11 và 31.444 ca nhiễm vào ngày 23/11, theo số liệu từ Uỷ ban Y tế Quốc gia.

Số lượng ca nhiễm mới ghi nhận trong 3 ngày gần đây đều vượt quá kỷ lục 29.000 ca nhiễm/ngày được ghi nhận hồi tháng 4. Dịch được cho là đang bùng phát mạnh trở lại tại các thành phố Trùng Khánh và Quảng Châu.

Các trường hợp mới tại địa phương vào thứ Sáu tại thủ đô Bắc Kinh đã tăng 58% lên 2.595, theo số liệu do cơ quan y tế địa phương công bố hôm 26/11.

Ngoài ra, tin tức về việc bùng phát Covid-19 tại nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn tại Trịnh Châu, Hà Nam cùng những lùm xùm về việc đối xử với công nhân bị nhiễm bệnh cũng gây nhiều chú ý trong tuần qua.

Tính tới 6h30 sáng 26/11, theo trang thống kê worldometers.info, toàn thế giới hiện ghi nhận 645,6 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 624,3 triệu ca đã phục hồi và 6,6 triệu ca tử vong.

Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới là 2,7 triệu ca, tăng 2% so với tuần trước. Số ca nhiễm mới có xu hướng tăng mạnh tại Nam Mỹ và tăng nhẹ tại cả châu Á lẫn châu Âu. Tuy nhiên, khu vực châu Á đã trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca mắc nhất trong tuần, với hơn 1,2 triệu ca, chủ yếu từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia hay Trung Quốc.

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu bị mất điện

Sau khi bị pháo kích và tên lửa tấn công vào cuối tuần trước, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia (ZNPP) ở Energodar một lần nữa bị ngắt kết nối với lưới điện bên ngoài và đang dựa vào các máy phát điện diesel để cấp điện khẩn cấp nhằm duy trì an toàn lò phản ứng, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết.

Theo IAEA, 8 trong số 20 máy phát điện khẩn cấp đang cung cấp điện dự phòng cho các thiết bị an toàn. Tất cả sáu lò phản ứng đều an toàn và ổn định, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết thêm.

Bốn lò phản ứng đã ở chế độ “tắt nguội” , trong khi hai chiếc đã ở chế độ “tắt nóng” để cung cấp cho Energodar hệ thống sưởi bằng hơi nước sẽ được chuẩn bị để hạ nhiệt.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy kể từ ngày 28/2, nhưng bắt đầu từ tháng 6, các lực lượng Ukraine bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và pháo binh vào cơ sở này.

Trái lại, Kiev đã phủ nhận các cáo buộc và tuyên bố Nga đã đánh bom nhà máy trong các hoạt động “đánh lừa” nhằm làm xấu mặt Ukraine.

Ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc IAEA đã "lặp lại lời kêu gọi khẩn cấp của mình đối với cả hai bên trong cuộc xung đột để đồng ý và thực hiện một khu vực an ninh và an toàn hạt nhân xung quanh ZNPP càng sớm càng tốt". Theo nguồn tin từ quan chức Nga, Moscow quả thực đang tích cực đàm phán với IAEA về vùng an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân này.

Thảm hoạ động đất tại Indonesia và quần đảo Solomon

Ngày 21/11, một trận động đất 5,6 độ richer đã xảy ra tại tỉnh Tây Java, Indonesia. Trận động đất đã khiến ít nhất 268 người thiệt mạng, 151 người mất tích và hơn 1.000 người bị thương.

Mặc dù cường độ của trận động đất không quá lớn, nhưng vị trí phát sinh động đất ở gần bề mặt (ở độ sâu chỉ khoảng 10km) nên đã gây ra sức tàn phá lớn.

Trận động đất không chỉ khiến các tòa nhà sụp nổ, nó cũng gây ra những vụ lở đất nghiêm trọng và phá hủy nhiều con đường. Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB) cho biết, khoảng 2.200 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 5.300 người đã phải sơ tán do động đất.

Chỉ 1 ngày sau đó, một trận động đất khác với cường độ mạnh hơn đã được ghi nhận tại quốc gia châu Đại Dương là quần đảo Solomon.

Theo Reuters, trận động đất này mạnh 7 độ richer, xảy ra ngoài khơi Quần đảo Solomon nên không có thương vong hay thiệt hại được ghi nhận. Mặc dù vậy, một cảnh báo sóng thần được ban bố tại khu vực bờ biển trong vòng 300 km của tâm chấn.

Đến trưa 22/11, Cơ quan Khí tượng Quần đảo Solomon cho biết không có mối đe dọa sóng thần với nước này, nhưng cảnh báo dòng hải lưu bất thường ở các khu vực ven biển. "Mọi người cũng nên cảnh giác vì dư chấn có thể tiếp tục", một nhân viên cơ quan này cho biết trên mạng xã hội.

Malaysia có tân Thủ tướng

Ngày 24/11, Quốc vương Malaysia đã chỉ định lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim làm Thủ tướng, chấm dứt 5 ngày khủng hoảng hậu bầu cử vì không có chính đảng hoặc liên minh nào giành được ít nhất 112/222 ghế tại quốc hội để thành lập chính phủ, theo AFP.

Theo Cung điện Hoàng gia Malaysia, ông Anwar sẽ trở thành Thủ tướng thứ 10 của quốc gia Đông Nam Á.

Ông Anwar Ibrahim, tân Thủ tướng Malaysia.

Trong buổi tuyên thệ nhậm chức chiều ngày 24/11, ông Anwar phát biểu: "Tôi, Anwar Ibrahim, sau khi được chỉ định giữ chức thủ tướng Malaysia, long trọng tuyên bố tôi sẽ hoàn thành nghĩa vụ đó một cách trung thực bằng mọi nỗ lực của mình. Và tôi sẽ dành lòng trung thành thực sự của mình cho Malaysia".

Trước khi được chỉ định làm thủ tướng, ông Anwar đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Malaysia như làm phó thủ tướng vào những năm 1990. Tuy nhiên, ông Anwar từng ngồi tù gần một thập kỷ vì tội kê gian và tham nhũng mà ông chỉ trích là mang động cơ chính trị.

Vị Thủ tướng 75 tuổi nhậm chức vào thời điểm đầy thách thức: nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao và Malaysia bị chia rẽ sau cuộc bầu cử.

Vấn đề cấp bách nhất mà tân thủ tướng phải giải quyết là thương thuyết được ngân sách cho năm sau, do dự thảo ngân sách đã được thảo luận nhưng chưa được thông qua. Ngoài ra, ông Anwar phải tiếp tục đàm phán với những nghị sĩ thuộc liên minh khác nếu muốn đạt được sự ủng hộ đa số tại quốc hội.

Lùm xùm mới quanh mức trần giá dầu Nga

Trong tuần này, truyền thông phương Tây liên tục đưa tin các nước EU đang thảo luận về khả năng áp mức giá trần dầu mỏ của Nga trong khoảng 65 - 70 USD/thùng.

Ngày 22/11, một quan chức cấp cao của Bộ Tài Chính Mỹ cho hay G7 và EU đang thảo luận về mức giá trần sẽ áp dụng với dầu Nga, dự kiến công bố vào ngày 24/11. Đây sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12. Theo đó, EU sẽ cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định.

Mặc dù chưa có thông báo chính thức, nhưng theo nhiều nguồn tin, đề xuất này hiện đang gây chia rẽ trong chính nội bộ EU và khiến phía Moscow chuẩn bị cho động thái đáp trả mới.

Trong khi các quốc gia nhận được một phần thu nhập đáng kể từ hoạt động vận chuyển dầu trên biển như Hy Lạp, Cyprus và Malta cho rằng ngưỡng này quá thấp và có nguy cơ làm suy yếu thương mại dầu mỏ thế giới thì các quốc gia Baltic như Ba Lan, Litva và Estonia cho rằng mức 65-70 USD/thùng sẽ khiến Nga thu lợi nhuận lớn, vì chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD/thùng.

Những bất đồng về mức giá vẫn tồn tại và các cuộc đàm phán đã bị hoãn lại đến đầu tuần sau.

Đáp lại những động thái mới của phương Tây, Điện Kremlin đầu tuần này đã tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu dầu cho các quốc gia đồng ý tham gia giới hạn giá, chuyển hướng cung cấp dầu của mình cho “các đối tác định hướng thị trường” hoặc giảm sản lượng.

Thông tin mới nhất từ Bloomberg cho biết Moscow thực sự đang soạn thảo một sắc lệnh của Tổng thống, nhằm cấm các công ty Nga và bất kỳ thương nhân nào mua dầu của quốc gia này để bán cho các quốc gia, công ty hưởng ứng việc giới hạn giá.

Mặc dù chi tiết về việc xác định các đối tượng bị "ngắt" nguồn cung dầu chưa được tiết lộ, nhưng theo Bloomberg, nghị định mới sẽ cấm mọi tham chiếu đến giá trần trong các hợp đồng đối với dầu thô hoặc sản phẩm của Nga và cấm tính phí đối với các quốc gia áp dụng các hạn chế.

Xem thêm >> Không doạ 'suông', Nga soạn nghị định cấm bán dầu cho các quốc gia áp giới hạn giá?

Tin mới lên