Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Thủ tướng Anh từ chức, Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử

(VNF) - Một tuần nhiều biến động xảy ra với nước Anh khi Thủ tướng nước này bà Liz Truss tuyên bố từ chức chỉ sau 45 ngày tại vị. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Đại hội Đảng lần thứ XX kết thúc với việc tái đắc cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng của ông Tập Cận Bình.

Thế giới tuần qua: Thủ tướng Anh từ chức, Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử

Trong tuần qua, Italy đã có nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử, bà Giorgia Meloni (bên trái ảnh).

Chính trường nước Anh ‘bất ổn’, kinh tế ‘chịu trận’

Mặc dù tình hình tại nền kinh tế thứ 6 thế giới đã chìm trong bất ổn từ thời gian trước, nhưng những sự kiện diễn ra trong tuần này một lần nữa đưa nước Anh lên “đầu sóng ngọn gió”.

Ngày 20/10, bà Liz Truss đã chính thức tuyên bố từ chức Thủ tướng chỉ sau 45 ngày nắm quyền, trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Vương quốc Anh.

Bà Truss thừa nhận bản thân không thể thực hiện những lời hứa khi tranh cử lãnh đạo Đảng Bảo thủ trong bối cảnh nền kinh tế đất nước và quốc tế có nhiều bất ổn. Bà sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng cho tới khi tìm được người kế nhiệm.

Một cuộc bầu cử tìm lãnh đạo mới của Vương quốc Anh nhiều khả năng sẽ diễn ra ngay trong tuần tới, với những ứng cử viên nổi bật như cựu Thủ tướng Boris Johnson, người từng là đối thủ của bà Truss trong đợt bầu cử trước, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Lãnh đạo Hạ viện Anh Penny Mordaunt, cựu Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Kemi Badenoch và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace.

Trước khi từ chức, bà Truss đã để mất 2 “cánh tay đắc lực”, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, người đã bị sa thải vào tuần trước, và cựu Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, người đã từ chức trước bà Truss 1 ngày.

Số liệu lạm phát mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lên 10,1% trong tháng 9 do giá các mặt hàng lương thực tăng. Mức lạm phát 2 con số ghi nhận trong tháng 9 tương đương mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7 và cao hơn mức lạm phát kỷ lục lần cuối vào năm 1982 vào cao hơn dự báo của các nhà kinh tế là 10%.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ mức hiện tại là 2,25% để tiếp tục kiềm chế lạm phát, bất chấp rủi ro suy thoái ngày càng tăng do chi phí sinh hoạt tăng cao buộc các hộ gia đình phải kiềm chế chi tiêu.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX: Ông Tập Cận Bình tái đắc cử

Sau 1 tuần tổ chức, sáng 22/10, trong phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa XX gồm 205 ủy viên chính thức và 171 ủy viên dự khuyết, 133 ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XX.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX. Ngoài ông Tập Cận Bình, hai ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX tiếp tục tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XX là Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Trung ương Vương Hộ Ninh và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Triệu Lạc Tế.

Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Nhân Đại (Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư, Chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) Uông Dương và Phó Thủ tướng Hàn Chính không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XX.

Xã trưởng Tân Hoa xã Phó Hoa và Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc Thận Hải Hùng đều được bầu làm ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khóa XX.

Theo kế hoạch, sau khi bế mạc Đại hội XX, Ban Chấp hành Trung ương khóa XX sẽ họp phiên toàn thể lần thứ nhất để bầu Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị.

Italy có nữ Thủ tướng đầu tiên

Ngày 21/10, nhà lãnh đạo đảng cực hữu Anh em Giorgia Meloni đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng Italy. Bà là nữ thủ tướng đầu tiên và là nhà lãnh đạo cực hữu đầu tiên của Italy kể từ sau Thế chiến II, theo The Guardian.

Vài giờ sau khi nhậm chức, bà Meloni đã thành lập chính phủ mới, bao gồm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani của đảng Forza Italia, Bộ trưởng Kinh tế Giancarlo Giorgetti của đảng Liên đoàn. Bộ Quốc phòng sẽ giao cho người đồng sáng lập và cố vấn thân cận của đảng cực hữu Anh em Italy, ông Meloni Guido Crosetto, một chuyên gia công nghiệp quốc phòng, người đứng đầu Liên đoàn các công ty hàng không vũ trụ Ý.

Tân Thủ tướng Italy sau đó tuyên thệ nhậm chức vào sáng 22/10 (giờ địa phương) trước Tổng thống Italy Sergio Mattarella. Nữ Thủ tướng 45 tuổi đã cam kết hành động “vì lợi ích riêng của quốc gia”, ủng hộ chính sách của phương Tây đối với Ukraine và không để xảy ra rủi ro quá mức với nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực eurozone.

Thâm hụt ngân sách Mỹ giảm 50% trong năm 2022

Theo thông báo từ Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được cắt giảm một nửa cho năm tài chính 2022, mức giảm mạnh nhất trong lịch sử sau 2 năm chi tiêu khổng lồ liên quan đến dịch Covid-19.

Cụ thể, mức thâm hụt ngân sách cho năm 2022 đã giảm xuống còn 1.375 tỷ USD, giảm nửa so với mức thâm hụt năm 2021 là 2.776 tỷ USD.

Sự sụt giảm sẽ còn mạnh hơn nếu không có chương trình xóa nợ cho sinh viên của chính quyền ông Biden, với tổng chi tiêu cho giáo dục là 639,4 tỷ USD cho năm tài chính 2022, cao hơn 408 tỷ USD so với ước tính.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết mức giảm thâm hụt gần 1.400 tỷ USD vẫn là mức cải thiện lớn nhất từ trước đến nay trong tình hình tài khóa của Mỹ khi doanh thu đạt mức kỷ lục 4.896 tỷ USD, tăng 850 tỷ USD, tương đương 21% so với năm tài chính 2021. Trong khi đó, tổng mức chi tiêu của chính phủ là 6.272 tỷ USD, giảm 550 tỷ USD so với năm ngoái.

Thâm hụt trong hai năm trước đó đã tăng vọt khi Quốc hội chi ra những khoản tiền lớn để chống lại đại dịch.

Trước đó, thâm hụt Mỹ đạt mức kỷ lục 3.130 tỷ USD vào năm 2020 do hơn 5.000 tỷ USD chi tiêu theo Đạo luật CARES và các khoản chi khác. Năm 2019, mức thâm hụt là 983,6 tỷ USD. Trước năm 2020, mức thâm hụt cao nhất từng là 1.410 tỷ USD vào năm 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc.

Mỹ có thặng dư trong thời gian ngắn từ năm 1998 đến năm 2001.

Lạm phát khu vực eurozone tiệm cận 10% trong tháng 9

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 19/10, lạm phát tại Eurozone trong tháng 9/2022 đã tăng lên mức 9,9%. Mức lạm phát này tăng 0,7% so với tỷ lệ ghi nhận trong tháng 8 và cao gấp nhiều lần so với mức 3,4% cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức cao nhất kể từ khi đồng EUR được đưa vào sử dụng năm 1999.

Theo Eurostat, lạm phát tháng 9 ở mức cao chủ yếu do giá năng lượng tăng mạnh, lên tới 40,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, giá thực phẩm chưa chế biến cũng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá hàng hoá công nghiệp không sử dụng năng lượng, như các dịch vụ, cũng tăng mạnh hơn.

Lạm phát cơ bản, vốn không tính đến giá các mặt hàng đặc biệt dễ bị biến động như năng lượng và thực phẩm, đã tăng từ 4,3% lên 4,8%.

Ba nước khu vực Baltic giáp Nga tiếp tục có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong Eurozone với hơn 20%, trong đó Estonia có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở mức 24,1%, Lithuania với 22,5% và Latvia với 22%.

Theo tiêu chuẩn châu Âu, tỷ lệ lạm phát ở Đức tăng lên 10,9% trong khi Pháp có tỷ lệ lạm phát thấp nhất khu vực, với 6,2%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%, dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh trong thời gian tới. Trước đó, hồi tháng 9, ECB đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 1,25%, lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ khi đồng EUR ra đời.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Tính tới ngày 22/10, toàn thế giới ghi nhận 632,6 triệu ca Covid-19, trong đó có 611,4 triệu ca đã phục hồi và 6,58 triệu ca tử vong.

Trong tuần 17 – 22/10, số ca nhiễm mới được ghi nhận là 2,7 triệu ca, giảm tới 13% so với mức 3,2 triệu ca ghi nhận trong 7 ngày trước đó. Các quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm mới trong tuần là Đức (563,858 ca), Pháp (363,365 ca) và Đài Loan (280,267 ca) đều chứng kiến mức giảm nhẹ so với tuần trước.

Về khu vực, châu Âu ghi nhận 1,5 triệu ca nhiễm trong tuần, giảm 19% so với mức 1,9 triệu ca so với tuần trước. Châu Á duy trì số ca nhiễm mới dưới 1 triệu ca, cụ thể là 861,138 ca, tăng nhẹ 0,6% so với tuần trước.

Ngày 19/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá dịch Covid-19 vẫn gây tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau gần 3 năm.

Theo đó, WHO cho rằng người dân tại nhiều khu vực hiện nay dường như tin rằng dịch bệnh đã chấm dứt nhưng đây vẫn là một sự cố y tế cộng đồng có thể tiếp tục gây tác động bất lợi và mạnh mẽ tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Kể cả khi số ca tử vong hằng tuần vì Covid-19 đã xuống mức thấp nhất tình từ khi đại dịch bùng phát, đây vẫn là căn bệnh gây tử vong nhiều hơn so với những bệnh khác do virus gây ra.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý đại dịch Covid-19 từng khiến cả thế giới bị động và đến nay, nguy cơ này vẫn tồn tại.

Ngày 21/10, ông Babatunde Olowokure, Giám đốc Văn phòng Tình trạng khẩn cấp và An ninh y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực Tây Thái Bình Dương, tiếp tục cảnh báo Covid-19 vẫn là mối đe doạ tiềm tàng với thế giới.

Mới đây, Ấn Độ phát hiện 2 biến thể phụ mới của Omicron là BF.7 và BQ.1, đồng thời đưa ra cảnh báo làn sóng dịch mới vào mùa đông tới.

Xem thêm >> EU tính cách tịch thu 300 tỷ euro đóng băng của Nga để viện trợ cho Ukraine

Tin mới lên