Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Tình báo Mỹ ra kết luận nguồn gốc Covid-19, kinh tế Afghanistan trên bờ vực sụp đổ

(VNF) - Tình báo Mỹ ra kết luận về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2; Cuba chấp nhận tiền số là phương tiện thanh toán hợp pháp; Nhật Bản dùng 13 tỷ USD quỹ dự phòng để mua vaccine và thuốc điều trị Covid-19 là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Tình báo Mỹ ra kết luận nguồn gốc Covid-19, kinh tế Afghanistan trên bờ vực sụp đổ

Ngày 27/8, Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC) đã công bố bản tóm tắt báo cáo về cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa).

Tình báo Mỹ ra kết luận về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2

Ngày 27/8, Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC) đã công bố bản tóm tắt báo cáo về cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, trong đó khẳng định IC đã đạt được “đồng thuận rộng rãi” rằng virus SARS-COV-2 “không được phát triển như một vũ khí sinh học”.

Thông báo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia nêu rõ IC đánh giá rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện, lây nhiễm sang người ở quy mô nhỏ, muộn nhất vào tháng 11/2019 và bùng phát các ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12 cùng năm.

Báo cáo nhấn mạnh, cộng đồng tình báo Mỹ cần thêm thông tin về giai đoạn đầu của đại dịch để đưa ra "giải thích chắc chắn hơn về nguồn gốc Covid-19" và điều này đòi hỏi sự hợp tác của Trung Quốc.

Cũng theo thông báo, “IC nhận định rằng các quan chức Trung Quốc đã không biết về virus (SARS-CoV-2) trước khi đợt dịch COVID-19 đầu tiên bùng phát" tại Hồ Bắc vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, công đồng tình báo Mỹ vẫn chia rẽ về nguồn gốc của mầm bệnh khi có 4 cơ quan và Hội đồng Tình báo Quốc gia cho rằng lý giải phù hợp nhất là do tiếp xúc tự nhiên giữa con người với động vật, trong khi một cơ quan khác ủng hộ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và 3 cơ quan không thể đưa ra kết luận.

Ngoài ra, các cơ quan tình báo của Mỹ cũng chỉ đánh giá với “độ tin cậy thấp” trong việc virus SARS-CoV-2 không bị “sửa đổi gene."

Nền kinh tế Afghanistan trên bờ vực sụp đổ

Trong suốt hai thập kỉ qua, 80% ngân sách của Afghanistan đến từ Mỹ và các nhà tài trợ quốc tế khác. Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul ngày 15/8, phần lớn các nguồn viện trợ này đã bị cắt đứt.

Để điều hành một đất nước, số tiền mặt 1,6 tỷ USD còn lại trong tay sẽ không giúp phong trào Hồi giáo Taliban cầm cự được lâu. Hơn thế nữa, hàng loạt ngân hàng và tổ chức quốc tế cũng đang cắt đứt sợi dây viện trợ tài chính cho quốc gia Nam Á này.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố lực lượng lãnh đạo Afghanistan sẽ không thể tiếp nhận nguồn tiền viện trợ, bao gồm cả hơn 370 triệu USD dự kiến sẽ được chuyển đến vào cuối tháng này.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan ở Mỹ sẽ không được trao cho Taliban, vì nhóm này đã bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt sau vụ 11/9. Ước tính số tài sản mà Mỹ đóng băng trị giá khoảng gần 9,5 tỷ USD.

Đức, một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Afghanistan, cũng đã tạm dừng khoản viện trợ phát triển trị giá 500 triệu USD trong năm nay.

Nhiều quốc gia và tổ chức khác đe doạ sẽ có động thái tương tự. Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết sẽ hỗ trợ 1,4 tỷ USD cho Afghanistan trong vòng bốn năm tới, nhưng hiện khoản tiền này đang bị giữ lại.

Các cơ quan Liên hợp quốc cảnh báo Afghanistan sẽ bị cạn kiệt lương thực từ tháng 9 nếu như không có nguồn quỹ hỗ trợ khẩn cấp.

Bị Mỹ cấm vận, Cuba chấp nhận tiền số là phương tiện thanh toán hợp pháp

Sau El Salvador, Cuba là nước thứ 2 trên thế giới tuyên bố sẽ chấp nhận sử dụng các đồng tiền số trong hoạt động thanh toán trên quốc đảo này trong thời gian tới.

Hãng tin Gazette của Cuba ngày 27/8 dẫn nghị quyết mới được ban hành nêu rõ Ngân hàng Trung ương Cuba (BCC) hiện có thể cho phép sử dụng tiền số nhằm phục vụ lợi ích kinh tế-xã hội và tạo thuận lợi cho người dân.

Theo đó, BCC sẽ đưa ra một bộ quy tắc liên quan đến việc sử dụng tiền số ở trong nước, cũng như kiểm soát việc cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến đồng tiền này.

Quy định nêu rõ các hoạt động liên quan đến tiền số không được liên quan đến những hành vi bất hợp pháp.

Tiền số trở nên phổ biến hơn đối với người dân Cuba trong thời gian gần đây do những quy định cấm vận cứng rắn từ phía Mỹ đã khiến cho việc sử dụng đồng USD trở nên khó khăn.

Hệ thống ngân hàng Cuba không thể thực hiện các giao dịch bằng USD với các ngân hàng quốc tế trong suốt hơn 1 năm qua.

Hiện người dân Cuba không có quyền sử dụng thẻ Visa hoặc Mastercard. Bên cạnh đó, dịch vụ chuyển tiền lớn nhất thế giới Western Union cũng dừng chuyển USD đến Cuba từ tháng 11 năm ngoái.

Ônh Erich García, một chuyên gia về tiền điện tử địa phương, cho biết nhiều người Cuba đã sử dụng các loại tiền số, thường thông qua thẻ quà tặng, để mua hàng trực tuyến.

Nhật Bản dùng 13 tỷ USD quỹ dự phòng để mua vaccine và thuốc điều trị Covid-19

Nội các Nhật Bản ngày 27/8 đã quyết định sử dụng 1.400 tỷ yen (13 tỷ USD) trong quỹ dự trữ của tài khóa 2021 để mua thêm vaccine ngừa Covid-19, cũng như đảm bảo nguồn thuốc điều trị cho bệnh nhân.

Trong số tiền trên, chính phủ phân bổ khoảng 841,5 tỷ yen để mua thêm vaccine và tăng cường tiêm phòng trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực kiềm chế đà tăng số ca nhiễm mới do biến thể Delta hoành hành mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết khoảng 235,2 tỷ yen trong số đó sẽ được dành để mua thuốc casirivimab và imdevimab để điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo các thử nghiệm lâm sàng ở nhiều nước, các loại thuốc trên có thể giúp giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng dành 154,9 tỷ yen cho một chương trình cho vay không lãi, lên tới 200.000 yen/hộ gia đình, áp dụng với những người bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, sau khi đã gia hạn 3 tháng biện pháp này đến cuối tháng 11.

Khoảng 84,1 tỷ yen cũng được phân bổ để hỗ trợ doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ làm do dịch bệnh. Biện pháp này sẽ hết hạn vào cuối tháng 9, nhưng đã được gia hạn 2 tháng.

Xem thêm >> Bí quyết ‘sống khỏe’ giữa đại dịch Covid-19 của các tập đoàn lớn trên thế giới

Tin mới lên