Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Trung Quốc cấm giao dịch tiền điện tử, CFO Huawei được phóng thích

(VNF) - Trung Quốc cấm giao dịch tiền điện tử; CEO hãng Moderna dự đoán đại dịch Covid-19 kết thúc trong 1 năm tới; Đài Loan nộp đơn xin gia nhập CPTPP; Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu được thả về nước sau hơn 1.000 ngày bị giam giữ là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Trung Quốc cấm giao dịch tiền điện tử, CFO Huawei được phóng thích

Trung Quốc cấm mọi giao dịch tài chính liên quan tiền điện tử.

Trung Quốc cấm giao dịch tiền điện tử

10 cơ quan Chính phủ Trung Quốc, bao gồm ngân hàng trung ương cùng các cơ quan quản lý ngân hàng, chứng khoán và ngoại hối ngày 24/9 đã ra tuyên bố chung rằng họ sẽ hợp tác chặt chẽ để siết chặt các hoạt động liên quan đến tiền điện tử.

Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết tiền điện tử không được lưu thông trên thị trường như tiền tệ truyền thống và cấm các sàn giao dịch ở nước ngoài cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục thông qua Internet.

PBoC cũng cấm các tổ chức tài chính, các công ty thanh toán và công ty Internet bị cấm tạo điều kiện cho việc giao dịch tiền điện tử, đồng thời sẽ tăng cường giám sát những nguy cơ từ hoạt động này.

Theo PBoC, trong những năm gần đây, hoạt động giao dịch và đầu cơ Bitcoin cùng các loại tiền điện tử khác đã trở nên phổ biến, phá vỡ trật tự kinh tế và tài chính, làm phát sinh hoạt động rửa tiền, huy động vốn bất hợp pháp, lừa đảo, mô hình đa cấp và các hoạt động bất hợp pháp khác.

"Chính phủ sẽ mạnh tay trấn áp hoạt động đầu cơ tiền ảo và các hoạt động tài chính liên quan, cũng như các hành vi sai trái để bảo vệ tài sản của người dân và duy trì trật tự kinh tế, tài chính và xã hội", PBoC nhấn mạnh thêm.

Lãnh đạo ‘Bộ tứ kim cương’ lần đầu nhóm họp

Ngày 24/9, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ kim cương (QUAD, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) khai mạc Hội nghị thượng đỉnh tại Washington, Mỹ với cam kết đoàn kết và hợp tác, thúc đẩy cung ứng vaccine, cơ sở hạ tầng và công nghệ phòng Covid-19.

Tạ hội nghị, 4 nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà "không nản lòng trước sự cưỡng ép".

Đồng thời, lãnh đạo ‘Bộ tứ kim cương’ khẳng định ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

4 nhà lãnh đạo QUAD cũng công bố một số hiệp định mới, bao gồm một hiệp ước nhằm tăng cường an ninh chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn và chống đánh bắt cá bất hợp pháp và nâng cao nhận thức về khu vực hàng hải.

Nhóm cũng triển khai quan hệ đối tác 5G và có kế hoạch theo dõi vấn đề biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng đã thực hiện các bước để thúc đẩy vaccine trên toàn thế giới, đồng thời hoan nghênh kế hoạch của Ấn Độ trong việc nối lại xuất khẩu vaccine vào tháng 10.

CEO hãng Moderna dự đoán đại dịch kết thúc trong 1 năm tới

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Neue Zuercher Zeitung (Thuỵ Sĩ) ngày 22/9, Giám đốc điều hành (CEO) hãng dược Moderna Inc (Mỹ) Stephane Bancel cho rằng đại dịch Covid-19 có thể chấm dứt trong vòng 1 năm tới trong bối cảnh hoạt động sản xuất vaccine được đẩy mạnh đáp ứng nguồn cung trên toàn cầu.

"Sự mở rộng năng lực sản xuất toàn ngành trong 6 tháng qua sẽ giúp cung cấp đủ liều vaccine vào giữa năm tới để mọi người trên Trái đất có thể được tiêm phòng. Số liều vaccine tăng cường cũng có thể đủ đáp ứng nhu cầu”, ông Bancel  nhận định.

CEO Moderna cũng bày tỏ hy vọng chính phủ các nước cho phép tiêm liều vaccine tăng cường, trong bối cảnh Mỹ đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer tiêm liều tăng cường cho người trên 65 tuổi, người có nguy cơ cao nhiễm bệnh và nguy cơ cao mắc bệnh nặng.

Ông Bancel cho biết trong năm tới hãng này sẽ sản xuất được 3 tỷ liều vaccine Covid-19.

Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu được phóng thích

Theo Global Time, Bộ Tư pháp Mỹ đã rút lại yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei sau khi bà đạt được một thỏa thuận với các công tố viên Mỹ.

Theo Wall Street Journal, bà Mạnh được cho là sẽ chỉ nhận tội với một số cáo buộc ít nghiêm trọng. Trong khi đó, cáo buộc chính nhằm vào bà sẽ bị hủy.

Với thoả thuận này, bà Mạnh sẽ không bị truy tố thêm ở Mỹ, và được trở lại Trung Quốc sau gần 3 năm bị giữ ở Canada.

Phó công tố viên liên bang Mỹ David Kessler cho biết thỏa thuận giữa hai bên sẽ chấm dứt vào tháng 12/2022. Nếu cho tới thời điểm ấy bà Mạnh không có thêm hành vi phạm pháp, các cáo trạng sẽ được hủy bỏ.

Khoảng 16h30 ngày 24/9 (giờ địa phương), bà Mạnh Vãn Châu đã lên chuyến bay của hãng Air China rời sân bay quốc tế Vancouver để về Trung Quốc.

Diễn biến này có thể đánh dấu giai đoạn mới trong mối quan hệ căng thẳng giữa Canada với Trung Quốc.

Đài Loan xin gia nhập CPTPP: Trung Quốc phản đối, Nhật Bản hoan nghênh

Hãng tin Reuters ngày 22/9 dẫn lời ông La Bỉnh Thành, người phát ngôn Hành chính viện Đài Loan (Trung Quốc), cho biết hòn đảo này đã gửi đơn xin gia nhập CPTPP với tên gọi "Vùng lãnh thổ có thuế quan riêng biệt tại Đài Loan - Bành Hồ - Kim Môn - Mã Tổ".

Đây là tên Đài Bắc sử dụng khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm tránh các phiền phức chính trị với Trung Quốc đại lục.

Theo ông La Bỉnh Thành, việc đăng ký tham gia CPTPP là chính sách kinh tế và thương mại quan trọng mà chính quyền Đài Loan đã nỗ lực thúc đẩy trong một thời gian dài.

Đài Loan không thể gia nhập nhiều tổ chức quốc tế vì chính sách "Một Trung Quốc". Tuy nhiên, Đài Loan vẫn được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) phê duyệt tư cách thành viên.

Đặc biệt, động thái của Đài Loan diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

Phản ứng trước động thái này của Đài Loan, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 23/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh Bắc Kinh kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào qua lại chính thức với Đài Loan, cũng như việc Đài Loan gia nhập bất kỳ hiệp định và tổ chức chính thức nào.

Ông Triệu cũng tái khẳng định Đài Loan là “một phần không thể tách rời của Trung Quốc” và nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Trái ngược với phản ứng gay gắt của Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi ngày 23/9 cho biết Nhật Bản hoan nghênh việc Đài Loan nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Nhật Bản vẫn cần xem xét liệu Đài Loan có sẵn sàng đáp ứng việc tiếp cận thị trường tiêu chuẩn cao và các quy tắc khác của CPTPP hay không.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhận định với việc áp dụng nền kinh tế thị trường, thành tựu Đài Loan đạt được khi làm thành viên WTO thì khả năng hòn đảo tự trị thành công gia nhập CPTPP là khá cao.

Tin mới lên