Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Trung Quốc ‘chật vật’ vì thiếu điện, Covid-19 giảm nhiệt trên toàn cầu

(VNF) - Cuộc khủng hoảng điện năng ở Trung Quốc là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất trong tuần qua. Tình trạng thiếu điện không chỉ làm chậm nền kinh tế của quốc gia tỉ dân mà còn tạo áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thế giới tuần qua: Trung Quốc ‘chật vật’ vì thiếu điện, Covid-19 giảm nhiệt trên toàn cầu

Trung Quốc đang rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2011. (Ảnh minh họa).

Trung Quốc "chật vật" vì thiếu điện

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2011. Để đối phó với tình trạng này, Trung Quốc đã siết chặt tiêu thụ năng lượng bằng cách triển khai chính sách cắt điện luân phiên vào giờ cao điểm ở nhiều khu vực, trong đó có những địa phương giữ vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Cho tới nay, hơn 20 tỉnh của Trung Quốc được cho là đã bị ảnh hưởng bởi sự cố cắt điện, gây thiệt hại nặng nề cho sản lượng công nghiệp.

Điều này diễn ra giữa bối cảnh các nhà sản xuất đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu gia tăng hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm. Thêm vào đó, họ cũng phải vật lộn với các nguồn cung đã bị thắt chặt do chi phí nguyên liệu tăng cao, sự chậm trễ kéo dài tại các cảng và tình trạng thiếu container vận chuyển.

Theo Bloomberg, các nhà sản xuất cảnh báo rằng biện pháp cắt điện nghiêm ngặt sẽ làm giảm sản lượng ở những trung tâm kinh tế như Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông, ba tỉnh đóng góp tổng cộng khoảng 30% vào GDP của Trung Quốc, và có thể làm giá cả gia tăng.

Theo dữ liệu chính thức được công bố ngày 30/9, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã ghi nhận đà sụt giảm vào tháng 9, lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020.

Trong cuộc họp khẩn cấp với các quan chức đến từ cơ quan quản lý tài sản quốc doanh và hoạch định kinh tế mới đây, Phó thủ tướng Hàn Chính, phụ trách giám sát lĩnh vực năng lượng và sản xuất công nghiệp Trung Quốc, đã yêu cầu các công ty năng lượng quốc doanh hàng đầu nước này, từ than cho đến dầu, điện, phải đảm bảo nguồn cung cho mùa đông tới bằng mọi giá.

Covid-19 thế giới giảm nhiệt 5 tuần liên tiếp

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 2/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu là gần 235 triệu ca, trong đó có hơn 4,8 triệu ca tử vong.

Như vậy, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận khoảng 457.000 ca nhiễm mới, thấp hơn tuần trước 11% và giảm trong 5 tuần liên tiếp, số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều quốc gia hứng đợt bùng phát liên quan biến chủng Delta dễ lây lan từ hồi tháng 6, song tình hình được cải thiện rõ rệt trong hơn một tháng qua.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 718.000 ca tử vong trong tổng số 44.406.071 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 448.300 ca tử vong trong số 33.768.516 ca. Brazil đứng thứ 3 với 597.255 ca tử vong trong số 21.427.073 ca.

Trên phạm vi quốc tế, hoạt động hợp tác, chia sẻ vaccine, đặc biệt thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngăn chặn khả năng đóng cửa chính phủ vào phút chót

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/9 đặt bút ký thành luật một dự luật ngân sách tạm thời để Chính phủ nước này có thể duy trì hoạt động qua ngày 3/12 và Quốc hội Mỹ có thời gian đưa ra một dự luật ngân sách cả năm.

Các nghị sỹ đã chạy đua với thời gian để kịp thông qua dự luật khẩn cấp này trước hạn chót vào nửa đêm theo giờ địa phương để ngăn việc Chính phủ phải đóng cửa, hàng nghìn công chức liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời và nhiều dịch vụ công sẽ rơi vào ngưng trệ.

Dù Quốc hội Mỹ đã chặn được một nguy cơ khủng hoảng, nhưng vẫn còn một cuộc khủng hoảng khác, nghiêm trọng hơn đang hình thành.

Mức trần nợ công của Mỹ hiện nay là 28.400 tỷ USD. Theo dự báo của các nhà phân tích, với tốc độ vay nợ hiện nay, Bộ Tài chính Mỹ sẽ mất quyền phát hành trái phiếu vào trung tuần tháng 10, kéo theo nguy cơ không thanh toán được các khoản nợ tới hạn.

Do đó, các nghị sỹ cần phải nâng trần nợ quốc gia trước ngày 18/10 để ngăn nguy cơ Chính phủ vỡ nợ. Nếu xảy ra, điều này sẽ gây ra một cú sốc cho thị trường tài chính toàn cầu.

Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida được bầu làm Chủ tịch đảng cầm quyền Nhật Bản

Ngày 29/9, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.

Ông giành chiến thắng trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono trong cuộc bỏ phiếu vòng hai. Với kết quả này, ông Fumio Kishida gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản bởi liên minh cầm quyền đang chiếm đa số ghế tại Hạ viện.

Quốc hội Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức một phiên họp bất thường vào ngày 4/10 tới đây để chính thức bầu tân Chủ tịch LDP Fumio Kishida làm Thủ tướng Nhật Bản thay thế ông Suga Yoshihide - người đã quyết định từ chức chỉ sau 1 năm cầm quyền do chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 của ông không đạt được nhiều sự đồng thuận.

Trong chính sách kinh tế, ông Kishida khẳng định mong muốn tiếp tục theo đuổi cải cách kinh tế, với tên gọi “Abenomics” – sáng kiến của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, thiên về chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng. Ông Kishida cũng bày tỏ quan điểm muốn tung ra gói kích thích kinh tế lớn quy mô 30.000 tỉ yên (269 tỉ USD) vào cuối năm nay để vực dậy các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tin mới lên