Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Trung Quốc phạt Alibaba 2,8 tỷ USD, Myanmar tuyên án tử hình 19 người

(VNF) - Alibaba bị phạt 2,8 tỷ USD vì vi phạm luật chống độc quyền; Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất chi tiêu quốc phòng 715 tỷ USD; Mỹ cấm vận 7 công ty siêu máy tính của Trung Quốc; Myanmar tuyên án tử hình 19 người vì cáo buộc giết binh sĩ là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Trung Quốc phạt Alibaba 2,8 tỷ USD, Myanmar tuyên án tử hình 19 người

Alibaba của tỷ phú Jack Ma bị chính quyền Trung Quốc phạt 2,8 tỷ USD vì vi phạm luật chống độc quyền.

Alibaba bị phạt 2,8 tỷ USD vì vi phạm luật chống độc quyền

Sau quá trình điều tra chống độc quyền từ tháng 12 năm ngoái, Cơ quan Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc (SAMR) mới đây áp mức án phạt 18,23 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ USD) đối với Alibaba.

Trong thông báo phát ra ngày 9/4, SAMR cáo buộc Alibaba lợi dụng vị thế thống trị thị trường của mình để trục lợi.

Cụ thể, SAMR cho biết Alibaba đã buộc các tiểu thương chọn một trong hai nền tảng để kinh doanh, thay vì được sử dụng cả hai. Giới chức cho rằng chính sách này, cùng nhiều động thái khác, đã giúp Alibaba củng cố vị thế trên thị trường và giành lợi thế không công bằng trước các đối thủ.

Án phạt 18,23 tỷ nhân dân tệ tương đương 4% doanh thu của Alibaba năm 2019 và cũng là khoản phạt lớn nhất về độc quyền đến nay tại Trung Quốc.

Ngoài việc nộp phạt, Alibaba cũng bị yêu cầu triển khai "các biện pháp khắc phục toàn diện", bao gồm tăng cường kiểm soát nội bộ, duy trì cạnh tranh công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp trên nền tảng của mình và quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong thông báo phát ra cùng ngày, Alibaba tuyên bố “đã chấp nhận khoản phạt của cơ quan chức năng với sự chân thành".

Tổng thống Mỹ Biden đề xuất chi tiêu quốc phòng khủng lên tới 715 tỷ USD

Nhà Trắng ngày 9/4 công bố bản tóm tắt đề xuất ngân sách trong năm tài khóa tới. Trong đó, ngân sách quốc phòng được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất ở mức 753 tỷ USD.

Cụ thể, 715 tỷ USD sẽ chi cho Bộ Quốc phòng, số còn lại chi cho Cơ quan Quản lý An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) trực thuộc Bộ Năng lượng và một số bộ, ngành đảm nhận phần việc liên quan đến quốc phòng.

Mức đề xuất ngân sách quốc phòng này tăng 1,6% so với năm 2021 (740 tỷ USD), còn khoản chi cho Lầu Năm Góc cũng tăng khoảng 11 tỷ USD so với tài khóa 2021 (701 tỷ USD).

Bản tóm tắt cũng đề cập đến "phát triển và thử nghiệm năng lực tấn công siêu thanh" bên cạnh việc đầu tư vào "các công nghệ đột phá giúp thúc đẩy sự đổi mới và làm nền tảng cho sự phát triển năng lực quốc phòng thế hệ tiếp theo".

Đề xuất chi tiêu ngân sách, trong đó có khoản phân bổ cho ngân sách quốc phòng, sẽ được chuyển tới lưỡng viện Quốc hội để thông qua. Nhưng nhiều nghị sĩ của hai đảng đều đã lên tiếng phản đối.

Ông Kim Jong-un cảnh báo “tình hình tồi tệ nhất” của Triều Tiên

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mới đây đã thừa nhận rằng Bình Nhưỡng đang đối mặt với "tình hình tồi tệ nhất từ trước đến nay" vì nhiều yếu tố, bao gồm đại dịch COVID-19, các lệnh cấm vận của Mỹ, cũng như đợt lũ lụt nặng nề năm ngoái.

Trong bài phát biểu ngày 8/4, lần đầu tiên ông công khai mô tả các khó khăn kinh tế hiện nay của Triều Tiên với nạn đói xảy ra những năm 1990.

Đồng thời, ông Kim Jong-un cũng kêu gọi các thành viên trong Đảng Lao động Triều Tiên chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc tiến hành kế hoạch kinh tế 5 năm mới của đất nước.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên dẫn các tuyên bố này giữa bối cảnh các chuyên gia cảnh báo ông Kim Jong-un có lẽ đang đối mặt với thời điểm cam go nhất kể từ khi ông lãnh đạo đất nước trong 1 thập kỷ qua, khi mà lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 ở Triều Tiên khiến nền kinh tế vốn đã bị trừng phạt của nước này ngày càng trở nên điêu đứng.

Myanmar tuyên án tử hình 19 người

Một tòa án quân sự ở Myanmar ngày 8/4 đã tuyên án tử hình 19 người vì giết một binh sĩ và làm bị thương một người khác.

Kênh Myawaddy của quân đội Myanmar cho biết vụ giết người xảy ra hôm 27/3 tại quận Bắc Okkalapa của Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Đây được cho là lần đầu tiên chính quyền Myanmar sử dụng án tử hình kể từ khi tuyên bố thiết quân luật vào tháng trước.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết 614 người Myanmar chết trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh tính đến ngày 8/4, trong đó có khoảng 48 trẻ em. Cho tới nay có hơn 2.800 người đang bị giam giữ.

Phát biểu cuộc họp báo tại thủ đô Naypyitaw ngày 8/4, phát ngôn viên chính quyền quân sự Zaw Min Tun cho biết đất nước đang trở lại bình thường và các bộ cũng như ngân hàng sẽ sớm hoạt động trở lại.

Theo ông Zaw Min Tun, quân đội ghi nhận 248 người chết và phủ nhận rằng vũ khí tự động đã được sử dụng trong các cuộc đụng độ. Người phát ngôn này nói thêm 16 cảnh sát cũng thiệt mạng.

Nhóm 18 đại sứ tại Myanmar, gồm Mỹ, Anh, EU, Canada, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và một số quốc gia khác trong tuần qua đã ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt bạo lực, thả tù chính trị và khôi phục nền dân chủ tại nước này.

7 công ty siêu máy tính bị Mỹ cấm vận, Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa

Bộ Thương mại Mỹ ngày 8/4 đã liệt 7 công ty Trung Quốc trong lĩnh vực siêu máy tính vào danh sách đen thương mại, gồm: Tập đoàn Công nghệ thông tin Phytium Thiên Tân, Trung tâm Thiết kế vi mạch tích hợp hiệu suất cao Thượng Hải, Công ty Vi điện tử Sunway, Trung tâm Siêu máy tính quốc gia Tế Nam, Trung tâm Siêu máy tính quốc gia Thâm Quyến, Trung tâm Siêu máy tính quốc gia Vô Tích và Trung tâm Siêu máy tính Trịnh Châu.

Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc những công ty này liên quan đến việc xây dựng các siêu máy tính được sử dụng bởi các lực lượng quân đội Trung Quốc, nỗ lực hiện đại hóa quân đội và các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, năng lực siêu máy tính là rất quan trọng đối với sự phát triển của hầu hết các loại vũ khí hiện đại và hệ thống an ninh quốc gia như vũ khí hạt nhân hay vũ khí siêu thanh.

Trong tuyên bố phát ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định “Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết đối với các hành động như vậy của Mỹ, chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp của mình".

Trung Quốc đồng thời cáo buộc Mỹ từ lâu đã thực hiện phong tỏa công nghệ đối với Trung Quốc trong lĩnh vực tạo ra siêu máy tính, nhưng bất chấp điều này, siêu máy tính của Trung Quốc vẫn tiếp tục vươn lên vị trí hàng đầu thế giới nhờ những phát triển của chính mình.

Xem thêm >> Nga bắt đầu xây dựng cáp treo sang Trung Quốc, chỉ mất 6 phút di chuyển

Tin mới lên