Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Trung Quốc tung đòn đáp trả Mỹ, châu Âu hụt hơi vì biến chủng Delta

(VNF) - Trung Quốc trừng phạt loạt công dân, thực thể Mỹ; biến thể Delta lây lan tới hơn 70% lãnh thổ châu Âu; Đức, Mỹ đạt được đồng thuận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2; Liên hợp quốc yêu cầu Trung Quốc hợp tác với WHO điều tra nguồn gốc Covid-19 là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Trung Quốc tung đòn đáp trả Mỹ, châu Âu hụt hơi vì biến chủng Delta

(Ảnh minh họa).

Trung Quốc trừng phạt loạt công dân, thực thể Mỹ

Trong thông cáo phát đi ngày 23/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ áp lệnh trừng phạt với 7 cá nhân và thực thể Mỹ.

Danh sách này bao gồm cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Carolyn Bartholomew, thành viên Viện Dân chủ quốc gia về các vấn đề quốc tế Adam King và lãnh đạo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Sophie Richardson. Trong danh sách trừng phạt còn có Hội đồng Dân chủ Hong Kong có trụ sở tại Washington.

Đây là biện pháp nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các quan chức Trung Quốc ở Hong Kong hồi tuần trước.

Đây cũng là lệnh trừng phạt đầu tiên được Trung Quốc áp đặt theo luật trừng phạt chống nước ngoài mới, được thông qua vào tháng 6/2021 và diễn ra vài ngày trước chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Trung Quốc.

Phản ứng trước động thái này của Trung Quốc, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt là “vô căn cứ”, thể hiện sự cô lập của Bắc Kinh với cộng đồng quốc tế.

Biến thể Delta lây lan 70% lãnh thổ châu Âu

Cơ quan khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 23/7 công bố thông tin cho biết biến thể Delta hiện đã xuất hiện ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính.

Trước tình hình này, WHO châu Âu và ECDC cùng kêu gọi các quốc gia trong khu vực tăng cường nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể Covid-19.

Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), biến thể Delta hiện chiếm 83% ca bệnh mới.

WHO khuyến nghị các chính phủ cần tăng cường khả năng tiếp cận xét nghiệm miễn phí, đẩy nhanh truy vết để phá vỡ các chuỗi lây nhiễm, đảm bảo tiêm phòng cho những người có nguy cơ cao nhất và khuyến khích cách ly với các trường hợp tiếp xúc hoặc đã được xác nhận dương tính với Covid-19.

Giới chuyên gia mới đây cảnh báo tốc độ và quy mô lây lan Covid-19 hiện nay có thể khiến Indonesia thành "lồng ấp biến chủng", một siêu biến chủng có thể xuất hiện, thậm chí nguy hiểm hơn biến chủng Delta.

Đức, Mỹ đạt được đồng thuận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Đức và Mỹ ngày 21/7 đã đạt được bước đột phá trong bất đồng về dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới Đức. Hiện Berlin cũng đã xác nhận việc hai bên đạt bước đột phá này.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết trong thỏa thuận đạt được, Đức cam kết thực hiện các biện pháp, kể cả trừng phạt, nếu Nga "tìm cách sử dụng năng lượng như một vũ khí hoặc thực hiện các hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine".

Ngoài ra, Đức và Mỹ cũng nhất trí hỗ trợ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine, theo kế hoạch hết hiệu lực vào năm 2024, kéo dài thêm 10 năm nữa. Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất sẽ nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc của Ukraine vào khí đốt của Nga cũng như doanh thu trung chuyển khí đốt.

Thông tin từ Berlin cho biết, Mỹ sẽ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và trong trường hợp Nga sử dụng năng lượng như một "vũ khí chính trị", Đức cam kết thực hiện các biện pháp riêng, đồng thời hướng tới các biện pháp ở cấp độ Liên minh châu Âu về việc trừng phạt Moskva trong lĩnh vực năng lượng hoặc các lĩnh vực kinh tế khác.

Trong thoả thuận, Đức và Mỹ cũng nhất trí thành lập một "Quỹ xanh Ukraine" với nguồn tài trợ khởi nghiệp là 150 triệu euro từ Đức. Mục đích là để đạt được hiệu ứng đòn bẩy với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân với tổng trị giá 1 tỷ USD. Quỹ này cũng liên quan tới các dự án hydro, hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo nhằm giúp Ukraine ít phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga. Đức cũng đã cam kết hỗ trợ về kỹ thuật trong việc kết nối mạng lưới điện Ukraine vào hệ thống lưới điện của châu Âu.

Liên hợp quốc yêu cầu Trung Quốc hợp tác với WHO điều tra nguồn gốc Covid-19

Mới đây, trong cuộc họp kín với đại diện của các nước thành viên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề xuất 5 ưu tiên cho giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Trong đó có “việc kiểm tra các phòng thí nghiệm liên quan và các viện nghiên cứu hoạt động ở những khu vực có ca nhiễm đầu tiên được xác định vào tháng 12/2019”.

Ông Tedros còn kêu gọi nghiên cứu thêm các chợ bán động vật trong và xung quanh thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố.

Phản ứng trước đề xuất này của WHO, ông Tăng Ích Tân,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tuyên bố Bắc Kinh sẽ không chấp nhận cuộc điều tra này.

Ông Tăng cho rằng việc WHO đưa ra giả thiết “Trung Quốc vi phạm quy trình phòng thí nghiệm gây rò rỉ virus” là “sự không tôn trọng lẽ thường và thái độ ngạo mạn đối với khoa học bộc lộ trong bản kế hoạch...”.

“Chúng tôi không thể chấp nhận kế hoạch truy xuất nguồn gốc như vậy”, quan chức Trung Quốc tuyên bố.

Ông Tăng cũng phản đối chính trị hóa cuộc điều tra, cho rằng giai đoạn 2 của cuộc điều tra nên được mở rộng trên cơ sở của giai đoạn 1, “đặc biệt là phần đã có kết luận rõ ràng, không nên triển khai lại”.

Trong tuyên bố phát ra ngày 23/7, phó phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm cả Trung Quốc, hợp tác toàn diện với WHO trong việc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19. Nếu WHO cần cung cấp thêm thông tin, chúng tôi hy vọng rằng tất cả các nước sẽ hợp tác".

Xem thêm >> Trung Quốc không cho WHO tới điều tra nguồn gốc Covid-19 lần 2, Liên hợp quốc lên tiếng

Tin mới lên