Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Ukraine vẫn bên bờ vực chiến tranh, EU khiếu nại Trung Quốc lên WTO

(VNF) - Những diễn biến xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine, màn đổi tên thủ đô bất ngờ của Thái Lan, Facebook không còn nằm trong top những công ty giá trị nhất thế giới là những tin tức được bàn luận và chia sẻ nhiều nhất trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Ukraine vẫn bên bờ vực chiến tranh, EU khiếu nại Trung Quốc lên WTO

Biến động xung quanh Ukraine vẫn tiếp tục là những tin tức hàng đầu trong tuần qua.

Ukraine chưa hết căng thẳng

Những diễn biến mới xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn được cập nhật hằng ngày, tuy nhiên, chưa có tin tức nào cho thấy những căng thẳng diễn ra tại đất nước Đông Âu này đang dần hạ nhiệt.

Nếu như trong tuần trước, việc Nga kéo quân tới tập trận chung với Belarus ngay gần biên giới Ukraine khiến phương Tây “khăng khăng” rằng Nga sẽ nhanh chóng tấn công Ukraine, thì đầu tuần này, Nga tuyên bố sẽ rút bớt quân đội khỏi biên giới Ukraine sau khi tập trận xong.

Tuyên bố rút quân cùng bằng chứng Nga đưa ra ngày 15/2 đã phần nào khiến cuộc khủng hoảng giảm bớt căng thẳng, đồng thời cũng khiến thị trường chứng khoán hồi phục và giá dầu giảm nhẹ. Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của Nga, Mỹ và các đồng minh phương Tây đều đồng loạt cho rằng Nga đã “lừa dối” thế giới trong chuyện rút quân.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/2 tiết lộ: “Không có binh lính Nga nào được rút khỏi biên giới với Ukraine. Ngược lại, có tới 7.000 binh lính được đưa tới biên giới Ukraine trong những ngày gần đây, bổ sung vào lực lượng vốn đã có khoảng 150.000 binh lính từ trước đó".

Tổng thống Joe Biden cho biết “khả năng cao” Nga có thể tấn công Ukraine, đồng thời cảnh báo việc này cũng dẫn đến giá năng lượng của Mỹ tăng đột biến.

Không chỉ vậy, trong tuần qua, một vụ tấn công mạng nhằm vào 10 trang web lớn tại Ukraine bao gồm các bộ quốc phòng, ngoại giao và văn hóa, cùng 2 ngân hàng nhà nước lớn nhất của Ukraine là Privatbank và Oshadbank. Vụ việc này cũng khiến phương Tây chĩa mũi dùi vào Nga, cho rằng đây là dấu hiệu báo trước một cuộc tấn công bằng vũ khí quân sự.

Trong một diễn biến gần đây nhất, ngày 18/2, tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Moscow đang tìm cách mở đường can thiệp quân sự, tấn công Ukraine trong những ngày tới đây, thậm chí kích động phe đòi độc lập ở miền đông nước Nga vi phạm lệnh ngừng bắn với Kiev. Trùng hợp là, cũng trong ngày 18/2 đã xảy ra 2 vụ nổ tại trung tâm thành phố Donetsk ở miền Đông Ukraine và nổ đường ống khí đốt ở Luhansk.

“Chúng tôi có lý do để tin rằng lực lượng quân sự Nga đang có kế hoạch và dự định tấn công Ukraine trong tuần tới, trong vài ngày tới”, ông Biden phát biểu trước báo giới sau cuộc điện đàm với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thái Lan bất ngờ đổi tên thủ đô

Ngày 16/2, Văn phòng Hội Hoàng gia Thái Lan (ORST) bất ngờ thông báo thủ đô Bangkok của Thái Lan sẽ được đổi thành Krung Thep Maha Nakhon theo tiếng Thái Lan.

Tên gọi Bangkok là thủ đô của Thái Lan phổ biến từ rất lâu, nhưng chính thức được ORST tuyên bố sử dụng từ tháng 11/2001. Tên gọi Bangkok bắt nguồn từ một khu vực cũ của Bangkok và hiện là một phần trong đại đô thị lớn hơn, bao gồm các quận Bangkok Noi và Bangkok Yai.

Trong tiếng Thái, Krung Thep Maha Nakhon có nghĩa là "Thành phố thủ đô của các thiên thần vĩ đại". Tên gọi mới này nghe có vẻ dài so với tên gọi cũ nhưng thực chất đã là cách viết tắt theo tiếng Thái Lan.

Cũng theo ORST, tên cũ Bangkok vẫn được công nhận, và tên mới Krung Thep Maha Nakhon sẽ cần được một uỷ ban đặc biệt thuộc chính phủ công nhận trước khi chính thức có hiệu lực.

Việc Thái Lan đổi tên thủ đô đã nhanh chóng trở thành đề tài được bàn tán trên các mạng xã hội. Nhiều người dùng mạng cho biết họ đã quen với tên gọi Bangkok nên việc đổi tên là không cần thiết, chưa nói đến việc cái tên Krung Thep Maha Nakhon quá dài và khó nhớ. Tuy vậy, cũng có cư dân mạng cho rằng tên mới của thủ đô Thái Lan rất ý nghĩa, dù hơi dài.

Tuy nhiên, trước những xôn xao trên mạng xã hội, phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek đã đưa ra lời giải thích vào ngày 17/2 rằng Krung Thep Maha Nakhon thực chất đã được đặt làm tên chính thức của thủ đô từ năm 2001 và không có gì thay đổi trong tên gọi thủ đô ngoài cách viết dấu câu.

"Từ năm 2001, chúng tôi sử dụng cách viết 'Krung Thep Maha Nakhon; Bangkok' với dấu chấm phẩy ở giữa", Rachada Dhnadirek nói. "Nhưng bây giờ, cách viết sẽ được đổi thành 'Krung Thep Maha Nakhon (Bangkok)', với dấu ngoặc đơn".

Thay đổi này nằm trong dự thảo của Văn phòng Thủ tướng Thái Lan về cập nhật tên gọi của các quốc gia, vùng lãnh thổ, khu hành chính và thủ đô theo đề xuất của ORST.

Facebook không còn thuộc top 10 công ty giá trị nhất thế giới

Sở hữu mạng xã hội lớn mạnh nhất thế giới và mới đây còn tuyên bố sẽ tham gia xây dựng một thế giới ảo dẫn đầu toàn cầu, nhưng tất cả những cải cách đã không giúp tình hình kinh doanh của Meta, công ty mẹ của Facebook, thoát khỏi tình trạng ảm đạm và thụt lùi.

Ngày 17/2, Bloomberg đưa tin Meta đã rời khỏi top 10 công ty có vốn hoá thị trường lớn nhất thế giới, “hạ cánh” xuống vị trí thứ 11 của bảng xếp hạng với giá trị vốn hoá 565,4 tỷ USD.

Từng là công ty có vốn hoá trên 1000 tỷ USD và trong top 6 công ty lớn nhất thế giới, việc Meta “rớt” khỏi đài danh vọng khiến nhiều người chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Đây là kết quả của hàng loạt những tin tức tiêu cực đến với công ty trong quãng thời gian gần đây.

So với mức đỉnh hồi tháng 9 năm ngoái, giá trị thị trường của công ty đã bốc hơi hơn 500 tỷ USD. Cổ phiếu Meta tiếp tục giảm vào ngày 17/2, sau khi công ty công bố báo cáo kinh doanh ảm đạm. Tốc độ tăng trưởng người dùng của Meta ở mức tệ hại, giảm 46% so với kỷ lục năm ngoái.

Không chỉ vậy, từ năm 2021 tới nay, nguồn thu chính của công ty là Facebook cũng liên tục bị phạt do vi phạm các luật chống độc quyền cũng như các vấn đề về nội dung. Chưa kể, công ty gần đây cũng mất đi nhà đầu tư đầu tiên của mình là tỷ phú Peter Thiel và còn bị cựu nhân viên cũ tiết lộ nhiều bí mật xấu, khiến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin.

Thay cho Meta ở vị trí thứ 6 là Tesla với giá trị thị trường khoảng 906 tỷ USD, đứng sau Amazon. Trong khi đó, vốn hoá của Meta hiện tại còn thấp hơn vốn hoá của Tecent Holdings – tập đoàn Trung Quốc đang đứng vị trí thứ 10 với giá trị 589,8 tỷ USD.

Top 11 công ty giá trị nhất thế giới, theo Bloomberg ngày 17/2.

Doanh số bán dẫn thế giới lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 tỷ USD

Ngày 15/2, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) công bố doanh số ngành bán dẫn toàn cầu năm 2021 đạt kỷ lục 555,9 tỷ USD, là tổng doanh thu hàng năm cao nhất từ trước đến nay và tăng 26,2% so với tổng doanh thu năm 2020 là 440,4 tỷ USD.

Ngành công nghiệp này đã xuất xưởng kỷ lục 1.150 tỷ đơn vị bán dẫn vào năm 2021, khi các công ty chip tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu cao trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu.

Tính theo khu vực, doanh số bán hàng vào thị trường châu Mỹ tăng mạnh nhất (27,4%) vào năm 2021. Trung Quốc vẫn là thị trường riêng lẻ lớn nhất cho chất bán dẫn, với tổng doanh số đạt 192,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 27,1%.

Doanh số hàng năm cũng tăng vào năm 2021 ở châu Âu (27,3%), châu Á - Thái Bình Dương (25,9%) và Nhật Bản (19,8%). Doanh số bán hàng trong tháng 12/2021 tăng so với tháng 11/2021 ở châu Mỹ (5,2%), Trung Quốc (0,8%), châu Âu (0,3%) và châu Á - Thái Bình Dương (0,1%), nhưng giảm nhẹ ở Nhật Bản (- 0,3%).

John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SIA cho biết: “Trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu diễn ra, các công ty bán dẫn về cơ bản đã tăng cường sản xuất lên mức chưa từng có để giải quyết nhu cầu cao liên tục, dẫn đến doanh số bán chip và số lượng chip được xuất xưởng kỷ lục”.

“Nhu cầu sản xuất chất bán dẫn được dự báo sẽ tăng đáng kể trong những năm tới, vì chip thậm chí còn được sử dụng nhiều hơn vào các công nghệ thiết yếu của hiện tại và tương lai”, ông John nói thêm.

EU ‘kiện’ Trung Quốc với WTO vì bằng sáng chế công nghệ

Ngày 18/2, Liên minh châu Âu (EU) đã khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cáo buộc nước này bày “chiêu trò” nhằm ngăn cản và trừng phạt các công ty công nghệ châu Âu tìm cách bảo vệ các bằng sáng chế của mình.

Theo EU, phía Trung Quốc đã và đang sử dụng hệ thống pháp luật trong nước để đe dọa, ngăn các công ty nước ngoài kiện những công ty Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ ra các toà án quốc tế.

Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, các công ty như Sharp, Ericsson và Nokia đã bị đe dọa phạt 130.000 euro (148.000 USD) mỗi ngày hoặc đối diện cáo buộc hình sự nếu không tuân thủ cái gọi là "lệnh chống kiện" của Trung Quốc, thậm chí người đứng đầu các công ty này tại Trung Quốc có thể đối mặt với việc xử lý hình sự.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Huawei đã lợi dụng điều này để mua lại công nghệ nước ngoài với giá rẻ hoặc thậm chí sử dụng chúng một cách bất hợp pháp.

Phía EU đã nhiều lần đề cập vấn đề này với Trung Quốc song chưa nhận được lời hồi đáp thoả đáng. Tuy vậy, hành động đệ đơn lên WTO của EU đã khiến mối quan hệ vốn “cơm không lành, canh không ngọt” với Trung Quốc thêm phần căng thẳng.

Theo quy trình giải quyết tranh chấp của WTO, Trong vòng 60 ngày sau khi EU đệ đơn, nếu 2 bên không thể tự giải quyết tranh chấp, EU sẽ có quyền yêu cầu thành lập ban hội thẩm để giải quyết vấn đề.

Xem thêm >> Mỹ đề xuất quỹ đại dịch mới, WHO ‘đòi’ nâng cao vai trò

Tin mới lên