Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: WHO thông báo khẩn về đậu mùa khỉ, nắng nóng hoành hành ở châu Âu

(VNF) - Thế giới tuần qua đã trải qua nhiều biến động với các tin tức xấu liên quan tới dịch Covid-19 và sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, trong khi giới chính trị nhiều quốc gia như Italy và Sri Lanka cũng có 1 tuần không êm ả. Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga - Ukraine cũng ghi nhận nhiều diễn biến mới đáng chú ý liên quan tới các lệnh trừng phạt.

Thế giới tuần qua: WHO thông báo khẩn về đậu mùa khỉ, nắng nóng hoành hành ở châu Âu

Nắng nóng kỷ lục đã lan rộng khắp châu Âu trong tuần qua.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Tính tới rạng sáng 24/7, theo trang thống kê worldometers.info, toàn thế giới hiện có hơn 574 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong đó, có 676,522 ca được ghi nhận mới trong 24 giờ qua và hơn 6,5 triệu ca được ghi nhận trong 7 ngày vừa qua, giảm 5% so với 7 ngày trước đó.

Trong tuần vừa qua, các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 hàng đầu lần lượt là Mỹ (837,508 ca), Nhật Bản (784,785 ca) và Đức (638,142 ca).

Tính theo khu vực, trong tuần từ ngày 18-24/7, châu Âu là khu vực có số ca nhiễm mới hàng đầu là hơn 2,4 triệu ca, sau đó tới châu Á với 1,9 triệu ca.

Sau một thời gian nhiều quốc gia trên thế giới nới lỏng các biện pháp phòng dịch và quay trở lại cuộc sống bình thường mới, số ca mắc Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại do biến thể phụ của Omicron là BA.2 và BA.5 lây lan nhanh.

Ngày 23/7, số ca mắc Covid-19 mới ở Nhật Bản lần đầu tiên đã vượt 200.000 ca, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc cao kỷ lục trong làn sóng dịch lần thứ 7 ở nước này chủ yếu do biến thể phụ BA.5 của Omicron. Trước đó 1 ngày, số ca nhiễm mới ở quốc gia này là hơn 190.000 ca. Trong tuần qua, Nhật Bản đã vươn lên vị trí số 2 thế giới về số ca nhiễm mới.

Bộ Y tế Cộng hoà Séc ngày 23/7 cũng công bố số liệu cho thấy tỷ lệ mắc Covid-19 tại nước này đã tăng mạnh, từ mức gần 60 ca/100.000 dân hồi đầu tháng lên hơn 140 ca/100.000 dân.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, nhiều quốc gia đang khẩn trương đẩy mạnh công tác tiêm phòng các mũi bổ sung và yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại tại các địa điểm công cộng.

Tại Trung Quốc, đất nước vẫn đang phòng dịch nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, xét nghiệm diện rộng được đẩy mạnh, đặc biệt tại Thượng Hải, thành phố đông dân nhất quốc gia. Trong khi đó, các quốc gia khác hiện vẫn chưa ban hành lệnh phong toả dù cơn sóng lây lan dịch bệnh đang dần trở nên tồi tệ ở nhiều nước.

Tại Hàn Quốc, nhiều ngày liên tiếp số ca mắc mới được báo cáo trên 70.000 ca, khiến các chuyên gia y tế trong nước thúc giục chính phủ áp đặt lại các biện pháp giãn cách xã hội ở mức độ nào đó trước khi tình hình lây nhiễm mới vượt khỏi tầm kiểm soát. Giới chức Hàn Quốc dự báo làn sóng dịch bệnh hiện nay sẽ đạt đến đỉnh điểm trong khoảng từ ngày 15-31/8 tới với số ca mắc hàng ngày vượt ngưỡng 300.000 ca.

Ngày 21/7, truyền thông phương Tây đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị nhiễm Covid-19 với các triệu chứng nhẹ dù đã tiêm 4 mũi vắc xin phòng bệnh. Được biết, ông Biden mới trở về Mỹ sau chuyến công du tới Trung Đông.

Vị tổng thống được dự đoán mắc phải chủng phụ BA.5 của biến chủng Omicron, chủng đang gây ra hơn 70% số ca nhiễm tại Mỹ và đang điều trị bằng thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer và acetaminophen. Theo thông điệp từ Nhà Trắng, sức khoẻ ông Biden hiện vẫn ổn định và ông vẫn đang làm việc bình thường trong khi được cách ly.

WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Ngày 23/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, tương đương mức báo động cao nhất của Tổ chức Y tế Thế giới.

“Chúng ta có một đợt bùng phát đã lan ra khắp thế giới một cách nhanh chóng, thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta còn chưa hiểu rõ. Vì tất cả những lý do này, tôi đã quyết định rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm”, ông Tedros nói.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả bệnh đậu mùa khỉ là một mối đe dọa sức khỏe đang ngày càng gia tăng. Ông kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vắc xin và thuốc kháng virus.

Hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên hơn 70 quốc gia trong năm nay, và số ca nhiễm được xác nhận đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, theo dữ liệu của WHO. Nam giới quan hệ tình dục đồng giới hiện có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ hiện nay là rất bất thường vì nó đang lây lan rộng rãi ở các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu, nơi thường không tìm thấy virus. Châu Âu hiện là tâm chấn toàn cầu của đợt bùng phát, báo cáo hơn 80% trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận trên toàn thế giới vào năm 2022.

Theo ông Tedros, nguy cơ do bệnh đậu khỉ gây ra trên toàn cầu chỉ ở mức vừa phải, nhưng có nguy cơ dọa cao ở châu Âu. Ông Tedros cũng không loại trừ khả năng virus sẽ lây lan trên toàn thế giới dù hiện tại nó không có khả năng làm gián đoạn hoạt động thương mại hoặc du lịch toàn cầu.

Lần cuối cùng WHO ban hành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu là vào tháng 1/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và 2 tháng sau đó tuyên bố đây là một đại dịch.

Nắng nóng kỷ lục hoành hành tại châu Âu

Một đợt nắng nóng kỷ lục đã và đang hoành hành ở châu Âu, gây ra hàng trăm vụ hoả hoạn và khiến hàng nghìn người thiệt mạng, cho thấy châu lục này đang trải qua quãng thời gian khó khăn hơn bao giờ hết.

Tại Anh, quốc gia ghi nhận mức nhiệt cao nhất tại châu lục cho tới nay và có nhiều điểm vượt mức 40 độ C, thời tiết oi bức đã làm gián đoạn việc đi lại, chăm sóc sức khỏe và trường học khi làm cong, vênh các đường ray tàu hoả hoặc tan chảy đường băng. Tại cung điện Buckingham của Hoàng gia Anh, những người lính canh đã lần đầu phải sử dụng tới quạt để đối phó với nắng nóng.

Lần đầu tiên, Văn phòng Met của Vương quốc Anh đã đưa ra cảnh báo màu đỏ về nhiệt, mức cảnh báo khắc nghiệt nhất. London, Birmingham, Oxford, Nottingham và xứ Wales đều đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong tuần vừa qua.

Ở Đan Mạch, nhiệt độ ngày 20/7 ghi nhận là 35,6 độ C, mức cao nhất từ trước đến nay trong tháng 7. Cơ quan khí tượng nước này cảnh báo rằng Đan Mạch đang tiến gần đến ngưỡng nhiệt độ cao nhất mọi thời đại.

Nhiệt độ cao kỷ lục tại châu Âu bắt đầu từ Tây Âu và dự kiến sẽ sớm lan ra toàn châu lục. 64 khu vực khác nhau ở Pháp trải qua mức nhiệt cao kỷ lục và nhiệt độ ở Bồ Đào Nha lên tới 47 độ C vào ngày 21/7. Tại Đức, nhiệt độ dự kiến sẽ sớm lên tới 40 độ C.

Nhiệt độ cao đến mức nguy hiểm đã gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, Bồ Đào Nha đã báo cáo hơn 1.000 trường hợp tử vong liên quan đến sóng nhiệt kể từ tuần trước. Ít nhất 13 người đã chết trong các sự cố liên quan đến nước lộ thiên ở Anh kể từ đầu tuần.

Cháy rừng đã hoành hành khắp các khu vực của châu Âu và bắc Phi, với 37.000 người phải sơ tán khỏi nhà tại Pháp do hậu quả của vụ cháy lớn nhất trong 30 năm. Hơn 20.000 ha đất đã bị nhấn chìm chỉ trong vùng Gironde.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dưới 5% các ngôi nhà trên khắp châu Âu có điều hòa nhiệt độ, và khí hậu ôn hoà quanh năm của khu vực này khiến người dân có khả năng chịu nóng kém hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.

Ngày 22/7, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu đã kêu gọi chung tay hành động chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh đợt nắng nóng thiêu đốt hiện nay ở châu Âu đã khiến hơn 1.700 người ở bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tử vong.

Tổng thống Italy ký sắc lệnh giải tán nghị viện

Tuần vừa qua, nền kinh tế lớn thứ 3 Liên minh châu Âu ghi nhận biến động mới khi Thủ tướng Mario Draghi nộp đơn xin từ chức vào ngày 21/7, sau khi 3 đồng minh chủ chốt rút khỏi liên minh cầm quyền của ông, khiến liên minh này tan vỡ.

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Draghi được thành lập vào tháng 2/2021 với sự tham gia của đảng M5S, đảng Liên đoàn, đảng Forza Italia, đảng Dân chủ, đảng Italia Viva và đảng Article One. Trong đó, M5S là chính đảng lớn nhất, chiếm hơn 30% số ghế tại Thượng viện và Hạ viện Italy sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018.

Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, mâu thuẫn gia tăng giữa Thủ tướng Mario và người đứng đầu đảng M5S là cựu Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khiến đảng M5S đe doạ rút khỏi liên minh cầm quyền, liên luỵ tới cả sự ra đi của đảng Liên đoàn và đảng Dân chủ khỏi liên minh.

Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn liên minh cầm quyền, ngày 14/7, Thủ tướng Draghi nộp đơn xin từ chức lần đầu nhưng không được chấp nhận.

Ngày 21/7, sau khi 3 đồng minh rút khỏi liên minh, Tổng thống Italy Sergio Mattarella ký sắc lệnh giải tán nghị viện. Chỉ 12 giờ sau khi liên minh chính thức tan vỡ, ông Draghi nộp đơn từ chức một lần nữa và đã được nhận bởi Tổng thống Sergio Mattarella.

Thủ tướng Mario Draghi, 74 tuổi, được cho là “vị cứu tinh” của đồng EUR và đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế lớn thứ ba EU khi khối này đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có và một cuộc xung đột ngay cửa ngõ.

Trong 17 tháng đứng đầu chính phủ, ông Draghi đã là trụ cột cho sự ổn định tại một lục địa chật vật với lạm phát leo thang và lo sợ thiếu hụt nhiên liệu khi giao tranh Ukraine kéo dài. Chính vì thế việc Thủ tướng Italy từ chức và khả năng đất nước này phải bầu cử sớm được dự báo sẽ gây tác động không chỉ với Italy, mà cả châu Âu.

Sri Lanka bầu cử Tổng thống mới

Ngày 20/7, Sri Lanka đã chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống mới sau khi ông Gotabaya Rajapaksa, cựu Tổng thống nước này, từ chức và tháo chạy ra nước ngoài.

Quốc hội Sri Lanka đã tiến hành bỏ phiếu để quyết định Thủ tướng Ranil Wickremesinghe hay cựu Bộ trưởng Dullas Alahapperuma sẽ trở thành người lãnh đạo tiếp theo của quốc gia Nam Á đang trong cơn khủng hoảng. Với số phiếu chiếm đa số là 134 phiếu, ông Ranil dễ dàng đánh bại đối thủ và trở thành tân Tổng thống Sri Lanka sau 6 lần giữ chức Thủ tướng.

Văn phòng Tổng thống Sri Lanka ra tuyên bố cho biết ông Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức trước chánh án Jayantha Jayasuriya tại khu phức hợp quốc hội được bảo vệ chặt chẽ.

"Sự chia rẽ của chúng ta đã kết thúc. Không nhất thiết phải nói rõ điều kiện kinh tế đất nước khó khăn ra sao. Chúng ta phải bắt tay vào chương trình mới để tiến bước. Giờ đây tôi kêu gọi mọi người cùng nhau tham gia thảo luận về con đường phía trước", ông Ranil phát biểu trước quốc hội sau khi trở thành Tổng thống.

Tân Tổng thống Wickremesinghe sẽ lãnh đạo quốc gia đã tuyên bố vỡ nợ và đang phải đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ. Đất nước 22 triệu dân cũng đang chịu cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng.

Mặc dù đã nhậm chức, nhưng việc ông Wickremesinghe trở thành Tổng thống không làm thoả mãn đám đông biểu tình, những người đã kêu gọi ông cùng cựu Tổng thống Gotabaya từ chức vì đã làm nền kinh tế Sri Lanka rơi vào khủng hoảng trì trệ.

Ngày 17/4, ông Wickremesinghe ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc sau khi cựu Tổng thống Gotabaya bay ra nước ngoài, cho phép cảnh sát và lực lượng an ninh đối phó đám đông biểu tình. Ngày 20/7, ông khẳng định sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn chống lại những kẻ gây rối muốn lật đổ chính phủ, nhấn mạnh chiếm văn phòng Tổng thống và Thủ tướng "không phải hành động dân chủ, mà là vi phạm pháp luật".

Nga – Ukraine ký thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc

Ngày 22/7, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận do Liên hợp quốc hậu thuẫn để nối lại hoạt đọng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận được ký kết bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine, Oleksandr Kubrakov.

Lễ ký kết tại Cung điện Dolmabahçe ở Istanbul có sự tham dự của Tổng thư ký Liên hợp quốc (UN) António Guterres và Recep Tayyip Erdoğan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, người đã đóng vai trò quan trọng trong nhiều tháng đàm phán căng thẳng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov ký kết thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc dưới sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan.

Ông Guterres phát biểu tại buổi lễ rằng thỏa thuận này sẽ mở đường cho lượng thực phẩm xuất khẩu đáng kể từ Ukraine và làm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực và kinh tế ở các nước đang phát triển. Tổng thư ký LHQ cũng nói "ngọn hải đăng hy vọng đã sáng ở Biển Đen" và kêu gọi Nga và Ukraine thực hiện đầy đủ hiệp định.

Mục đích của thỏa thuận là đảm bảo việc vận chuyển ngũ cốc và các mặt hàng thiết yếu như dầu hướng dương từ ba cảng của Ukraine, bao gồm cả Odesa, ngay cả khi chiến tranh tiếp tục bùng phát ở những nơi khác trên đất nước.

Thỏa thuận này cũng nhằm đảm bảo việc lưu thông an toàn các sản phẩm phân bón do Nga sản xuất, điều cần thiết để đảm bảo năng suất cao trong tương lai đối với cây trồng, trong bối cảnh nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do chiến sự Nga - Ukraine.

Các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết họ hy vọng các chuyến hàng ngũ cốc có thể bắt đầu sớm nhất là vào ngày 23/7, với hy vọng đạt được mức xuất khẩu trước chiến tranh từ ba cảng của Ukraine, khối lượng 5 triệu tấn/tháng, trong vòng vài tuần.

Ông Guterres cho biết việc môi giới một thỏa thuận như vậy giữa hai nước tham chiến là “chưa từng có” và nó sẽ “mang lại sự cứu trợ cho các nước đang phát triển bên bờ vực phá sản và những người dễ bị tổn thương nhất bên bờ vực đói kém”.

“Và nó sẽ giúp ổn định giá lương thực toàn cầu, vốn đã ở mức kỷ lục ngay cả trước chiến tranh - một cơn ác mộng thực sự đối với các nước đang phát triển”, người đứng đầu LHQ nói thêm.

Về phía Ukraine, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Kubrakov cho biết thoả thuận này sẽ thúc đẩy nền kinh tế Ukraine khi hơn 20 triệu tấn ngũ cốc nước này đã phải “nằm kho” từ năm ngoái.

Nga ‘nới rộng’ danh sách các quốc gia không thân thiện

Theo thông cáo của Chính phủ Nga công bố ngày 22/7, Moscow đã thêm Croatia, Đan Mạch, Hy Lạp, Slovakia và Slovenia vào danh sách các quốc gia "thực hiện các hành động không thân thiện đối với các công ty và công dân Nga". Quyết định được ký bởi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin vào ngày 20/7.

Theo đó, các quốc gia “không thân thiện” sẽ bị hạn chế trong việc tuyển dụng nhân viên trong các cơ quan đại diện ngoại giao trên lãnh thổ Nga. Moscow cũng tuyên bố có quyền trả nợ bằng đồng ruble cho các quốc gia trong danh sách "không thân thiện" của mình.

"Hy Lạp không thể có hơn 34 nhân viên, Đan Mạch có 20 và Slovakia có 16 nhân viên. Slovenia và Croatia sẽ không được phép thuê công dân Nga làm nhân viên tại các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của họ", truyền thông Nga công bố giới hạn số nhân viên ngoại giao có thể có của các quốc gia mới bị hạn chế.

Đầu tháng 3, chỉ vài ngày sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vô cớ liên tục vào Ukraine bị phương Tây và nhiều nước khác lên án, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho chính phủ lập một danh sách đăng ký "các quốc gia không thân thiện".

Danh sách bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Ukraine, Úc, Singapore, Nhật Bản, New Zealand, Đài Loan, Micronesia, Montenegro, Albania, Thụy Sĩ, Andorra, Hàn Quốc, Lichtenstein, Monaco, Na Uy, San Marino, Cộng hòa Séc và Bắc Macedonia.

Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell đã thay mặt 27 quốc gia đưa ra tuyên bố: “Liên minh châu Âu công nhận quyết định của chính phủ Nga về việc thêm năm quốc gia thành viên EU, Hy Lạp, Đan Mạch, Croatia, Slovakia và Slovenia, vào danh sách các quốc gia áp dụng các biện pháp trong 'Ứng phó với các hành động không thân thiện của nước ngoài’."

Ông Borel nhấn mạnh rằng quyết định của Điện Kremlin tạo ra một sự leo thang khác trong quan hệ với EU và các nước thành viên. Ông chỉ ra rằng sắc lệnh thiết lập danh sách các quốc gia "không thân thiện" là trái với Công ước Viên năm 1961 về Quan hệ ngoại giao.

Đại diện Cấp cao cũng kêu gọi Nga ngừng ngay lập tức hành động gây hấn với Ukraine. Ngày 24/7 đánh dấu ngày thứ 151 của cuộc chiến tranh do Nga đưa quân vào lãnh thổ quốc gia Đông Âu Ukraine.

Liên minh châu Âu thông qua gói trừng phạt thứ 7 với Nga

Ngày 20/7, Ủy ban Đại diện Thường trực EU (Coreper) đã đồng ý gói trừng phạt thứ bảy chống lại Nga, nhằm phản đối cuộc chiến tranh diễn ra tại Ukraine.

Theo các nguồn tin châu Âu và các phương tiện truyền thông đại chúng, gói trừng phạt thứ bảy bao gồm lệnh cấm mua vàng từ Nga dưới dạng bán thành phẩm và phế liệu. Một số danh mục nhất định sẽ được thêm vào danh sách hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng.

Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ đóng băng tài sản của ngân hàng Nga Sberbank và thêm 48 công dân người và tổ chức vào danh sách đen của EU.

Các biện pháp này cũng mở khóa tài sản tại các ngân hàng Nga có liên quan đến hoạt động buôn bán thực phẩm và phân bón trong nỗ lực đáp trả cáo buộc của Moscow rằng các lệnh trừng phạt đang gây ra khủng hoảng lương thực.

Đây là một "cam kết rằng các lệnh trừng phạt sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh lương thực và năng lượng trên toàn thế giới", chính phủ Séc cho biết.

Tất cả các lệnh trừng phạt hiện đang có hiệu lực đối với Nga sẽ được gia hạn thêm 6 tháng theo quyết định này.

Sáu vòng trừng phạt trước đó đã nhắm vào nền kinh tế, hệ thống tài chính, ngân hàng trung ương của Nga, các quan chức hàng đầu của chính phủ, cũng như Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người thân cận của ông.

Xem thêm >> Bị giáng liên tiếp 7 gói trừng phạt, Nga nói EU đang đi vào ‘ngõ cụt’

Tin mới lên