Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Xuất hiện biến chủng nguy hiểm hơn Delta, Nga cắt đứt quan hệ với NATO

(VNF) - Các quan chức y tế Anh mới đây cho biết họ đang chính thức nghiên cứu biến chủng AY.4.2 (hay còn gọi là Delta Plus), được cho là có khả năng lây lan cao hơn 10-15% so với biến thể Delta gốc. Thông tin này nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Xuất hiện biến chủng nguy hiểm hơn Delta, Nga cắt đứt quan hệ với NATO

Biến chủng AY.4.2 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 7 tại Anh. (Ảnh minh họa)

Xuất hiện biến chủng nguy hiểm hơn Delta

Biến chủng AY.4.2 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 7 tại Anh. Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), đến nay biến chủng này đã được phát hiện ở ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Biến chủng AY.4.2 chứa 2 đột biến trong protein gai là A222V và Y145H, được cho là có khả năng lây lan cao hơn 10-15% so với biến chủng Delta gốc, thậm chí có khả năng lẩn tránh vaccine.

Ngày 22/10, các quan chức y tế Anh cho biết đang chính thức nghiên cứu biến chủng AY.4.2 sau khi biến chủng này được ghi nhận trong số ca nhiễm ngày một gia tăng.

Việc phát hiện một biến chủng có khả năng lây lan cao hơn khiến nhiều người lo ngại vì nó có thể làm gia tăng số ca mắc Covid-19 ở những người chưa tiêm vaccine.

Tuy vậy, cho tới nay, các quan chức y tế vẫn chưa bày tỏ lo ngại về biến thể phụ của chủng Delta và cho rằng điều quan trọng là phải tiếp tục theo dõi đột biến này chứ không nên hoảng loạn.

Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cho biêt Mỹ cũng đã ghi nhận biến thể phụ này nhưng cho tới nay, không có sự gia tăng số ca mắc Covid-19 do AY.4.2.

Nga cắt đứt quan hệ với NATO

Phát biểu trước báo giới ngày 18/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga đình chỉ công tác của phái đoàn nước này, bao gồm cả đại diện quân sự, tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) từ ngày 1/11.

Nga cũng đã đóng văn phòng đại diện thành lập năm 2002 của NATO tại Đại sứ quán Bỉ ở Moscow và văn phòng thông tin NATO vốn được thành lập vào năm 2001 để cải thiện quan hệ giữa NATO và Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết liên minh này lấy làm tiếc về quyết định của Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói thông báo của Moscow “hơn cả đáng tiếc” và điều này sẽ kéo dài "mối quan hệ băng giá" giữa Nga và NATO. 

Tại cuộc họp khai mạc ngày 21/10 tại Brussels, Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO thông qua một kế hoạch tổng thể mới nhằm chống lại bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Nga trên nhiều mặt trận, qua đó khẳng định trở lại rằng đối tượng chủ chốt của NATO vẫn là Nga.

Điện Kremlin ngày 22/10 cho rằng việc NATO thông qua chiến lược mới tập trung vào Nga đã cho thấy, quyết định cắt đứt quan hệ với khối này của Nga là đúng đắn.

Mỹ ghi nhận mức thâm hụt ngân sách cao thứ 2 trong lịch sử

Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/10 cho biết thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ trong tài khóa 2021 (từ ngày 1/10 đến ngày 30/9) là 2.800 tỷ USD, mức cao thứ hai trong lịch sử nhưng giảm hơn 360 tỷ USD so với tài khóa trước đó.

Trong tài khóa 2020, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ lên tới 3.100 tỷ USD do nhiều doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa tạm thời để phòng tránh dịch COVID-19. Con số này cao hơn gấp đôi so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2009, khi thâm hụt ghi nhận ở mức 1.400 tỷ USD sau một năm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính 2008.

Báo cáo ngân sách cho thấy nguồn thu của chính phủ Mỹ đạt 4.000 tỷ USD trong tài khóa 2021, tăng 18,3% so với năm trước và vượt mức dự báo trong ngân sách tổng thống.

Thu nhập chính phủ tăng là nhờ mức thu thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp cao hơn, xuất phát từ nền kinh tế được cải thiện.

Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ lên tới 6.800 tỷ USD, tăng 4,1% nhưng vẫn thấp hơn dự kiến.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cho rằng đây là bằng chứng về việc kinh tế Mỹ đang phục hồi và là kết quả trực tiếp của việc chính phủ đã nỗ lực ban hành Kế hoạch giải cứu người Mỹ trong đại dịch.

Ông Putin ‘ra điều kiện’ với châu Âu liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2

Ngày 21/10, phát biểu tại phiên họp của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã tăng cường cung cấp khí đốt sang châu Âu trong năm 2021 và có thể cung cấp thêm ngay khi đường ống trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) hoạt động.

Theo người đứng đầu điện Kremlin, đường ống dẫn khí đầu tiên của dự án đã được bơm đầy khí, công việc kỹ thuật lấp đầy đường ống thứ hai cũng sẽ hoàn thành muộn nhất trong tháng 12 năm nay.

“Tổng công suất của cả 2 đường ống là 55 tỷ mét khối khí. Nếu thiếu hụt trên thị trường châu Âu, theo tính toán của chúng tôi, vào khoảng 70 tỷ mét khối, thì 55 tỷ là khá tốt. Ngay sau khi đường ống thứ hai được lấp đầy, và ngay khi nhận được sự cho phép của cơ quan quản lý Đức, ngày hôm sau chúng tôi sẽ bắt đầu giao hàng”, ông Putin nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Nga đồng thời khẳng định nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 thân thiện với môi trường hơn khoảng 5-6 lần so với nguồn cung bằng tuyến đường trước đó, thông qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine.

Tổng thống Mỹ Biden cam kết ‘bảo vệ Đài Loan’, Trung Quốc tuyên bố 'không nhượng bộ'

Tại một sự kiện giao lưu do CNN tổ chức ngày 21/10, đề cập đến các báo cáo gần đây rằng Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh, một phóng viên của CNN đã đặt câu hỏi rằng liệu Mỹ có phòng vệ giúp Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công hay không.

Tổng thống Biden đã lên tiếng khẳng định: "Vâng, chúng tôi có cam kết thực hiện điều đó".

Tuyên bố này đã dành được sự chú ý của cộng đồng quốc tế bởi từ trước tới nay dù Washington tuyên bố sẽ hỗ trợ Đài Loan xây dựng phòng thủ, song chưa từng đưa ra các cam kết rõ ràng mà chỉ theo đuổi chính sách "mơ hồ chiến lược"

Ngay sau đó, một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã dường như muốn hiệu chỉnh tuyên bố của ông Biden, khi nói với các hãng truyền thông Mỹ rằng "không có thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi".

Phản ứng trước tuyên bố của ông Biden, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 22/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân kêu gọi Mỹ hành động cẩn trọng đồng thời hối thúc nước này "tránh gửi đi bất kỳ thông điệp sai lầm nào tới lực lượng ủng hộ độc lập của Đài Loan".

Nhà ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhượng bộ khi động đến lợi ích cốt lõi của nước này.

Xem thêm >> Tổng thống Mỹ Biden cam kết ‘bảo vệ Đài Loan’, Trung Quốc tuyên bố 'không nhượng bộ'

Tin mới lên