Tài chính quốc tế

Thế giới xử phạt thế nào các công ty gây ô nhiễm?

(VNF) - Nhiều quốc gia đã mạnh tay xử lý hành vi hủy hoại môi trường của các doanh nghiệp.

Thế giới xử phạt thế nào các công ty gây ô nhiễm?

Trên thế giới, từng có những mức phạt khủng dành cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất nhằm ngăn chặn các thảm họa môi trường tái diễn.

Mỹ phạt BP 20 tỷ USD vì sự cố tràn dầu vịnh Mexico

Ngày 4/4/2016, Thẩm phán liên bang thành phố New Orleans, Mỹ, ông Carl Barbier đã thông qua mức án phạt khoảng 20 tỷ USD mà tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh BP phải trả nhằm giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại sau sự cố dầu tràn của hãng tại vịnh Mexico năm 2010. Thẩm phán Barbier nêu rõ BP sẽ phải hoàn tất mức án phạt này trong vòng 16 năm.

Theo phán quyết của Thẩm phán Barbier, mức tiền phạt được thông báo lần đầu tiên hồi tháng 7/2015 này bao gồm 5,5 tỷ USD cho các án phạt dân sự chiểu theo Đạo luật Vùng biển sạch (Clean Water Act), số còn lại dùng để chi trả cho công tác khôi phục hệ sinh thái và bồi thường thiệt hại kinh tế cho năm bang vùng vịnh bị ảnh hưởng gồm Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida cùng hàng trăm chính quyền địa phương. 

 Sự cố dầu tràn của hãng tại vịnh Mexico năm 2010.

Đêm ngày 20/4/2010, giàn khoan biển nước sâu Horizon của tập đoàn dầu khí BP rò rỉ khí ga và phát nổ tại vịnh Mexico. Vụ nổ khiến 11 công nhân giàn khoan thiệt mạng và nhiều người bị thương. Các lực lượng phản ứng khẩn cấp của BP và chính phủ Mỹ phải mất hơn 36 tiếng đồng hồ để kiểm soát đám cháy. Tuy nhiên, hậu quả lớn nhất của vụ nổ chính là tình trạng dầu từ thềm lục địa phun trào không tài nào kiểm soát được. Theo ước đoán vào thời điểm đó của Tập đoàn BP, lượng dầu phun trào khỏi giàn khoan lên đến gần 1.000 thùng/ngày. Còn theo các ước tính của quan chức chính phủ Mỹ, lượng dầu tràn có lúc đạt đỉnh điểm là 60.000 thùng/ngày.

Vụ việc đã khiến hơn 1.770 km đường bờ biển phía nam nước Mỹ bị ô nhiễm nghiêm trọng, nặng nhất là ba bang Mississippi, Alabama và Florida. Tính đến năm 2015, có hơn 1.100 cá thể cá heo và cá voi mắc cạn, có sự tác động bởi vụ tràn dầu. Một cuộc khảo sát vào cuối năm 2010 cũng cho thấy có hàng trăm ngàn cá thể rùa biển chịu tác hại của vụ tràn dầu.

Sau khi Thẩm phán New Orleans thông qua mức án phạt đối với BP, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch đã bày tỏ hoan nghênh và khẳng định "quyết định có tính lịch sử này là một phản ứng mạnh và phù hợp đối với thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ".

Trước đó, hồi tháng 10/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ - bà Loretta E. Lynch đã tuyên bố Tập đoàn dầu khí BP phải trả mức đền bù cao kỷ lục: hơn 20 tỷ USD. "BP phải nhận hình phạt xứng đáng, bồi thường thích đáng cho những tổn hại mà họ đã gây ra cho môi trường và nền kinh tế vùng vịnh", bà Loretta Lynch khẳng định.

Thảm họa đã khiến tập đoàn BP lao đao vì những khoản tiền phạt và đền bù khổng lồ. Trong số này phải kể đến khoản phạt 4,5 tỷ USD để giúp chấm dứt các cáo buộc hình sự liên quan; khoản chi 7,8 tỷ USD đền bù cho các doanh nghiệp, cá nhân, chính quyền địa phương ở Vịnh Mexico để tránh bị khởi kiện tập thể; hay khoản chi hơn 14 tỷ USD cho việc làm sạch và khôi phục vùng biển bị ô nhiễm.

Chevron bị phạt 9,5 tỷ USD vì gây ô nhiễm môi trường

Ngày 13/3/2015, Tòa án công lý quốc tế (ICJ) có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, đã ra phán quyết yêu cầu Tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron bồi thường 9,5 tỷ USD cho những thiệt hại về môi trường đã gây ra cho Ecuador trong quá trình khai thác kéo dài suốt 30 năm của thế kỷ trước. 

ICJ đã yêu cầu Texaco, công ty con của Chevron, có nghĩa vụ phải bồi thường số tiền trên cho Ecuador vì đã gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng cho cộng đồng thổ dân ở tỉnh miền Tây Sucumbios, thuộc vùng Amazon.

Một nhánh sông bị ô nhiễm bởi dầu ở Ecuador.

Phán quyết của ICJ nêu rõ trong 3 thập kỷ thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực này, Texaco đã làm tràn gần 17 triệu thùng dầu, thải xuống sông khoảng 18,5 tỷ thùng nước độc và đốt khoảng 235 tỷ m3 khí. 

Năm 1992, Texaco ngừng hoạt động khai thác ở Ecuador sau khi các giếng dầu đang khai thác của công ty này bị ngập úng nặng. Mưa to làm nước sông dâng cao, tràn vào các giếng dầu và cuốn trôi các chất độc hại ra khắp hệ thống sông ngòi, gây ô nhiễm trầm trọng cả một vùng rộng lớn.

Phán quyết được đưa ra theo đơn kiện của 30.000 người dân Ecuador trong một vụ kiện kéo dài gần hai thập kỷ. Phía nguyên đơn nói các hoạt động của công ty đã phá hoại một vùng rừng nhiệt đới rộng lớn và làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư của cư dân địa phương.

Thảm họa chết người ở vùng biển Minamata (Nhật Bản)

Ngay cả quốc gia phát triển hàng đầu thế giới và nổi tiếng "xanh" như Nhật Bản cũng từng chịu ô nhiễm nặng nề trong thập niên 60 - 70, thời kỳ công nghiệp hóa. 

Năm 1956, thế giới xôn xao khi một căn bệnh lạ xuất hiện ở thành phố Minamata, tỉnh Kumamoto do ăn phải cá nhiễm độc, được gọi là "bệnh Minamata". Ngày 21/4/1956, trường hợp bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận mắc bệnh Minamata đó là một bé gái 5 tuổi với những triệu chứng nghiêm trọng như không thể nói chuyện, đi lại hay ăn uống. Tiếp theo đó là hàng chục trường hợp khác phải nhập viện với những triệu chứng tương tự.

Đến ngày 1/5/1956, bác sĩ Hajime Hosokawa thuộc bệnh viện của công ty Shin Nihon Chisso Hiryo báo cáo một "bệnh dịch lạ liên quan đến hệ thần kinh trung ương" gây rúng động dư luận. Một thời gian ngắn sau khi báo cáo trên được đưa ra, 17 trường hợp tử vong vì căn bệnh lạ trên được ghi nhận. Vụ việc trở thành chủ đề nóng liên quan đến sức khỏe con người.

Phải đến năm 1968, Nhật Bản mới chính thức thông báo thuỷ ngân hữu cơ (methyl mercury) trong chất thải công nghiệp của nhà máy Chisso là nguyên nhân gây bệnh Minamata. Theo đó, nước thải ô nhiễm của nhà máy này xả thẳng ra biển gây nhiễm độc cá. Hàng nghìn người ăn cá nhiễm độc thủy ngân sau một thời gian đã bị á khẩu, đi đứng khó khăn, co giật, thậm chí phát điên, tê liệt, hôn mê và tử vong chỉ sau vài tuần.

Một trong những nạn nhân Minamata đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại.

Mãi đến năm 1968, chính phủ Nhật Bản mới chính thức công nhận thủy ngân hữu cơ (methyl mercury) trong chất thải công nghiệp của nhà máy Chisso là nguyên nhân gây bệnh.

Cùng lúc đó, công ty tiếp tục xả nước thải ô nhiễm ra biển, làm nhiễm độc cá, khiến người dân địa phương mắc bệnh sau khi ăn cá. Điều này khiến căn bệnh ngày càng lan rộng trong khu vực.

​Ước tính, tổng cộng nhà máy hóa chất của tập đoàn này đã xả ra biển 400 tấn thủy ngân, trong đó, riêng giai đoạn từ 1956 - 1968 là 150 tấn.

Đến tháng 3/2001, hơn 2.000 nạn nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh Minamata do ăn phải cá nhiễm thủy ngân. Nhiều trẻ em bị mắc Minamata bẩm sinh do mẹ mắc bệnh này khi đang mang thai. Hơn 1.500 người đã chết và hơn 10.000 người nhận được đền bù tài chính từ Chisso.

Những khoản bồi thường mà Chisso trả cho các nạn nhân lớn đến mức chính phủ Nhật đã phải hỗ trợ tài chính cho tập đoàn này vào năm 1978, đảm bảo tập đoàn này có thể tiếp tục trả "gánh nặng ô nhục" của họ. Đến năm 1995, chính phủ Nhật đã đệ trình một kế hoạch dàn xếp đền bù cho những ai chưa được công nhận là mắc bệnh Minamata với điều kiện là những nạn nhân này phải bãi kiện. Nhiều nạn nhân đã đồng ý với đề xuất này.

Năm 2003, tập đoàn Chisso đã phải trả khoảng 86 triệu USD đền đền bù và được yêu cầu phải dọn sạch sự ô nhiễm do mình gây ra. 

Giờ đây, Vịnh Minamata đã trong sạch trở lại. Sau bao nhiêu cuộc chiến pháp lý, cuối cùng, công ty Chisso cũng đã bỏ hàng chục tỷ yên để bồi thường và chính phủ Nhật Bản cũng có nhiều động thái hỗ trợ bệnh nhân Minamata.

Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, căn bệnh khủng khiếp này vẫn còn hành hạ biết bao nhiêu người. Cuộc chiến pháp lý đòi đền bù của các nạn nhân mắc bệnh Minamata vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chỉ mới có 3.000 người được chấp nhận là bệnh nhân của căn bệnh Minamata, mặc dù vẫn còn 33.540 người đang tìm kiếm sự công nhận họ mắc căn bệnh này.

Tại Việt Nam, việc xử phạt còn quá nhẹ?

Tại Việt Nam vụ vi phạm môi trường "khủng" nhất từng bị xử lý tính đến thời điểm hiện tại vẫn là vụ xả thải của Công ty Vedan ra sông Đồng Nai, với mức tiền phạt 220 tỷ đồng, nhưng từ đó đến nay chưa hề có tổ chức, cá nhân nào gây hủy hoại môi sinh phải đứng trước vành móng ngựa.

Tháng 9/2008, từ phản ánh của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau hơn 3 tháng theo dõi, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Công ty Vedan (100% vốn Đài Loan) đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.

Trong nước thải sau xử lý của hệ thống hồ sinh học ở Công ty Vedan, cơ quan chức năng còn phát hiện có mẫu nước thải mà hàm lượng chất cyanure chứa trong đó vượt tiêu chuẩn Việt Nam đến 5.600 lần - một mức gây ô nhiễm độc hại rất lớn. Bán kính vùng ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra có phạm vi 10km dọc bờ sông Thị Vải. Nước sông tại các vùng này bị ô nhiễm nặng nề, nước có màu đen hôi, cá chết hàng loạt.

Sau một thập kỷ, môi trường khắp cả nước tiếp tục ô nhiễm, mỗi năm có đến hàng ngàn vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, những vụ bị xử lý hình sự còn rất ít, ngoài mức tiền phạt hành chính không đáng kể so với quy mô của thiệt hại. 

Cá chết hàng loạt tại miền Trung và dấu hỏi cho Formosa

Những ngày này, dư luận đang nóng lên với vấn đề ô nhiễm môi trường biển gây ra tình trạng cá chết hàng loạt tại khu vực miền Trung. Một trong những "nghi phạm" được nêu ra là Dự án Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, thuộc Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi có đường ống xả thải khá lớn chạy thẳng ra biển.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng và vấn đề vẫn đang trong quá trình làm rõ nguyên nhân. 

Ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết sau khi thảo luận, cuộc họp các nhà khoa học và các cơ quan quản lý đã thống nhất nhận định cá chết sơ bộ có 2 nguyên nhân: một là, do tác động của các độc tố hóa học do con người thải ra trên đất liền và trên biển; hai là, do sự thay đổi của thiên nhiên, hiện tượng thủy triều đỏ hay còn gọi là tảo nở hoa.

Cá chết hàng hoạt tại vùng biển miền Trung.

Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường ngày 1/5/2016.

Theo văn bản này, Thủ tướng đánh giá sự cố môi trường hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra thời gian qua tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế là sự cố môi trường nghiêm trọng, bất thường, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta trên vùng biển rộng, nên việc xác định nguyên nhân phải thực hiện khẩn trương, thận trọng, chắc chắn, có căn cứ khoa học.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan; đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy.

Nếu kết luận cuối cùng cho thấy Formosa là tác nhân gây ô nhiễm, thì có thể sẽ có một hình phạt vô cùng nặng nề như Thủ tướng đã cam kết rằng sẽ "xử lý nghiêm minh, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào", cùng những nỗ lực giảm thiểu tác hại môi trường và các biện pháp giám sát chặt chẽ quy trình xả thải.

Tin mới lên