Nhân vật

Thế hệ kế nghiệp chưa được trao cơ hội trực tiếp lãnh đạo dự án chuyển đổi trong doanh nghiệp

(VNF) - Theo báo cáo khảo sát Thế hệ kế nghiệp (NextGen) năm 2022 của PWC Việt Nam, chỉ 11% những người được khảo sát được trao cơ hội để lãnh đạo các dự án chuyển đổi trong doanh nghiệp gia đình, thấp hơn so với tỷ lệ toàn cầu là 28%.

Câu chuyện chuyển giao thế hệ lãnh đạo nóng lên từ năm 2021, khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu tính đến chuyện chuyển giao quyền điều hành cho thế hệ F2, F3.

Ông Johnathan Ooi Siew Loke, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp gia đình và tư nhân PWC Việt Nam cho biết nền văn hoá của Việt Nam giàu tính “cha truyền con nối”, việc duy trì sản nghiệp của gia đình và đảm bảo sự thịnh vượng là tối quan trọng.

Theo ông, NextGen – những nhà lãnh đạo tương lai của các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam hiện đang trải qua một thực tại mới sau 2 năm đại dịch được rèn dũa, với những thách thức mới như nhu cầu phát triển, chuyển đổi và học hỏi ngày càng cao, đồng thời viễn cảnh kế cận ngày càng trở nên hiện hữu.

Báo cáo Thế hệ kế nghiệp của PWC cho thấy, đại dịch đã gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp gia đình. Cụ thể, 71% số người được khảo sát cho biết trong đại dịch, các thành viên trong gia đình trao đổi với nhau nhiều hơn về vấn đề kinh doanh, 42% cho biết sự giao tiếp giữa thế hệ kế nghiệp và thế hệ lãnh đạo đương nhiệm cũng trở nên chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, kế nghiệp là một vẫn đề khó và nhạy cảm, báo cáo nhận định. Thế hệ lãnh đạo đương nhiệm vẫn đang nắm quyền kiểm soát. Chính vì vậy, 61% NextGen Việt Nam cảm thấy khó khăn trong việc chứng tỏ bản thân ở vị trí lãnh đạo mới hoặc với vai trò thành viên hội đồng quản trị, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình thế giới và khu vực (đều là 45%).

Nguyên nhân chủ yếu bao gồm việc gặp khó khăn để tìm ra điểm mạnh và đam mê của bản thân trong giai đoạn này và mức độ sẵn sàng chuyển giao của thế hệ lãnh đạo đương nhiệm. 42% NextGen được khảo sát cho biết công ty vẫn chưa sẵn sàng cho việc thay đổi bộ máy lãnh đạo.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy NextGen Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm ra thế mạnh và đam mê của bản thân (42%), cao hơn so với tỷ lệ toàn cầu (30%) và trong khu vực (29%). Những gì cần được chuẩn bị cho việc sự kế thừa thành công thường hiếm khi được trình bày rõ ràng hoặc thảo luận chi tiết. Vì thế, NextGen cho rằng cách tạo dựng niềm tin nơi thế hệ lãnh đạo đương nhiệm là noi theo tấm gương của họ.

Đáng chú ý, khảo sát cho thấy, chỉ 11% NextGen được trao cơ hội để lãnh đạo các dự án chuyển đổi trong doanh nghiệp gia đình, thấp hơn tỷ lệ toàn cầu (28%) và tỷ lệ ở châu Á – Thái Bình Dương (30%). “NextGen Việt Nam cảm thấy họ vẫn chưa có nhiều cơ hội để trực tiếp lãnh đạo các dự án chuyển đổi cụ thể trong doanh nghiệp”, báo cáo nêu rõ.

Theo đó, kinh nghiệmn và trình độ chuyên môn là yếu tố đang cản trợ NextGen trong việc tạo ra tác động mà họ muốn đối với doanh nghiệp của mình. Cụ thể, hơn 1/3 NextGen tại Việt Nam chưa sẵn sàng đưa ra đề xuất thay đổi vì họ cảm thấy cần phải hiểu thêm về doanh nghiệp của mình. Con số này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình toàn cầu và khu vực (chỉ ở mức 17%).

Do đó, báo cáo cho rằng gần một nửa NextGen tại Việt Nam xác định nâng cao kỹ năng là yêu cầu bắt buộc. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu và khu vực (lần lượt là 28% và 32%).

Cụ thể, các kỹ năng về quản lý tài chính và đầu tư nay đã trở thành lĩnh vực quan trọng và được nhiều người mong muốn nâng cao nhất để thành công (50%), theo ngay sau là kỹ năng lãnh đạo (37%). Kỹ năng đổi mới sáng tạo (34%) và số hóa (26%) đã được đưa vào danh sách, báo hiệu xu hướng đón nhận công nghệ của NextGen. Một bộ kỹ năng đáng chú ý khác là kỹ năng liên quan đến Môi trường, Xã hội và Quản trị - ESG (13%). Mặc dù con số còn khá thấp nhưng bộ kỹ năng này cũng đã bắt đầu được chú ý.

Tin mới lên