Tài chính quốc tế

Thêm 118 ứng dụng vào ‘danh sách đen’ của Ấn Độ, Trung Quốc chỉ trích gay gắt

(VNF) - Ấn Độ mới đây đã đưa thêm 118 ứng dụng di động của Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có những cái tên nổi bật như PUBG, WeChat, Taobao, Youku và ứng dụng thanh toán di động Alipay.

Thêm 118 ứng dụng vào ‘danh sách đen’ của Ấn Độ, Trung Quốc chỉ trích gay gắt

PUBG nằm trong danh sách cấm mới nhất của Ấn Độ.

"Các ứng dụng này thu thập, chia sẻ dữ liệu một cách lén lút và xâm phạm dữ liệu cá nhân, thông tin của người dùng, điều đó có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của đất nước", Reuters dẫn tuyên bố ngày 2/9 của Bộ Công nghệ Ấn Độ.

Cũng theo bộ này, quyết định cấm thêm 118 ứng dụng của Trung Quốc là để đảm bảo an toàn, an ninh và chủ quyền không gian mạng của Ấn Độ.

Những ứng dụng bị cấm này phần lớn được vận hành bởi các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Tencent và Ant Financial.

Đáng chú ý, PUBG, trò chơi điện tử nổi tiếng của Tencent, cũng nằm trong danh sách cấm lần này. Công ty phân tích ứng dụng SensorTower cho biết Ấn Độ có lượt tải xuống PUBG nhiều nhất thế giới, khoảng 175 triệu lượt, tương đương 24% tổng số lượt trên toàn cầu.

Phản ứng trước động thái nảy của Ấn Độ, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong hôm nay (3/9) cáo buộc Ấn Độ “xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ Trung Quốc, tổn hại lợi ích của người tiêu dùng Ấn Độ, đồng thời hủy hoại môi trường đầu tư của Ấn Độ với tư cách là một nền kinh tế mở".

Ông Cao Phong nói Ấn Độ đã lạm dụng khái niệm “an ninh quốc gia” và áp dụng các biện pháp hạn chế phân biệt đối xử chống lại các công ty Trung Quốc, vi phạm các quy định liên quan của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

“Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và phản đối quyết định này của Ấn Độ, kêu gọi Ấn Độ sửa chữa các hành vi sai trái của mình", nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố

Trước đó, Ấn Độ hồi tháng 6 đã chặn 59 ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc, bao gồm những ứng dụng nổi tiếng như TikTok, Weibo và WeChat vì cho rằng các nền tảng này đe dọa đến chủ quyền và sự toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng.

Động thái này đã càng làm căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất hành tinh tăng cao, sau cuộc đụng độ hồi đầu tháng 6 tại biên giới ở dãy Himalaya giữa binh sĩ hai nước khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, trong khi con số thương vong phía Trung Quốc không được công bố.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ đứng sau Mỹ. Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, Ấn Độ mua 65 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, chiếm gần 14% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ chiếm 3% tổng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2019.

Xem thêm >> Mỹ gấp rút ra mắt vaccine Covid-19 trước thềm bầu cử tổng thống

Tin mới lên