Tài chính

Thêm những điểm đáng chú ý trong tình hình tài chính của HAGL

(VNF) – Nhiều điểm đáng chú ý được hé lộ trong báo cáo tài chính quý II/2016 của HAGL, điển hình trong số đó là việc HAGL giảm khá mạnh tỷ lệ sở hữu tại HAGL Myanmar và việc xuất hiện chi phí dự phòng trong chi phí quản lý doanh nghiệp.

Thêm những điểm đáng chú ý trong tình hình tài chính của HAGL

HAGL giảm khá mạnh tỷ lệ sở hữu tại HAGL Myanmar thông qua HAGL Land

Giảm tỷ lệ sở hữu tại HAGL Myanmar

Rất bất ngờ khi theo báo cáo tài chính quý II/2016, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã giảm tỷ lệ sở hữu tại 3 công ty bất động sản, trong đó có Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Myanmar.

Cụ thể, HAGL đã giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land) từ mức 85,75% thời điểm kết thúc quý I/2016 xuống còn 68,9% thời điểm kết thúc quý II/2016.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Myanmar (HAGL Myanmar) khi tỷ lệ sở hữu của HAGL tại công ty này đã giảm từ 85,75% thời điểm kết thúc quý I/2016 xuống còn 68,9% thời điểm kết thúc quý II/2016.

Vì HAGL Land đang sở hữu 100% cổ phần của HAGL Myanmar nên có thể khẳng định rằng, HAGL giảm sở hữu tại HAGL Myanmar thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu tại HAGL Land.

Nhưng vấn đề mà cổ đông băn khoăn là, vì sao tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Myanmar lại giảm xuống? Là do có thêm tiền từ đối tác bên ngoài vào góp vốn tại HAGL Myanmar (thông qua góp thêm vốn vào HAGL Land) hay do HAGL đã bán một phần cổ phiếu tại HAGL Myanmar (thông qua bán cổ phần tại HAGL Land)? Liệu việc giảm tỷ lệ sở hữu có liên quan gì đến vấn đề nợ của HAGL hay không?

Một công ty bất động sản khác cũng được HAGL giảm tỷ lệ sở hữu là Công ty TNHH Hoàng Anh gia Lai – Bangkok với mức giảm 7,92 điểm phần trăm, từ mức 40,3% thời điểm kết thúc quý I/2016 xuống còn 32,38% thời điểm kết thúc quý II/2016. Tuy nhiên, HAGL vẫn nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết và kiểm soát công ty này.

Lợi ích của cổ đông không kiểm soát tăng đáng kể

Một điểm khá đáng chú ý là Lợi ích cổ đông không kiểm soát của HAGL đã tăng đáng kể từ mức 1.968 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2015 lên mức 3.965 tỷ đồng thời điểm kết thúc quý II/2016.

Nguyên nhân của gần 2.000 tỷ đồng lợi ích cổ động không kiểm soát tăng thêm trong vòng 6 tháng qua của HAGL nhiều khả năng là do việc thay đổi sở hữu của HAGL tại các công ty con.

Cụ thể, trong quý I/2016, HAGL đã mua mới 75,61% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương, do đó phát sinh thêm cổ đông không kiểm soát mới.

Trong khi đó, cũng trong quý I/2016, tập đoàn này đã giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) từ mức 85,95% thời điểm kết thúc năm 2015 xuống còn 75,61% thời điểm kết thúc quý I/2016. Tính đến thời điểm kết thúc quý II/2016, tỷ lệ này giảm xuống còn 74,95%. Như vậy, tỷ lệ sở hữu của cổ đông không kiểm soát tại công ty con này cũng tăng lên đáng kể trong 6 tháng đầu năm.

Đồng thời, quý II/2016 cũng chứng khiến việc HAGL giảm tỷ lệ sở hữu đáng kể tại 3 công ty con lĩnh vực bất động sản như đã trình bày ở trên. Như vậy, tỷ lệ sở hữu của cổ đông không kiểm soát tại 3 công ty con này cũng tăng lên.

Xuất hiện chi phí dự phòng trong chi phí quản lý doanh nghiệp

Báo cáo tài chính quý II/2016 của HAGL bỗng nhiên ghi nhận khoản chi phí dự phòng khá lớn 99,4 tỷ đồng trong chi phí quản lý doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chi phí quản lý doanh nghiệp quý II/2016 của HAGL tăng vọt 144% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số những nguyên nhân có thể dẫn đến việc xuất hiện chi phí dự phòng trong chi phí quản lý doanh nghiệp, có một nguyên nhân khá đáng chú ý là khoản dự phòng này có thể liên quan đến dự phòng phải trả về chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp. Hiện chưa rõ thực tế khoản chi phí dự phòng 99,4 tỷ đồng này của HAGL có phải liên quan đến dự phòng phải trả về chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp hay không?

Trả nợ gốc nhiều hơn thu từ đi vay gần 2.000 tỷ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý II/2016 cho thấy, HAGL đã giải ngân 5.121 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016 để trả nợ gốc, đồng thời, thu về 3.225 tỷ đồng từ đi vay.

Như vậy, HAGL đã trả nợ gốc nhiều hơn gần 2.000 tỷ đồng so với thu từ đi vay. Đây là dấu hiệu cho thấy HAGL có khả năng thực trả nợ và rõ ràng là một điểm sáng.

Kết thúc quý II/2016, nợ vay dài hạn của HAGL giảm từ mức 18.801 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2016 xuống còn 16.471 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ vay ngắn hạn của HAGL lại tăng gần 2.000 tỷ đồng, từ mức 8.297 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 10.212 tỷ đồng, chủ yếu là do nợ vay dài hạn trái phiếu trong nước đến hạn trả chuyển sang.

Tin mới lên