Bất động sản

Theo dòng lịch sử: Ga Huế lãng mạn, cổ kính giữa lòng cố đô

(VNF) - Ga Huế là một trong những nhà ga tàu hỏa cổ nhất tại Việt Nam. Với tuổi đời hơn một thế kỷ, ga Huế đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử cũng như dòng chảy của thời gian, trở thành một biểu tượng của vùng đất cố đô.

Theo dòng lịch sử: Ga Huế lãng mạn, cổ kính giữa lòng cố đô

Ga Huế tọa lạc ở số 2, Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, TP Huế

Bề dày lịch sử

Ga Huế được người Pháp xây dựng từ năm 1908, cùng thời với một số địa danh nổi tiếng xứ Huế như cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, Bệnh viện Trung ương Huế và trường Quốc Học Huế.

Ban đầu nhà ga có tên là ga Trường Súng vì đây là khu đất để các binh lính tập bắn súng. Nhà ga nằm trên tuyến đường sắt Đông Hà – Đà Nẵng dài 174 km, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1902 đến năm 1908. Cho đến nay, tuyến đường sắt cũng như nhà ga này vẫn đóng vai trò quan trọng trong giao thương, đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Ga Huế năm 1965

 

Nhà ga mang đậm nét kiến trúc châu Âu cổ. Ngày trước, đó là một quần thể kiến trúc theo mô thức dịch vụ đường sắt châu Âu với nhà ga đưa đón khách, nơi tiếp nhận hàng hóa, các phòng làm việc, cơ xưởng hoả xa và khách sạn... Công trình đồ sộ này do một nhà thầu phụ nữ đảm trách xây dựng. Đó là bà Thái Thị Tứ, phu nhân của Thượng thư Nguyễn Trừng dưới triều Nguyễn.

Nhà ga nổi bật với gam màu hồng ngọt ngào, duyên dáng, đầy lãng mạn với những cánh cửa vòm cách điệu mang hình dáng toa xe lửa.

Năm 2020, tòa nhà chính của ga Huế sau một thời gian được cải tạo, đã đưa vào phục vụ hành khách (nơi đón khách, bán vé, chờ tàu) thay vì chỉ là nơi làm việc hành chính từ nhiều năm qua.

Việc cải tạo này dựa trên nguyên bản kiến trúc cũ. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các hạng mục sơn, thay lại mái, đổ lại sàn bê tông, đóng trần thạch cao trang trí, ngoài ra làm thêm lối đi cho người khuyết tật, khu nhà vệ sinh… Tổng diện tích cải tạo khoảng 300m2.

Việc cải tạo không chỉ tôn trọng giá trị kiến trúc xưa mà còn để phát huy giá trị di sản trong đời sống hiện đại, cũng như phục vụ việc tham quan của du khách khi có dịp trải nghiệm Huế bằng đường sắt.

Hiện nay, công trình kiến trúc mang dấu ấn Pháp này là một điểm “check in” sống ảo thu hút rất nhiều khách du lịch, nhất là các bạn trẻ đến chụp ảnh. Nhà ga tọa lạc ở vị trí đắc địa và rất dễ tìm, chỉ cách trung tâm thành phố chừng 1 km.

Ga Huế là nơi lý tưởng để chụp ảnh "sống ảo"

Ga Huế - nơi lưu dấu chân của nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng

Trong hơn một thế kỷ tồn tại, ga Huế đã in dấu chân của của rất nhiều nhân vật quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Những chuyến hành trình đi Pháp của vua Khải Định và vua Bảo Đại đều bắt đầu khởi hành từ ga Huế. Vua Duy Tân sau cuộc khởi nghĩa không thành năm 1916 đã bị đưa lên ga Huế để bắt đầu cuộc đày ải sang đảo Réunion của Pháp.

Các nhà yêu nước lớn như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và cả Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đều đã từng qua ga Huế trong những chuyến vào Nam.

Nhà ga lịch sử này cũng từng tiếp đón nhiều nhân vật quốc tế nổi tiếng như vua hề Charlie Chaplin, nhà văn Pháp André Malraux, quốc vương Campuchia Sihanouk và hoàng hậu…

Phía trước mặt ga

Ga Huế đi vào thơ ca

Nhà ga Huế cổ kính là nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao nhà thơ, nhà văn sinh sống hay từng ghé qua mảnh đất Cố đô.

Năm 1938, nhà thơ Tế Hanh, lúc đó mới 17 tuổi, học trường Quốc Học Huế trong một lần đến thăm nơi đây đã ngẫu hứng cho ra đời bài thơ đầu tay “Những ngày nghỉ học”. Chàng thi sĩ vốn đa cảm, đa sầu muốn gửi nỗi buồn thương, u ẩn của mình theo những chuyến tàu, hòa cùng nỗi đau chung của những phận người ngang tái, trắc trở, chia ly:

“Những ngày nghỉ học tôi hay tới

Đón chuyến tàu đi đến những ga

Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt

Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”

Còn với nhà thơ Nguyễn Bính, trên bước đường phiêu bạt giang hồ từ Bắc vào Nam, khi dừng chân tại Huế, ông đã để lại cho đời hai bài thơ ấn tượng “Xóm Ngự Viên” và “Những bóng người trên sân ga”. Chính ga Huế đã khơi gợi cảm xúc cho ông viết nên thơ, mà thơ thật hay, thật trữ tình:

"Có lần tôi thấy một người đi

Không biết về đâu nghĩ ngợi gì

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ

Một mình làm cả cuộc chia ly"

Trong kho tàng ca dao, hò ru con, dân ca Huế cũng có một số tác phẩm khuyết danh ra đời vào đầu thế kỷ XX, lấy cảm hứng từ nhà ga Huế.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ngày nay, phương tiện hàng không đang được hành khách ưa chuộng, nhưng hàng không không thể thay thế đường sắt và các phương tiện đi lại bằng đường bộ của khách du lịch. Không những vì hàng không giá vé cao mà còn vì hàng không không thể thỏa mãn được yêu cầu thưởng ngoạn cảnh quan dọc hai bên con đường đưa đến những địa điểm du lịch, ví dụ như cảnh quan tàu hỏa đi qua vùng đèo Hải Vân. Do đó, ga Huế vào thế kỷ XXI vẫn là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ tham quan di sản thế giới của du khách quốc nội và quốc ngoại.

Tin mới lên