Thị trường

Thép Việt Pháp kêu khó vì bị dân địa phương ‘quấy nhiễu’

(VNF) - Sau 3 lần bị người dân địa phương kéo đến yêu cầu đảm bảo các vấn đề về môi trường, gây gián đoạn hoạt động, Công ty TNHH Thép Việt Pháp đang gặp khó khăn về tài chính và kiến nghị đơn vị chức năng xem xét tháo gỡ.

Công ty TNHH Thép Việt Pháp – nay là Công ty cổ phần Thép Việt Pháp được cấp chứng nhận đầu tư và hoạt động trên địa bàn huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Theo giấy phép, Thép Việt Pháp có quy mô 29.411m2, với công suất thiết kế nhà máy 48.000 tấn phôi/năm, công suất hoạt động thực tế là 25.000 tấn phôi thép/năm. Nguyên liệu sản xuất chủ yếu là các loại sắt thép phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài và thu mua trong nước.

Tỉnh Quảng Nam cho hay kể từ khi nhà máy đưa vào hoạt động năm 2011 đến nay, Thép Việt Pháp đã có 3 đợt gặp biến cố khi người dân địa phương đã phản ánh, kiến nghị liên quan đến vấn đề môi trường của nhà máy.

Cụ thể, từ tháng 10/2011 đến tháng 2/2013, giai đoạn nhà máy vận hành thử nghiệm, người dân phản ánh việc nhà máy xả khói bui, tiếng ồn, mùi khét… Cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và yêu cầu công ty có kế hoạch cải tạo xử lý hệ thống khí thải, đảm bảo môi trường trong quá trình hoạt động.


Thép Việt Pháp có quy mô 29.411m2, với công suất thiết kế nhà máy 48.000 tấn phôi/năm, công suất hoạt động thực tế là 25.000 tấn phôi thép/năm

Trước yêu cầu này, Thép Việt Pháp đã đầu tư, cải tạo hệ thống xử lý khí thải và một số giải pháp nên đã khắc phục và giảm thiểu tiếng ồn, khói bụi, mùi khét theo yêu cầu của người dân.

Tiếp đến từ tháng 5/2013 đến cuối năm 2014, người dân địa phương lại kéo đến công ty yêu cầu Nhà máy dừng hoạt động vì cho rằng quá trình sản xuất đã thải khí và tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đồng thời, yêu cầu nhà máy phải di dời đi nơi khác.

UBND xã Điện Bàn và các đơn vị chức năng đã tổ chức đối thoại với người dân, đồng thời yêu cầu nhà máy lập phương án di dời. Lộ trình di dời từ tháng 5/2015 đến cuối năm 2017 hoàn thành. Trong thời gian thực hiện các thủ tục di dời, công ty vẫn hoạt động nhưng giới hạn về công suất và thời gian sản xuất.

Đến tháng 6/2017, người dân xung quanh khu vực nhà máy tiếp tục kéo đến công ty dựng lều cản trở không cho xe vận chuyển nguyên liệu nhập vào nhà máy và ngăn cản không cho công nhân làm việc. Thép Việt Pháp phải dừng hoạt động để chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với người dân liên quan đến việc nhà máy chậm di dời theo lộ trình.

Tháng 10/2017, UBND tỉnh đã phải ra công văn về việc cho phép doanh nghiệp sản xuất đến ngày 4/2/2019, đồng thời các đơn vị chức năng cần tạo điều kiện cho công ty tiếp tục sản xuất và thực hiện việc di dời. Người dân địa phương cũng chấp nhận phương án này, tuy nhiên, trong thời gian hoạt động, công ty phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường theo cam kết.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, quá trình hoạt động dưới sự giám sát của các đơn vị chức năng, Thép Việt Pháp được ghi nhận là đã chấp hành đầy đủ các quy định và được các ban ngành địa phương ủng hộ. Tuy vậy, trước sức ép của người dân và tránh xung đột, đảm bảo an ninh xã hội, Thép Việt Pháp vẫn chấp nhận việc tạm dừng hoạt động.

Ngoài ra, để đảm bảo cân đối hài hoà giữa các bên liên quan, tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất chủ trương di dời nhà máy đến vị trí mới tại thị trấn Thanh Mỹ, huyện Nam Giang với thời hạn chậm nhất là ngày 4/2/2019.

Tuy nhiên, trong quá trình liên tục bị người dân phản đối và tạm dừng hoạt động, Thép Việt Pháp đang gặp khó khăn tạm thời về tài chính. Vì thế, Quảng Nam đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét gia hạn thời gian nộp thuế cho công ty này. Việc gia hạn thuế, theo UBND tỉnh Quảng Nam sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, di dời nhà máy đến địa điểm mới nhằm khôi phục sản xuất để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng như thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.

Tin mới lên