Bất động sản

Thị trường bất động sản năm 2018: ‘Tôi thấy không có lý do gì để trầm lắng’

(VNF) – Đó là nhận định của ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA) – khi được hỏi về tương lai của thị trường bất động sản năm 2018.

Thị trường bất động sản năm 2018: ‘Tôi thấy không có lý do gì để trầm lắng’

Thị trường bất động sản 2018 được dự báo sẽ chuyển sang phân khúc nhà ở giá rẻ và du lịch nghỉ dưỡng.

Kiểm soát và bền vững

Theo ông Nam, có thể gói gọn thị trường bất động sản năm 2018 trong hai chữ: kiểm soát và bền vững.

Về kiểm soát, trong 9 tháng năm 2017, dư nợ cấp tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ tăng 4%, chiếm 9% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Chính phủ đã phát đi các cảnh báo cũng như yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ cho vay bất động sản.

Về bền vững, các số liệu thống kê cho thấy thời gian qua, tại TP. HCM có khoảng 25.000 căn hộ, trong đó có 4.500 căn là nguồn cung mới. Tại Hà Nội có khoảng 5.000 căn hộ mới được đưa ra thị trường và đang có khoảng 20.000 căn chào bán.

"Tính chung cả hai thị trường thì con số này sẽ khoảng từ 45.000 - 50.000 căn đang được bán trên thị trường. Trong khi sức tiêu thụ 1 năm chỉ khoảng 30.000 căn ở cả hai thành phố lớn nhất cả nước. Vì thế sẽ vẫn còn đủ hàng hóa để bán", ông Nam khẳng định.

Vị Chủ tịch của VnREA cũng nhấn mạnh thị trường bất động sản 2018 sẽ chuyển sang phân khúc nhà ở giá rẻ và du lịch nghỉ dưỡng.

Đồng quan điểm với ông Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước – cũng dùng từ "kiểm soát" khi nhận định thị trường bất động sản năm 2018.

"Chính phủ đã cảnh báo về tăng trưởng nóng cho bất động sản thời gian qua. Trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo quyền lợi người mua nhà thì việc thế chấp tài sản được quy định chặt chẽ hơn. Khi nguồn tài chính ổn định, cấp bảo lãnh, ngân hàng chỉ cho vay không quá 70%. Và không được dùng nguồn vốn đó đầu tư vào lĩnh vực khác. Từ đó kiểm soát được nguồn tiền", ông nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam – cũng nhận xét: "Tôi chọn từ kiểm soát nhưng từ kiểm soát của tôi theo nghĩa rộng hơn. Chúng ta kiểm soát được tất cả nguồn tiền, hàng hoá thì lúc đó mới đảm bảo được rằng thị trường sẽ phát triển và bền vững".

Đừng nhầm lẫn đầu tư và đầu cơ

Trả lời về lo ngại thị trường bất động sản đang xuất hiện trở lại các nhóm đầu cơ, làm giá khiến thị trường bị méo mó, lệch lạc, ông Nguyễn Trần Nam khẳng định: VnREA chưa đưa ra cảnh báo nào về đầu cơ vì đến nay chưa có hiện tượng này!

"Trong thị trường chứng khoán, người ta mua cổ phiếu buổi sáng, bán buổi chiều, hay lướt sóng thì được gọi là nhà đầu tư. Thế nhưng trong bất động sản, người ta mua, đợi giá lên để bán thì bị gọi là đầu cơ. Gọi như thế là không đúng. Đấy cũng là đầu tư", ông Nam nói.

Theo ông Nam, thuật ngữ nước ngoài phân định rất rõ: doanh nghiệp làm nhà ở thì được gọi là nhà phát triển, người mua đi bán lại gọi là nhà đầu tư. Ở Việt Nam thì ngược lại, gọi nhầm lẫn nhà phát triển là nhà đầu tư.

"Nhà phát triển làm ra sản phẩm để bán, còn bán để ở hay bán để tiếp tục chuyển nhượng là chuyện của thị trường. Thị trường càng sôi động giao dịch thì càng có sinh khí, càng có lợi cho người dân. Cho nên tôi cho rằng cần phải xem xét lại khái niệm đầu cơ hiện nay", ông Nam nhấn mạnh.

Tin mới lên