Diễn đàn VNF

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng: Đã nghèo còn mắc cái eo

(VNF) – Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra được cho là sẽ tạo thêm khó khăn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, vốn đã suy giảm trong khoảng 1 – 2 năm trở lại đây.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng: Đã nghèo còn mắc cái eo

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký VnREA

Sáng nay (3/2), Bộ Y tế đã công bố trường hợp thứ 8 tại Việt Nam dương tính với virus corona. Hiện Việt Nam đã điều trị khỏi cho 1 bệnh nhân và vẫn còn 92 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona (trong đó 65 trường hợp đã xét nghiệm âm tính, 27 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ). Ngoài ra có 73 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc với người nghi ngờ bị nhiễm virus corona.

Để đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra, Chính phủ liên tiếp đưa ra các chỉ đạo, một trong số đó là ngừng cấp visa cho du khách Trung Quốc tới Việt Nam.

Du khách Trung Quốc được xem là một trong những nhóm khách quốc tế chính, chiếm thị phần lớn, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng. Việc ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA), sẽ làm giảm lượng khách Trung Quốc, qua đó khiến mục tiêu năm 2020 của ngành du lịch trở nên khó đạt được hơn.

Tuy nhiên, ông Đính tỏ ra lạc quan rằng mức độ ảnh hưởng của việc ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc đối với ngành du lịch là không quá lớn, bởi “chất lượng khai thác khách Trung Quốc không cao, phần lớn họ đi tua (tour) giá rẻ, thậm chí tua 0 đồng”.

“Ngành du lịch đối diện với vấn đề này sẽ phải tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu hơn để thúc đẩy lượng du khách từ các quốc gia khác, tất nhiên điều này rất khó, nhưng vẫn có thể tranh thủ”, ông Đính nói.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 1/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,99 triệu lượt, là số lượng kỷ lục trong 1 tháng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16,6% so với tháng tháng liền kề trước đó.

So với cùng kỳ năm 2019, hầu hết các thị trường khách du lịch đều tăng, trong đó: Campuchia tăng 329,9%; Trung Quốc tăng 72,6%; Lào tăng 42,5%; Thái Lan tăng 40,1%; Indonesia tăng 26,1%, Hàn Quốc tăng 20,4%; Mỹ tăng 19,7%; Na Uy tăng 19,4%; Đài Loan tăng 19,3% và Nga tăng 16,1%.

Như vậy có thể thấy lượng khách từ các nước tăng trưởng rất tốt và “có cửa” bù được sự sụt giảm của khách du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng bù đắp này trong tương lai vẫn còn là một dấu hỏi.

Trước mắt, việc sụt giảm lượng du khách, một cách trực tiếp, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các nhà hàng và cơ sở lưu trú, đặc biệt là ở các “thủ phủ du lịch” như Đà Nẵng, Nha Trang…

“Lợi thế của ngành bất động sản nghỉ dưỡng là tiềm năng du lịch của Việt Nam và tốc độ gia tăng khách du lịch đều đặn qua các năm. Nhưng giờ dịch bệnh thế này, thị trường sẽ gặp khó”, ông Đính nói.

Theo vị Phó tổng thư ký của VnREA, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua đã có tâm lý e ngại khi nhiều đơn vị kinh doanh không hiệu quả, chưa đáp ứng cam kết với khách hàng (như Cocobay Đà Nẵng), các vấn đề pháp lý của condotel chưa được giải quyết… do đó khi gặp phải “cú sốc” dịch bệnh “năm nay sẽ là năm khó khăn, rất khó khăn” – ông Đính nhấn mạnh.

Dù vậy, ông Đính vẫn thể hiện sự lạc quan phần nào khi cho rằng nhà đầu tư khôn ngoan sẽ vẫn đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng ở những dự án đảm bảo pháp lý, khả năng kionh doanh tốt, được quản lý bởi các thương hiệu uy tín, kinh nghiệm.

Tin mới lên