Tài chính

Thị trường chứng khoán tháng 8 vẫn lo... 'nghỉ hè'

Việc chưa xác định được nguồn lây Covid-19 cộng hưởng với câu chuyện phát hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với virus bên ngoài Đà Nẵng khiến giới đầu tư lo ngại về một “kỳ nghỉ hè đến Tết”, áp lực rút lui đang đè nặng thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán tháng 8 vẫn lo... 'nghỉ hè'

Nhà đầu tư lo ngại diễn biến khó lường của dịch Covid-19 có thể đe dọa kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Kể từ khi phát hiện ca dương tính với Covid-19 đầu tiên sau gần 100 ngày Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và đang trong thời kỳ “bình thường mới”, thị trường chứng khoán đã có những diễn biến khá tiêu cực.

Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử trong những phiên giao dịch gần đây, số mã giảm luôn áp đảo mã tăng. Điều đáng nói là thanh khoản sụt giảm mạnh, trong khi bên mua lo sợ không dám mạo hiểm "xuống tiền bắt đáy".

Nhà đầu tư “ngồi trên đống lửa”

Thực tế, áp lực bán lớn trên thị trường không chỉ xuất phát từ tâm lý nhà đầu tư bị tác động khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19, mà còn bởi yếu tố căn cơ khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu đuối sức trong vài tuần giao dịch trước đó.

Kể từ phiên giao dịch cuối tuần trước (24/7) đến thời điểm hiện tại, chỉ số Vn-Index đã giảm hơn 64 điểm, tương đương gần 7,5%. Trong chuỗi những phiên giao dịch này vẫn có phiên 28/7 mang đến màu sắc tươi sáng khi hồi phục trở lại sau 2 phiên bán tháo ngày 24 và 27, nhưng đây chỉ được coi là một nhịp hồi phục kỹ thuật, bởi thị trường phiên 29/7 lại ngập tràn sắc đỏ, nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy.

Diễn biến này kéo theo những lo ngại về áp lực bán giải chấp, bổ sung ký quỹ (call margin) trong giai đoạn tới. Thống kê báo cáo tài chính quý II/2020 của các công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy, tổng các khoản cho vay tại thời điểm cuối quý II là 55.921 tỷ đồng, tăng 5.900 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý I, trong số này có tới 95% là các khoản vay ký quỹ (margin).

Các CTCK cũng đẩy mạnh cho vay margin trong quý II vừa qua. Theo đó, đứng đầu danh sách là Mirae Asset với dư nợ cho vay margin 8.225 tỷ đồng, tăng gần 1.400 tỷ đồng so với cuối quý I; HSC ghi nhận 4.267 tỷ đồng, tăng 744 tỷ đồng; KIS Việt Nam với 3.022 tỷ đồng, tăng 660 tỷ đồng...

Điều này khá dễ hiểu khi thị trường đã chứng kiến nhịp hồi phục tốt trong tháng 4 - 5 và thu hút dòng tiền mới từ các nhà đầu tư F0 trên thị trường. Chỉ tính riêng trong quý II, số lượng tài khoản mở mới lên tới gần 106.000, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Ghi nhận một số ý kiến trên thị trường cho thấy, một vài CTCK đã có động thái cắt giảm danh mục cho vay margin và cũng đã bắt đầu yêu cầu khách hàng bổ sung ký quỹ (call margin) khi nhiều thông tin thiếu tích cực đang bủa vây thị trường.

Ngoài ra, nỗi lo về một đợt giãn cách xã hội giống với hồi cuối tháng 3 sẽ khiến các doanh nghiệp “khó chồng khó” một phần cũng tác động thiếu tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Bởi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh mới chỉ hồi phục được phần nhỏ trong chuỗi những khó khăn do ảnh hưởng từ đợt dịch trước mang lại.

Kịch bản tích cực khó xuất hiện?

Chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 sáng 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch bệnh lần này có nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các thành phố lớn, địa phương quanh Đà Nẵng. Theo Thủ tướng, chỉ trong thời gian ngắn đã có 27 ca nhiễm, lây lan ra 7 địa phương bao gồm Đà Nẵng và 6 địa phương khác, kể cả các thành phố lớn.

Với những gì đang diễn ra hiện nay, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở CTCK Mirae Asset cho rằng, đà giảm của thị trường nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn nếu các ca nhiễm tiềm tàng được công bố.

Đồng quan điểm thị trường sẽ khó tăng điểm trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho biết, chỉ số Vn-Index có thể sẽ lùi về 745 điểm mới có thể hồi phục nhưng không có nghĩa là xác định xu hướng tăng.

Diễn biến giảm như hiện nay đã khiến xu hướng trung hạn được xác lập từ tháng 3 đén nay đã xấu đi nhiều. Nếu kết thúc tháng 7, chỉ số Vn-Index vẫn dưới 900 điểm thì kịch bản tích cực cho tháng 8 sẽ khó xuất hiện.

Hơn nữa, thông thường tháng 8 là thời điểm những thông tin báo cáo tài chính quý II đã tiến về những chặng cuối, thị trường sẽ bắt đầu một hành trình mới khi không còn nhiều thông tin hỗ trợ từ doanh nghiệp.

Mới đây, dựa trên diễn biễn thị trường trong nước và quốc tế, CTCK Yuanta Việt Nam đã đưa ra 2 kịch bản cho thị trường. Cụ thể, trong kịch bản tích cực, chỉ số Vn-Index kiểm định mức 800 điểm và hồi phục, nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo, danh mục ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu vẫn duy trì tăng trưởng trong quý II/2020.

Ở kịch bản tiêu cực, Yuanta Việt Nam cho rằng chỉ số Vn-Index có thể giảm về mức 745 điểm hoặc mở rộng về vùng đáy cũ hồi tháng 3 (650 - 660 điểm). Ở kịch bản này, Yuanta Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư nên bán hết toàn bộ danh mục đang nắm giữ.

“Chúng tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số Vn-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng 800 điểm”, Yuanta Việt Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn có ý kiến cho rằng mức độ tác động lên nền kinh tế của đợt dịch mới này sẽ không lớn như hồi tháng 3, Chính phủ đã có kinh nghiệm chống dịch nên cách xử lý cũng như hiệu quả sẽ nhanh hơn. Do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán tháng tới sẽ không thiệt hại quá lớn như trước đó.

Tin mới lên