Tài chính

Thị trường cổ phiếu 'đi trên băng mỏng'

(VNF) - Tương lai thị trường cổ phiếu vẫn đối diện 2 áp lực nối tiếp nhau: Cuộc đua tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm lại. 2 áp lực này lại có liên quan mật thiết đến tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường cổ phiếu 'đi trên băng mỏng'

Thanh khoản hệ thống ngân hàng có liên quan mật thiết đến diễn biến trên thị trường chứng khoán

Thị trường cổ phiếu tháng 10/2022 chứng kiến một sự kiện đáng buồn: Chỉ số VN-Index thủng mốc 1.000 điểm. Dù đã hồi phục về trên mốc 1.000 điểm sau khi ngụp lặn dưới mốc này trong 3 phiên, nhưng cảm giác của đa số nhà đầu tư vẫn như đang “đi trên băng mỏng”. Sang đến tháng 11, VN-Index lại một lần nữa mất mốc 1.000 điểm, thậm chí đã có lúc mất mốc 900 điểm.

Điều gì ẩn dưới lớp băng mỏng?

Sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) cuối tháng 3/2022 và bắt ông Đỗ Anh Dũng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đầu tháng 4/2022 từng gây rúng động thị trường tài chính, có thể đã khiến nhiều nhà đầu tư lầm tưởng rằng đây là nguyên nhân khởi phát xu hướng giảm giá (downtrend) trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thế nhưng, nguyên nhân đầu tiên cần phải kể đến là áp lực từ thị trường quốc tế.

Ngày 16/3/2022 (rạng sáng 17/3/2022 theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 0,25-0,5%, đánh dấu lần đầu tiên FED tăng lãi suất kể từ năm 2018, sau quãng thời gian liên tiếp giảm lãi suất để trợ giúp nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19.

Đây là một động thái đã được đồn đoán từ lâu. Thế nhưng, chính điều đó dường như đã khiến cho đa số nhà đầu tư Việt Nam chủ quan, đánh giá thấp ảnh hưởng của động thái FED tăng lãi suất.

Cho đến thời điểm hiện tại, chắc chắn các nhà đầu tư đã nhận ra tác động của xu hướng FED tăng lãi suất là lớn đến mức nào. Mặc dù sở hữu dự trữ ngoại hối khá dồi dào nhưng trước nhiều sức ép, công cụ bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá cũng dần cạn kiệt dư địa. Sau khi FED tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp vào tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã buộc lòng phải tăng mạnh các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm nhằm “ghìm cương” tỷ giá; ngay sau đó, các ngân hàng thương mại đã tăng mạnh lãi suất huy động. Cho đến trước khi FED tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thậm chí đã chủ động tăng trước các mức lãi suất điều hành với mức tăng rất mạnh, lên đến 1 điểm phần trăm.

Thuật lại để thấy, nguyên nhân cốt lõi của xu hướng tăng lãi suất tại Việt Nam thời gian vừa qua là khởi phát từ diễn biến trên thị trường quốc tế, tạo ra áp lực từ việc dòng vốn chảy ra nước ngoài, áp lực từ kỳ vọng tỷ giá tăng kèm tâm lý găm giữ USD và phần nào đó là áp lực nhập khẩu lạm phát nếu để tỷ giá tăng mạnh. Ngoài ra, ngay chính việc bán USD để ổn định tỷ giá cũng khiến VND khan hiếm hơn, là một lực đẩy khiến lãi suất tăng lên.

Lãi suất có thể coi là “kẻ thù” của giá cổ phiếu, dù cũng có đôi khi lãi suất và giá cổ phiếu song hành. Về lý thuyết, lãi suất được nâng lên không chỉ khiến cho kênh gửi tiết kiệm ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn, mà còn khiến chi phí huy động vốn của doanh nghiệp sẽ tăng, từ đó làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng của doanh nghiệp, cộng hưởng với việc chi phí huy động vốn của nhà đầu tư cũng tăng, qua đó kích hoạt dòng tiền chảy ra khỏi thị trường khiến giá cổ phiếu giảm.

Lãi suất có thể coi là “kẻ thù” của giá cổ phiếu, dù cũng có đôi khi lãi suất và giá cổ phiếu song hành

Nếu chỉ dừng lại ở áp lực từ thị trường quốc tế thì có lẽ lãi suất huy động tại Việt Nam sẽ không tăng nhanh như vậy và thị trường cổ phiếu cũng không giảm sốc như thế, bởi dù sao thì Việt Nam vẫn là nền kinh tế chống chịu tốt trong đại dịch và có động lực tăng trưởng cao với bàn đạp là cơ cấu dân số vàng.

Trên thực tế, không lâu sau khi FED tăng lãi suất lần đầu kể từ năm 2018 (như đã đề cập ở trên), giới đầu tư trong nước bất ngờ đón nhận thông tin bắt ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Anh Dũng. Giá cổ phiếu toàn thị trường dường như không chịu tác động đáng kể từ sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết, nhưng lại phản ứng tiêu cực rõ rệt sau khi ông Đỗ Anh Dũng bị bắt. Ban đầu, nhiều nhà đầu tư lý giải rằng đây chỉ là phản ứng tạm thời như những thông tin tiêu cực liên quan đến bắt bớ từng diễn ra trước đây; sau đó mới dần nhận ra tính nghiêm trọng lan tỏa trên thị trường trái phiếu, đi kèm thông điệp lập lại kỷ cương từ cơ quan quản lý. Việc thanh khoản thị trường trái phiếu bị nghẽn lại như “quân domino” kích hoạt hiệu ứng rút tiền trên thị trường cổ phiếu, trong bối cảnh “dòng tiền thông minh” vốn đã đảo chiều để “đón lõng” động thái tăng lãi suất của FED.

Thanh khoản thị trường trái phiếu bị nghẽn lại ở thời kỳ đó cũng tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng nhưng vẫn chưa phải quá lớn. Thế nhưng sự kiện bắt bà Trương Mỹ Lan thực sự là một cú sốc cho đa số thành viên thị trường, dù trước đó cũng đã có những đồn đoán và trên thực tế đã được phản ánh nhất định vào giá cổ phiếu.

Lãi suất lại một lần nữa chịu thách thức, bởi sau sự kiện bắt bà Trương Mỹ Lan là chuỗi ngày người dân hoang mang đến rút tiền ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), dẫu cho cũng đã được phổ biến rằng Nhà nước sẽ đảm bảo cho tiền gửi ngân hàng của người dân. Cuộc chạy đua tăng lãi suất chính thức được kích hoạt trong bối cảnh vốn dĩ hệ thống ngân hàng đang căng mình trước áp lực tăng lãi suất từ thị trường quốc tế. Từ chỗ lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm chỉ ở mức khoảng 4-7%/năm nay đã tăng lên 7-10%/năm; trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng ở nhiều ngân hàng đã lên kịch trần 6%/năm, từ mức khoảng 3-4%/năm trước đó.

Cũng phải hiểu cho các ngân hàng, vì trong bối cảnh xáo trộn lớn như vậy trên cả thị trường ngân hàng và thị trường trái phiếu, nhất là khi hiện tượng rút tiền đã xảy ra ở SCB và trên thị trường trái phiếu đã manh nha làn sóng rút tiền khỏi trái phiếu và quỹ trái phiếu trước hạn, thì ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng sẽ phải là đảm bảo thanh khoản trong mọi tình huống, sẵn sàng chấp nhận việc chi phí huy động tăng mạnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận ngân hàng trong ngắn hạn.

Hơn nữa, vốn dĩ nền tảng thanh khoản của các ngân hàng cũng không phải là dồi dào. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, năm 2021, tăng trưởng tín dụng đạt 13,61% nhưng tăng trưởng huy động chỉ đạt 9,24%. Tình trạng này tiếp diễn trong 8 tháng đầu năm 2022 khi tăng trưởng tín dụng lên đến 9,98% còn tăng trưởng huy động chỉ vỏn vẹn 3,37%. Điều này có thể là do kết quả từ “mục tiêu kép” của các ngân hàng: vừa duy trì lãi suất thấp nhưng vẫn muốn đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận cao, nên đã chấp nhận tăng tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động). Tỷ lệ này nhằm đo lường rủi ro thanh khoản của các ngân hàng và được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát theo Thông tư 22/2019/NHNN. Về cơ bản, LDR càng cao thì rủi ro thanh khoản càng lớn.

Tóm lại, áp lực từ cả nước ngoài lẫn trong nước đã đẩy lãi suất vào cuộc đua chưa có hồi kết và đây là lý do quan trọng bậc nhất khiến thị trường cổ phiếu như “đi trên băng mỏng”.

Nhưng không dừng lại ở đó, còn có những tác nhân khác khiến “lớp băng” dưới chân thị trường cổ phiếu mỏng đi. Đầu tiên, vẫn phải kể đến là vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, có thể phân chia trái phiếu ra làm 2 loại: Trái phiếu không liên quan mật thiết tới ngân hàng và trái phiếu có liên quan mật thiết đến ngân hàng.

Với trái phiếu không liên quan mật thiết tới ngân hàng, nhìn chung có 3 chủ thể chịu ảnh hưởng: Doanh nghiệp phát hành, đơn vị môi giới (thường là công ty chứng khoán không liên quan mật thiết tới ngân hàng) và nhà đầu tư. Trước áp lực đáo hạn trái phiếu cũng như làn sóng rút trái phiếu trước hạn tới từ nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán sẽ phải xoay tiền để đáp ứng các nhu cầu rút tiền sau khi đàm phán.

Có 2 cách xoay tiền cơ bản, một là đi vay và hai là bán tài sản. Với cách đi vay, do thiếu tiền nên khả năng đàm phán hạn chế hơn, vì vậy, lãi suất vay sẽ cao hơn, nhất là khi vay từ tổ chức, cá nhân phi ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh kênh ngân hàng đang vướng hạn mức (room) tín dụng. Chi phí đội lên, triển vọng của doanh nghiệp cũng giảm đi, kéo theo giá cổ phiếu chịu áp lực giảm.

Ở cách thứ hai là bán tài sản, nếu chủ doanh nghiệp phải bán cổ phiếu thì sẽ tác động trực tiếp lên giá cổ phiếu. Đây là cách “cực chẳng đã” bởi nếu giá cổ phiếu giảm quá sâu sẽ đứng trước nguy cơ bị thâu tóm. Nên nhớ, dù trong hoàn cảnh nào thì vẫn có rất nhiều tổ chức, cá nhân đang trong trạng thái “thừa tiền” và sẵn sàng “đi săn” khi có cơ hội.

Việc bán bất động sản cũng không hề dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp bất động sản - đối tượng chịu áp lực đáo hạn và mua lại trái phiếu lớn nhất. Bối cảnh lãi suất tăng lại kèm room tín dụng hạn chế khiến nhu cầu mua bất động sản có xu hướng giảm đi. Thế nhưng ngay cả khi giảm giá, bán cắt lỗ thì tâm lý của người có tiền lại chờ giá giảm thêm hoặc/và cảm thấy không an tâm vì giá bất động sản giảm (kênh đầu tư bất động sản được ưa chuộng để tích lũy tài sản cũng một phần là vì bất động sản thường “giữ giá”). Khi doanh nghiệp bất động sản gặp bất lợi, ngân hàng cũng như rất nhiều ngành liên quan cũng bị ảnh hưởng, khiến triển vọng kinh doanh giảm đi và phản ánh tiêu cực vào giá cổ phiếu.

Nhìn chung, việc bán tài sản trong tình huống khẩn cấp thường phải giảm giá và điều này chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Ngay cả bên mua cũng chưa thể hưởng lợi ngay.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp liên quan mật thiết tới ngân hàng thì thông thường cũng không phải quá lo lắng, bởi ngân hàng thường “không có gì ngoài tiền” và có khả năng đàm phán cao. Thực tế hiện nay, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cũng không phải lớn so với dư nợ tín dụng ngân hàng, vì vậy, kể cả khi phải gánh các trái phiếu có vấn đề thì ngân hàng vẫn xử lý được như một khoản nợ xấu.

Thế nhưng vấn đề lại nằm ở trái phiếu liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được môi giới qua ngân hàng SCB, trong bối cảnh các công ty liên quan đến Vạn Thịnh Phát đang bị “đóng băng” tài sản để phục vụ điều tra. Theo phản ánh của nhiều người mua trái phiếu qua tư vấn của nhân viên ngân hàng (bao gồm cả SCB) thì đa phần họ đều lầm tưởng việc mua trái phiếu là “gửi tiết kiệm linh hoạt” và vì tin ngân hàng nên họ mới mua. Nhưng sau sự kiện bắt bà Trương Mỹ Lan thì họ mới vỡ lở rằng ngân hàng chỉ là bên môi giới, trách nhiệm trả tiền nằm ở doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Nhưng nguồn lực đâu để SCB đứng ra mua lại lượng lớn trái phiếu từ nhà đầu tư, trong bối cảnh tình hình tài chính kém khả quan và vừa đưa vào diện kiểm soát đặc biệt? Ai cũng hy vọng tất cả các bên sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề này, bởi nó tiềm ẩn “sóng ngầm” về niềm tin và có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung và thị trường cổ phiếu nói riêng.

Một yếu tố quan trọng khác khiến thị trường cổ phiếu “đi trên băng mỏng”, đó là nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong bối cảnh lãi suất liên tiếp chinh phục các mặt bằng mới. Nhiều doanh nghiệp hiện nay dù không quá khó khăn nhưng đã tính đến các phương án phòng thủ, tạm dừng mở rộng kinh doanh và lên kế hoạch cắt giảm chi phí, ưu tiên tồn tại hơn là tăng trưởng.

Cảm giác của đa số nhà đầu tư cổ phiếu đang như “đi trên băng mỏng”

Tương lai sẽ ra sao với thị trường cổ phiếu?

Nhìn chung, có thể tóm gọn các yếu tố khiến thị trường cổ phiếu “đi trên băng mỏng” thành 5 nhóm: (1) tăng lãi suất do áp lực từ thị trường quốc tế (2) tăng lãi suất do áp lực thanh khoản hệ thống ngân hàng (3) áp lực từ trái phiếu không liên quan mật thiết tới ngân hàng (4) áp lực từ trái phiếu liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được SCB môi giới (5) lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại. 5 nhóm yếu tố này đã và đang tác động đến thị trường cổ phiếu ở các mức độ khác nhau.

Xem xét nhóm yếu tố thứ nhất và nhóm yếu tố thứ hai đều để trả lời một câu hỏi lớn: Cuộc đua lãi suất bao giờ mới dừng lại?

Xét yếu tố thứ nhất, nhìn chung, áp lực từ thị trường quốc tế dự kiến sẽ giảm dần trong một vài tháng tới khi FED giảm đà tăng lãi suất và tiến tới dừng đà tăng. Khi dòng tiền vào và ra cân bằng, tỷ giá sẽ dẫn thiết lập sự ổn định, từ đó giảm bớt áp lực tăng lãi suất trong nước. Với mức giảm sâu như thời gian qua, có khả năng áp lực từ thị trường quốc tế đã phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu.

Xét yếu tố thứ hai, áp lực từ hiện tượng rút tiền tại SCB có lẽ cũng đã không còn, do đa phần người dân đều hiểu rằng được Nhà nước đảm bảo tiền gửi, chỉ còn dư âm để lại trên thị trường liên ngân hàng khi các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn hơn trước đây trong việc vay tiền từ các ngân hàng lớn. Dù vậy, đây cũng chưa phải là vấn đề gây rủi ro lớn.

Mối lo thực sự lại đến từ áp lực đáo hạn trái phiếu và xu hướng rút trái phiếu trước hạn. Trên thực tế, thanh khoản trên thị trường trái phiếu có ảnh hưởng đáng kể đến thanh khoản trên thị trường ngân hàng, bởi (1) nhiều chủ ngân hàng cũng là chủ của các doanh nghiệp có phát hành trái phiếu, nhất là doanh nghiệp bất động sản (2) ngân hàng là bên môi giới bán trái phiếu cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân (3) ngân hàng là bên trực tiếp nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp hoặc/và có khách hàng là doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Đi vào chi tiết, với việc nhiều chủ ngân hàng cũng là chủ của các doanh nghiệp có phát hành trái phiếu, các chủ ngân hàng - doanh nghiệp sẽ phải xoay tiền để mua lại trái phiếu trước hạn hoặc/và chi trả gốc, lãi khi trái phiếu đến hạn thanh toán. Dữ liệu đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ năm 2019 đến nay cho thấy, áp lực đáo hạn đối với trái phiếu doanh nghiệp có loại trừ trái phiếu của ngân hàng và công ty chứng khoán (bởi trái phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán là nhóm ít rủi ro) trong quý IV/2022 là khá lớn nhưng sẽ suy giảm khá mạnh trong quý I/2023, dù vậy, quý II và quý III/2023 lại là cao điểm đáo hạn, sau đó mới dần hạ nhiệt. Như vậy, có thể thời điểm áp lực nhất chưa tới.

Còn nếu xu hướng rút trái phiếu trước hạn lan rộng, tình huống này sẽ đẩy áp lực thanh khoản ngân hàng lên cao sớm hơn, nhưng lại bớt áp lực đáo hạn trong tương lai. Cần lưu ý lại rằng, với các chủ ngân hàng - doanh nghiệp, không phải quá lo lắng về rủi ro vỡ nợ trái phiếu, trừ trường hợp chủ của ngân hàng yếu kém.

Đối với các ngân hàng là bên môi giới bán trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, các ngân hàng này sẽ không thể “vô can” nếu như quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân bị ảnh hưởng, bởi như đã đề cập, theo phản ánh của nhiều người mua trái phiếu qua tư vấn của nhân viên ngân hàng thì đa phần họ đều lầm tưởng việc mua trái phiếu là “gửi tiết kiệm linh hoạt” và vì tin ngân hàng nên họ mới mua. Vì thế, các ngân hàng này cũng sẽ phải chia sẻ áp lực thanh khoản với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà họ tham gia môi giới.

Đối với các ngân hàng là bên nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp hoặc/và có khách hàng là doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nếu doanh nghiệp không thể chống đỡ được với áp lực đáo hạn và làn sóng rút tiền khỏi trái phiếu thì khi doanh nghiệp có vấn đề, khoản nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng có thể bị hạ nhóm nợ, phải trích lập dự phòng và ảnh hưởng đến nguồn vốn tự có của ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng. Đây là mối lo không thể coi thường nếu nhìn vào tâm lý người mua trái phiếu liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát qua môi giới của ngân hàng SCB hiện nay.

Tóm lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đứng trước thách thức không nhỏ, đặc biệt là mối lo đến từ thị trường trái phiếu. Nếu tất cả các bên tìm được giải pháp và cùng vào cuộc thì đây sẽ là điều hết sức tích cực cho thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng như thị trường cổ phiếu. Ngược lại, nếu không có giải pháp khả thi, thanh khoản hệ thống ngân hàng có thể “căng” hơn và thị trường cổ phiếu cũng có thể phản ánh tiêu cực hơn nữa.

Với yếu tố thứ ba (áp lực từ trái phiếu không liên quan mật thiết tới ngân hàng), câu chuyện chính vẫn là cần có giải pháp khả thi để “hạ cánh mềm” trên thị trường trái phiếu, tránh lan rộng làn sóng rút trái phiếu trước hạn.

Hiện nay, các thành viên thị trường cũng đã có nhiều đề xuất nhưng phần lớn là… ngân hàng phải gánh, chẳng hạn: Mở thêm room tín dụng để ngân hàng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp, tăng cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu vay để họ có tiền mua lại trái phiếu trước hạn, tăng cường cho vay mua nhà để tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản, tăng cường cho công ty chứng khoán vay để công ty chứng khoán mua lại trái phiếu doanh nghiệp; nới điều kiện mua trái phiếu doanh nghiệp cho các ngân hàng; cho phép ngân hàng mua lại một phần danh mục trái phiếu của các quỹ đầu tư trái phiếu… Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào kênh ngân hàng.

Ngoài các giải pháp trên, cũng có các đề xuất như: Nhà nước kiến tạo quỹ bình ổn thị trường trái phiếu, đóng vai trò mua lại trái phiếu gặp vấn đề; đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rằng trái phiếu là sản phẩm đầu tư, có lỗ có lãi, cần được giãn nợ, cơ cấu lại nợ nếu xảy ra vấn đề; đào tạo lại lực lượng môi giới để tránh triệt để tình trạng mập mờ khi tư vấn mua bán trái phiếu…

Cần có giải pháp khả thi để “hạ cánh mềm” trên thị trường trái phiếu, tránh lan rộng làn sóng rút trái phiếu trước hạn

Yếu tố thứ tư (áp lực từ trái phiếu liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được SCB môi giới) thực sự là bài toán khó. Giải pháp khả thi hiện nay có lẽ vẫn phụ thuộc vào… ngành ngân hàng. Nếu ngành ngân hàng chịu ra tay, “ngòi nổ” niềm tin này có thể được khoanh vùng lại, rủi ro rút trái phiếu trước hạn cũng sẽ được giảm thiểu đi rất nhiều.

Với yếu tố thứ năm (lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại), rủi ro này có thể chưa phản ánh nhiều vào diễn biến giá cổ phiếu bởi tính thời điểm, mặc dù hiện nay đã có những lo ngại nhất định. Đây là yếu tố cần quan sát liên tục trong thời gian tới. Xét về tính thời điểm, nhiều tổ chức, cá nhân có thể thực sự “ngấm đòn” lãi suất trong quý II và quý III/2023, và như đã đề cập, đây lại đúng là khoảng thời gian cao điểm đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp (loại trừ ngân hàng và công ty chứng khoán).

Bên cạnh đó, mặc dù quý I/2023, các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng mới nhưng rất có thể lượng lớn tiền sẽ được doanh nghiệp dùng để mua lại trái phiếu, do đó ít chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh hơn, từ đó càng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Điều này cũng có thể tiếp diễn trong quý II và quý III/2023.

Tựu trung, tương lai thị trường cổ phiếu vẫn đối diện 2 áp lực nối tiếp nhau: Cuộc đua tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm lại. 2 áp lực này lại có liên quan mật thiết đến tình hình thị trường trái phiếu. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến tiến trình tháo “ngòi nổ” trái phiếu liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được môi giới qua SCB, đồng thời, quý II và quý III/2023 có thể là thời kỳ khó khăn khi đây có thể là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu và nền kinh tế “ngấm đòn” tăng lãi suất.

Người có tiền sẽ làm gì trong bối cảnh hiện tại?

Những rủi ro có tính liên thị trường như hiện tại, cùng với các sự kiện có tính bất định, khiến việc dự đoán các kịch bản trở nên khó khăn hơn nhiều thông thường, bởi kịch bản nào cũng có thể xảy ra với xác suất không phải là nhỏ. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, ở thời điểm hiện tại, thị trường cổ phiếu đang dối diện rất nhiều áp lực hữu hình và áp lực vô hình, khiến giá cổ phiếu xuống mức rất thấp.

Thị trường cổ phiếu đang dối diện rất nhiều áp lực hữu hình và áp lực vô hình

Để giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu thì áp lực lên thị trường cổ phiếu phải gia tăng đáng kể, thường là phải rơi vào tình huống tồi tệ khi kịch bản rất xấu xảy ra, tạo ra làn sóng bán giải chấp cổ phiếu diện rộng ở cấp độ chủ doanh nghiệp, nhất là khi có ý kiến cho rằng việc dư nợ margin bất ngờ tăng trong quý III/2022 so với quý II/2022 dù thị trường giảm sâu là do chủ doanh nghiệp dùng tiền margin để “đỡ” giá cổ phiếu. Dù kịch bản này cũng không phải ít khả năng xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh cũng đã có một số chủ doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu, nhưng dù sao xác suất cũng thấp hơn đáng kể các kịch bản tích cực hơn.

Thực ra, vấn đề muôn thuở trong nhiều cuộc khủng hoảng là xuất phát từ cho vay dưới chuẩn. Nhưng lần này tại Việt Nam, vấn đề cho vay dưới chuẩn lại xảy ra ở thị trường trái phiếu, với dư nợ không quá lớn so với dư nợ tín dụng ngân hàng, tức là “bong bóng” chưa phải quá to, các sản phẩm tài chính phái sinh dựa trên trái phiếu cũng không quá phức tạp. Ngoài ra, rất may là trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì quan điểm kiểm soát thận trọng các tỷ lệ an toàn, trong đó có hệ số an toàn vốn và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Như vậy, có thể thấy rằng rủi ro với hệ thống ngân hàng - xương sống của nền kinh tế Việt Nam - không quá lớn, chủ yếu là áp lực cục bộ trong một khoảng thời gian nhất định.

Và trong hoàn cảnh nào, trên thị trường vẫn luôn tồn tại người thiếu tiền và người có tiền. Dù xảy ra tiến trình “thay cũ đổi mới” thì quá trình phát triển của đa số doanh nghiệp vẫn sẽ được tiếp tục.

Như vậy, việc đầu tư ở giai đoạn hiện tại sẽ phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư. Với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hoặc sẵn sàng nắm giữ dài hạn, việc dò đáy có thể được bắt đầu nhưng phải chuẩn bị tâm lý để vượt qua áp lực đáo hạn trái phiếu, áp lực từ tăng trưởng kinh tế chậm lại và phần nào đó là rủi ro FED tiếp tục tăng lãi suất “triền miên” cùng rủi ro bán giải chấp cổ phiếu diện rộng ở cấp độ chủ doanh nghiệp. Với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro trung bình và thấp, cần chờ các tín hiệu tích cực đối với các rủi ro trên trong khoảng 2-3 quý tới và tiến hành đánh giá lại tương quan rủi ro - lợi nhuận để ra quyết định đầu tư.

Tin mới lên