Thị trường

'Thị trường gia vị cạnh tranh quyết liệt và sống động'

(VNF) - Gia vị giữ vai trò quan trọng trong việc tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và quốc gia. Trong thời gian qua có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị làm gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và với các sản phẩm ngoại nhập. Đây là thị trường cạnh tranh có thể không dễ thấy ở bề mặt nhưng thực tế đầy quyết liệt và sống động.

'Thị trường gia vị cạnh tranh quyết liệt và sống động'

Các diễn giả tham gia tọa đàm: “Dòng chảy thị trường gia vị Việt”.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm "Dòng chảy thị trường gia vị" do Hội hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở TP. HCM ngày 15/4.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), người chủ xướng Lễ hội Tinh hoa Gia vị Việt, trong thời gian qua có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị làm gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và với các sản phẩm ngoại nhập. Bà Hạnh khẳng định là thị trường cạnh tranh có thể không dễ thấy ở bề mặt nhưng thực tế đầy quyết liệt và sống động.

"Nếu ai có theo dõi thị trường gia vị thì sẽ thấy những tháng liên tiếp nhau thời gian qua, tương ớt của công ty này vượt lên, sau đó vài tháng lại có công ty kia vượt lên. Điều này cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Nó cũng cho thấy sự lớn mạnh của thị trường gia vị của Việt Nam", bà Hạnh nhận định.

Cũng theo bà Hạnh, không chỉ có gia vị, hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam hiện chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới. Vì không có thương hiệu nên giá bán chưa thể tương xứng với giá trị.

Bà Hạnh cho hay để thay đổi hiện trạng này thì phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi từng thương nhân và tất cả thương nhân cùng ý thức xây dựng.

“Nếu các thương gia biết bắt tay với nhau thì chúng ta có thể quảng bá, làm thương hiệu cho một dải sản phẩm rất rộng, từ gia vị đến các loại nông sản, thực phẩm xuất khẩu”, bà nói.

Tại tọa đàm, chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể – ISM cũng chỉ ra tất cả các sản phẩm thành công ra được thế giới thì chúng ta cần phải mạnh ở nội địa trước. “Chúng ta phải làm sao khai thác, thuyết phục được người tiêu dùng, đặc biệt là những người tiêu dùng trẻ”.

Từ vị trí doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát băn khoăn: “Người Nhật rất thích các món ăn truyền thống của Việt Nam, thì làm sao mang gia vị Việt đến cho họ?".

Từ kinh nghiệm cung cấp sản phẩm gia vị cho thị trường Nhật Bản, bà Vân Anh khẳng định người Nhật thích ăn sản phẩm ăn liền nhưng phải có dinh dưỡng. Đồng thời, họ cũng là khách hàng tinh tế và đòi hỏi cao, kinh doanh không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà họ còn đòi hỏi cả yếu tố văn hóa trong sản phẩm.

Chia sẻ thêm, bà Nguyễn Thị Vân Anh chỉ ra, các hệ thống đã chuẩn hóa lâu đời như KFC, Jollibee… đòi hỏi các sản phẩm của họ bán ở khắp mọi nơi trên thế giới đều phải có chuẩn vị, đồng đều như nhau. 

Do đó, Giám đốc Trí Việt Phát nhấn mạnh để chuẩn hóa các sản phẩm, việc đầu tiên các doanh nghiệp cần làm đó là đo các chỉ tiêu như độ sánh, độ mặn… 

Chuyên gia Ngô Đình Dũng chỉ ra thực tế việc các công ty nước ngoài thu mua cà phê muốn khuyến khích nông dân trồng sản phẩm theo đúng quy chuẩn thì họ tập huấn và cam kết bao tiêu.

“Họ cũng có đội ngũ đi kiểm tra định kỳ. Khuyến khích nông dân có nhật ký canh tác, nhật ký trồng trọt. Đó là cách các công ty đa quốc gia kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Ngô Đình Dũng cũng cho rằng gia công là bước đầu tiên để xây dựng năng lượng sản xuất. Bởi, khi đã chuẩn ở năng lực sản xuất thì có thể đưa ra các sản phẩm thương mại của riêng mình lên tới bàn ăn.

Chủ tịch Hội DN HVNCLC cũng cho hay gia vị hiện nay có nhiều loại xuất hiện dưới nhiều hình thức: tươi, khô, dạng bột… có thể xuất hiện độc lập hoặc một thành phần trong sản phẩm. Do đó, tùy theo từng loại mà chúng ta xem xét thực trạng xuất khẩu.

“Tôi hy vọng nhà nước có thể dành ra một đội ngũ hùng hậu để nghiên cứu các loại gia vị và đưa ra một thứ tự ưu tiên đầu tư cho một số gia vị nào đó. Chẳng hạn, hỗ trợ cho công ty mì gói, đồ khô, thực phẩm ăn liền của Việt Nam. Đây là một nguồn xuất khẩu rất lớn”, bà Hạnh nói.

Tin mới lên