M&A

Thị trường M&A thời Covid-19: Thấy 'cơ' trong 'nguy'

(VNF) - Các chuyên gia trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A) nhận định thị trường M&A Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới cùng nhiều cơ hội mới, sau khi trải qua hơn một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị lên đến 50 tỷ USD. Trong thời dịch, thị trường này vẫn còn rất nhiều trợ lực, dự báo từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có thêm nhiều thương vụ lớn với giá trị từ 500 triệu USD trở lên.

Thị trường M&A thời Covid-19: Thấy 'cơ' trong 'nguy'

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 12.

Sáng 5/11, phát biểu tại diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 12 năm 2020 với chủ đề "Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới", ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức diễn đàn, nhận định những năm qua, hoạt động M&A tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn quy mô thương vụ, từng bước trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

"Có thể nói, sau hơn một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng nghìn giao dịch, tổng giá trị lên đến 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới cùng nhiều cơ hội mới. Việc đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm đã khiến thị trường M&A chững lại, song thị trường này vẫn còn rất nhiều trợ lực", ông Minh nói.

Ông Minh cho biết, dưới tác động của Covid-19, trạng thái bình thường mới cho thấy các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang có những bước điều chỉnh chiến lược, gia tăng các hoạt động tái cấu trúc, nhu cầu bán doanh nghiệp cũng nhiều hơn, tuy nhiên việc thẩm định chi tiết, đưa ra quyết định cũng vì đó mà khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia số 1 để gia nhập hoặc mở rộng đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, trong khu vực, Việt Nam là nước duy nhất có mức tăng trưởng dương cho đến nay, dự báo cho cả năm 2020 cũng vô cùng tích cực, trong khi các nước cùng khu vực ghi nhận mức tăng trưởng âm.

Mặt khác, cơ hội liên tiếp mở ra khi sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường lớn nhưng kém an toàn; các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA; việc sửa đổi một loạt các luật quan trọng mới về đầu tư kinh doanh trong đó, có các quy định mới cởi mở hơn, minh bạch hơn cho hoạt động M&A; việc đẩy mạnh hoạt động M&A của nhiều tập đoàn lớn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị…

"Cho nên, về dài hạn, dịch bệnh sẽ khiến thị trường bùng nổ với nhu cầu gia tăng cả bên bán và bên mua", ông Minh nhấn mạnh.

"Giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu Covid-19. Theo dự báo của CMAC, thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo đó thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022", ông Minh chia sẻ thêm.

Hầu hết các chuyên gia tham gia diễn đàn đều có quan điểm tương đồng, nhóm chuyên gia này cho rằng từ nay đến cuối năm 2021 sẽ xuất hiện thêm nhiều thương vụ mua bán sáp nhập quy mô lớn (500 triệu USD trở lên) đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản...

Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia khẳng định không vì dịch bệnh mà sức hấp dẫn của thị trường M&A giảm. Quá trình rà soát, thẩm định không ảnh hưởng quá nhiều vì hai bên cũng đã có hiểu biết về nhau, họp trực tuyến, nội dung chuẩn bị trước, quá trình rà soát diễn ra bình thường chỉ hoãn lại một chút về kế hoạch chốt giao dịch.

Bà Phạm Mai Hương, Giám đốc Tư vấn tài chính và Mua bán doanh nghiệp KPMG Việt Nam cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, khách hàng đến trao đổi không hề giảm đi, đặc biệt ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản. Đồng thời, mảng bán lẻ sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, mảng sản xuất nguyên vật liệu, sản phẩm xuất khẩu có tiềm năng xuất khẩu tốt cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

"Xu hướng các nhà đầu tư quan tâm đến ngành tài chính tiêu dùng, nền tảng công nghệ trở thành điều kiện tối thiểu về nguồn hàng mà khách hàng của chúng tôi đưa ra", bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Phòng Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư VPS cho hay.

Thực tế cũng cho thấy, mặc dù số lượng giao dịch bắt đầu chững lại so với năm 2018 - 2019, song có nhiều giao dịch rất lớn đã nổ ra. Đến thời điểm cuối quý II, đầu quý III/2020, khi đại dịch Việt Nam được kiểm soát, trở thành điểm sáng thu hút FDI chảy vào.

Có nhiều thương vụ thông qua phương án hợp tác nhà đầu tư nước ngoài kết hợp với doanh nghiệp địa phương để thực hiện dự án. Các chủ đầu tư trong nước cần linh hoạt trong huy động vốn có thể qua trái phiếu, hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, nhà nước cũng tiến hành thanh tra rà soát tính pháp lý của đất đai.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn Việt Nam, Công ty Jones Lang LaSalle Vietnam (JLL), thử thách lớn để Việt Nam tiếp nhận các dòng vốn M&A này là độ minh bạch về quản trị doanh nghiệp, tính pháp lý của dự án. Bởi nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm uy tín của doanh nghiệp và tính pháp lý dự án. Nếu các nhà đầu tư địa phương có thể đáp ứng các tiêu chí đó M&A sẽ nhiều hơn trong năm 2021 và các năm sau.

Tin mới lên