Xe

Thị trường ô tô tại Việt Nam dễ phát sinh tình trạng phản cạnh tranh

(VNF) - Báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết thị trường ô tô Việt Nam đang có mức độ tập trung cao với số ít doanh nghiệp nên dễ phát sinh tình trạng phản cạnh tranh làm ảnh hưởng tới thị trường.

Thị trường ô tô tại Việt Nam dễ phát sinh tình trạng phản cạnh tranh

Thị trường ô tô tại Việt Nam dễ phát sinh tình trạng phản cạnh tranh

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thực hiện báo cáo cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Báo cáo đã phác họa những nét chính về môi trường cạnh tranh, đồng thời nêu ra một số quan ngại về cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Theo báo cáo này, ở lĩnh vực cạnh tranh trên thị trường sản xuất xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, trong giai đoạn 2017-2019, các vị trí top đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô dưới 9 chỗ trong nước đều bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong rất nhiều năm, Toyota luôn là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về thị trường đối với dòng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Với ưu thế và năng lực sản xuất cũng như chất lượng của các sản phẩm tại thị trường Việt Nam, Toyota luôn dẫn đầu thị trường và giữ vị trí số một về thị phần.

Cụ thể, năm 2017, Toyota là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với mức thị phần lên tới 31,2%. Theo sau là Thaco Trường Hải với thị phần đạt 19,21%. Đến năm 2018, với sự vươn lên mạnh mẽ của Huyndai, doanh nghiệp này đã đứng vị trí thứ 2 về thị phần trên thị trường, vượt qua Trường Hải với mức thị phần 20,52%. Tới năm 2019, Huyndai đã chiếm lĩnh được vị trí dẫn đầu về thị phần trên thị trường, đạt 29,64%, vượt qua Toyota chiếm 23,16% thị phần.

Thị phần các DN sản xuất ô tô dưới 9 chỗ năm 2019

Kết quả của báo cáo nghiên cứu cũng cho biết mức độ tập trung của nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi hiện nay khá cao. Với rào cản gia nhập thị trường cao cùng với vốn đầu tư lớn làm cho không có nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường này.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô đang gặp khó khăn và phải cắt giảm hoạt động sản xuất vì ảnh hưởng của chính sách phí, thuế trong nước và lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế ASEAN… Chính điều này đã làm cho mức độ tập trung trên thị trường cao. Với mức độ tập trung cao như hiện nay, rất dễ phát sinh các hành vi phản cạnh tranh làm ảnh hưởng tới thị trường.

Thị phần (tính theo doanh thu căn cứ trên lượng xe tiêu thụ) của các doanh nghiệp ô tô dòng xe khách giai đoạn 2014 – 2019 

Trong khi đó, cạnh tranh trên thị trường sản xuất xe khách, báo cáo cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn 2017-2019, các doanh nghiệp có lượng tiêu thụ xe khách chủ yếu trên thị trường là: Thaco, Dothanh, Samco, Tracomeco, Haeco, Daewoo và Vinamotor. Điều này cho thấy thị trường sản xuất xe khách đang chuyển dịch sang các doanh nghiệp trong nước, đây là sự tiến triển tốt trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành những nhà sản xuất xe khách chủ lực trên thị trường.

Trong 3 năm này, Thaco liên tục thống lĩnh thị trường với mức thị phần trên 40%, theo sau là Đô Thành với thị phần đạt trên 20%. Bên cạnh đó, Tracomeco và Haeco cũng là những doanh nghiệp nổi bật và có sự tăng trưởng nhanh chóng trên thị trường khi trở thành các doanh nghiệp đạt vị trí thứ 4 và 5 về thị phần trên thị trường vào năm 2019.

Cạnh tranh trên thị trường sản xuất xe tải, cụ thể đối với dòng xe tải, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) là doanh nghiệp dẫn đầu tuyệt đối về thị phần tiêu thụ trong giai đoạn 2014 – 2016 và 2017-2019.

Theo thống kê về sản lượng tiêu thụ của VAMA, THACO luôn có sản lượng tiêu thụ đối với dòng xe tải vượt trội so với các đối thủ cùng là thành viên trong Hiệp hội, thị phần trong 3 năm từ 2014 đến 2016 luôn nắm trên 45%, trở thành doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường tại phân khúc này.

Thị phần của các doanh nghiệp ô tô dòng xe tải giai đoạn 2014 – 2019

Từ năm 2017 đến 2019, thị trường sản phẩm xe tải còn có sự tham gia của những thương hiệu mới như Huyndai Thành Công, Chiến Thắng, Hoa Mai, nhưng THACO vẫn đứng đầu thị trường với thị phần tăng dần đều, trung bình trên 40%. Trong cả giai đoạn, Hino, Isuzu và THACO luôn là 3 dòng sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy, đặc thù của thị trường ô tô tại Việt Nam là có rào cản gia nhập thị trường cao cùng với vốn đầu tư lớn, do đó không có nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường này. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô đang gặp khó khăn và phải cắt giảm hoạt động sản xuất vì ảnh hưởng của chính sách phí, thuế trong nước và lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế…

“Chính điều này đã làm cho mức độ tập trung trên thị trường cao. Với mức độ tập trung cao như hiện nay, rất dễ phát sinh các hành vi phản cạnh tranh làm ảnh hưởng tới thị trường. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu đối với cơ quan cạnh tranh cần có sự giám sát, đánh giá và xem xét kỹ lưỡng đối với các hành vi phản cạnh tranh có khả năng xảy ra trên thị trường này”, báo cáo nêu.

Xem thêm: Toyota Camry 2022 ra mắt khách hàng Việt, thêm phiên bản hybrid giá hơn 1,4 tỷ đồng

Tin mới lên