Diễn đàn VNF

Thị trường sẽ định giá đúng nhất giá trị doanh nghiệp

Liên quan tới kết quả của Kiểm toán Nhà nước sau khi kiểm toán định giá doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa đã giúp làm tăng giá trị doanh nghiệp lên hàng nghìn tỷ đồng, Tiền Phong đã trao đổi nhanh với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính).

Thị trường sẽ định giá đúng nhất giá trị doanh nghiệp

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính).

Đề cập việc định giá doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa chưa sát thực tế, khi Kiểm toán Nhà nước thẩm định lại đã giúp tăng giá trị doanh nghiệp. ông Tiến nói: "Thị trường sẽ định giá đúng nhất giá trị doanh nghiệp".

Cục trưởng cục Tài chính Doanh nghiệp cho rằng Kiểm toán Nhà nước thực hiện thẩm định lại định giá các doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa là một bước bắt buộc trong quá trình cổ phần hóa. "Việc sau khi kiểm toán giá trị doanh nghiệp tăng lên là rất tốt, vì nó mang lại lợi ích cho nhà nước", ông Tiến nói.

- Nhưng thực tế từ kết quả kiểm toán, giá trị doanh nghiệp nhà nước tăng lên rất nhiều, tại sao việc định giá ban đầu của các tư vấn định giá lại thấp thế?

Điều này không có gì lạ, vì tư vấn định giá cũng phải thực hiện theo luật, trên cơ sở hồ sơ, hiện trạng của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về kết quả đó. Tuy nhiên, trong quá trình định giá có thời điểm khác nhau, hoặc phân loại khác nhau nên đưa ra kết quả cũng khác. Sau đó kiểm toán lại để xác định xem định giá như vậy đã hợp lý và chính xác chưa, từ đây ban chỉ đạo cổ phần hóa của chủ sở hữu doanh nghiệp mới phê duyệt phương án cổ phần hóa và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Tuy nhiên, việc kiểm toán bắt buộc với định giá doanh nghiệp nhà nước chỉ thực hiện với một số doanh nghiệp lớn, quan trọng, hoặc một số doanh nghiệp thấy cần thiết phải kiểm toán. Các cơ quan chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước cũng có thể đề nghị kiểm toán lại nếu thấy cần thiết, nhưng không bắt buộc với tất cả doanh nghiệp.

Kiểm toán Nhà nước là cơ quan bảo vệ quyền lợi nhà nước, việc thực hiện kiểm tra lại định giá doanh nghiệp trước cổ phần hóa nhằm xác định đúng giá với thực tế thị trường. Còn doanh nghiệp định giá nếu đưa ra định giá sai sẽ bị đánh giá tín nhiệm và mất uy tín, như thế sẽ chẳng ai còn thuê họ định giá nữa.

- Kiểm toán chỉ thực hiện với doanh nghiệp nhà nước lớn, vậy doanh nghiệp nhà nước nhỏ, không được kiểm toán thì cơ quan quản lý có giải pháp gì để đảm bảo việc định giá chính xác, bảo đảm lợi ích nhà nước, ngăn chặn việc định giá thấp để bán cho công ty sân sau, nhóm lợi ích?

Định giá doanh nghiệp chỉ là một khâu trong quá trình cổ phần hóa, kết quả định giá phải được ban chỉ đạo cổ phần hóa của cơ quan chủ quản thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Nếu ban chỉ đạo thấy định giá chưa chính xác, hoặc có rủi ro có thể đề nghị kiểm toán lại.

Chúng ta cũng có hội thẩm định giá để đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp định giá, nếu sau hậu kiểm thấy việc định giá của doanh nghiệp chưa chính xác, doanh nghiệp thực hiện định giá sẽ bị xếp hạng tín nhiệm thấp. Khi đó, hoạt động sẽ bị ảnh hưởng, nên doanh nghiệp định giá phải thực hiện đúng và có chất lượng định giá của mình.

- Vừa qua, các doanh nghiệp định giá AVG đã đưa ra bản định giá vượt quá thực tế giá trị doanh nghiệp đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, nay Kiểm toán Nhà nước lại chỉ ra nhiều doanh nghiệp nhà nước bị định giá thấp hơn thực tế, phải chăng chất lượng định giá của chúng ta đang có vấn đề?

Hiện hành lang pháp lý, các quy trình về định giá đều có cả, các doanh nghiệp định giá phải thực hiện đúng quy định. Sau đó ban chỉ đạo cổ phần hóa của cơ quan chủ quản sẽ thẩm định và quyết định. Cũng có hội thẩm định giá đánh giá xếp hạng doanh nghiệp định giá. Hiện chúng ta đều phân cấp, phân quyền rõ ràng, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm.

- Vậy có hay không chuyện nhà đầu tư sân sau, nhóm lợi ích tác động để định giá doanh nghiệp nhà nước thấp sau đó mua lại để hưởng lợi?

Hiện việc cổ phần hóa, đấu giá phải thực hiện công khai, minh bạch, đăng ký niêm yết lên sàn và thị trường sẽ quyết định giá mua - bán của doanh nghiệp. Quy định này đã có từ trước đây, nhưng việc thực hiện chưa nghiêm, còn nay Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, tất cả doanh nghiệp nhà nước đều phải thực hiện, không ai trốn tránh được nữa.

Khi công khai minh bạch, thị trường sẽ quyết định giá trị doanh nghiệp là bao nhiêu. Nếu doanh nghiệp tốt, công khai minh bạch, dù định giá có thấp thì thị trường sẽ đẩy giá lên để được mua, còn nếu anh không tốt, có định giá cao thì cũng chẳng ai mua. Chỉ có công khai minh bạch theo thị trường thì mới không có mờ ám, giấu diếm gì được, tất cả đều phải thông qua đấu giá, không mua bán thỏa thuận gì được nữa.

- Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quy định doanh nghiệp định giá nước ngoài muốn hoạt động ở Việt Nam phải có cổ phần nhà đầu tư trong nước, điều này làm hạn chế sự tham gia của định giá nước ngoài và chuyển giao kinh nghiệm để phát triển doanh nghiệp định giá trong nước?

Đây là điều khoản cho phép của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) để bảo hộ quyền lợi quốc gia và tất cả các nước đều làm như vậy. Nếu chúng ta mở bung cho doanh nghiệp nước ngoài vào thì không doanh nghiệp định giá nào của Việt Nam có thể tồn tại và phát triển được, và quy định này cũng gắn trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài với các định giá của mình.

- Xin cảm ơn ông.

Tin mới lên