Tài chính

Thị trường tài chính tuần qua: Chứng khoán 'đỏ lửa', mạnh tay xử phạt DN vi phạm

(VNF) - Trong tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có những ngày giảm điểm tiêu cực. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng đã nhận quyết định xử phạt do vi phạm các quy định trong lĩnh vực chứng khoán.

Thị trường tài chính tuần qua: Chứng khoán 'đỏ lửa', mạnh tay xử phạt DN vi phạm

Ảnh minh họa.

Thị trường chứng khoán tiếp tục chuỗi ngày giảm mạnh

Tuần qua, tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam là chuỗi ngày giao dịch giảm điểm khá tiêu cực, hầu hết các chỉ số trên thị trường đồng loạt giảm mạnh.

Ngay phiên đầu tuần, VN-Index đã mất gần 29 điểm. Đà giảm điểm mạnh xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành. Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm bất động sản, ngân hàng và chứng khoán. Có thể kể đến mã DXG giảm mạnh nhất với 18,15%, DIG mất 7,62%;... Ở khối bất động sản khu công nghiệp, ITA giảm 9,09%,….

Kết phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index quay đầu ngoạn mục tăng nhẹ 6,04 điểm, dừng ở mức 1.132,11 điểm rút ngắn khoảng cách mất gần 90 điểm xuống mất tổng cộng trên tuần 71,17 điểm tương ứng với giảm 5,91%.

Loạt doanh nghiệp niêm yết bị xử phạt

Ngày 26/9, UBCKNN công bố thông tin về việc ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Cổ phần tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) do công bố thông tin sai lệch. Quyết định xử phạt nêu rõ, công ty bị phạt 150 triệu đồng.

Theo UBCKNN, Công ty Cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành công bố thông tin sai lệch số liệu các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2021 và BCTC 6 tháng đầu năm 2022 do điều chỉnh các khoản dự phòng đối với các khoản phải thu từ công ty con và dự phòng các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng (tại BCTC năm 2021 được kiểm toán); điều chỉnh dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản nợ phải thu từ công ty con (BCTC bán niên năm 2022 được soát xét).

UBCKNN cũng công bố thông tin về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam. Theo đó, công ty bị phạt tiền 70 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Theo UBNCKNN, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của công ty và trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN theo quy định các tài liệu: Báo cáo tài chính (BCTC) Quý 4/2014; BCTC các Quý 1,2,3,4 năm 2015; BCTC Quý 1/2016; BCTC đã được kiểm toán các năm 2014, 2015; Báo cáo thường niên các năm 2014, 2015, 2021; Báo cáo tình hình quản trị công ty các năm 2014, 2015; Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm của 2015, 2021; Nghị quyết, biên bản và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015.

Công ty công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN không đúng thời hạn về báo cáo tài chính (BCTC) các Quý II, III, IV năm 2017; BCTC các Quý I, II, III, IV năm 2018; BCTC các Quý II, IV năm 2020; BCTC các Quý I, II, III năm 2021; BCTC năm 2017, 2019, 2020, 2021 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên các năm 2017, 2019, 2020; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021; Nghị quyết, biên bản và tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên các năm 2017, 2018; Nghị quyết họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021; thư mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 và tài liệu đại hội; thư mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam tiếp tục bị phạt tiền 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán. 

Cùng với đó, Công ty Cổ phần Camimex Group cũng bị phạt tiền tổng cộng 310 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Theo UBCKNN, Camimex Group đã công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Cụ thể, công ty công bố thông tin về báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 6 tháng đầu năm 2021 và năm 2021 có nội dung chưa đầy đủ. Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020 và năm 2021 cũng chưa thống kê đầy đủ các Nghị quyết/Quyết định của HĐQT.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 và 2021, BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của công ty đều có phát sinh giao dịch với bên liên quan. Tuy nhiên, báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 6 tháng đầu năm 2021 và năm 2021 không trình bày giao dịch với bên liên quan).

Camimex Group còn vi phạm quy định về giao dịch với người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này. Cụ thể, giao dịch giữa Camimex Group với Công ty Cổ phần Camimex, Công ty Cổ phần Camimex Foods và Công ty Cổ phần Camimex Logistics là các tổ chức có liên quan với người nội bộ của Camimex Group trong năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022 chưa được ĐHCĐ hay HĐQT thông qua; từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2021, công ty đã cho Công ty Cổ phần Camimex vay khi chưa được ĐHĐCĐ chấp thuận.

Loạt doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức

Công ty Cổ phần Gemadept (GMD) tuần qua đã có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền.

Theo đó, GMD sẽ thực hiện trả cổ tức với tỷ lệ 12% bằng tiền, số tiền dự chi là hơn 361 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là 10/10. GMD sẽ thanh toán cổ tức vào ngày 25/10 sau đó.

GMD thực hiện trả cổ tức bằng tiền ngày trước thềm tăng vốn thêm nghìn tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp dự kiến phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu (tương ứng tỷ lệ 3:1) với giá chào bán là 20.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2022, tức là trong quý IV tới đây.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của GMD dự kiến tăng thêm 1.000 tỷ đồng, từ 3.014 tỷ đồng hiện nay lên 4.018 tỷ đồng.

HĐQT Cảng Cát Lái (CLL) mới đây cũng có thông báo ngày 7/10 sẽ chốt danh sách cổ đông trả để cổ tức năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 24%, tức mỗi cổ phiếu nhận thêm 2.400 đồng. Ngày thanh toán dự kiến là 14/10. Với 34 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp sẽ chi ra 81,6 tỷ đồng để trả số cổ tức trên.

Cảng Cát Lái vẫn giữ truyền thống trả cổ tức bằng tiền kể từ năm 2014 - năm đầu cổ phiếu CLL được niêm yết trên HoSE cho đến nay. Tuy nhiên mức 24% cho năm 2021 cũng là mức cao kỷ lục mà đơn vị này từng chi trả cho cổ đông. Các năm trước doanh nghiệp chi trả ở mức 10%-22%.

Bên cạnh đó, Nghị quyết HĐQT CTCP tư vấn xây dựng điện 2 (TV2) cũng vừa thông qua việc phát hành thêm 22,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và thưởng cổ phiếu cho cổ đông tổng tỷ lệ 50%. Cụ thể, công ty sẽ phát hành 9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2021 theo tỷ lệ 10:2, tức mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán 2021 là 447,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, đơn vị này sẽ thưởng thêm cho cổ đông 13,5 triệu cổ phiếu nữa theo tỷ lệ 30%. Nguồn vốn thực hiện từ số tiền trong quỹ đầu tư phát triển còn lại đến ngày 31/12/2021. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá sau hai đợt phát hành trên là 225 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của công ty lên 675 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đại lý hàng hải Việt Nam (VSA) cũng có thông báo ngày 17/10 đăng ký cuối cùng lập danh sách trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 25%. Số tiền chi ra khoảng 35,2 tỷ đồng, ngày thanh toán 21/10. Đây là mức cổ tức cao nhất doanh nghiệp chi trả từ 2017 đến nay.

Lợi nhuận MWG về đáy một năm

Cũng trong tuần qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với doanh thu 92.283 tỷ và lợi nhuận sau thuế 3.176 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy trừ đi kết quả 7 tháng trước đó, MWG ghi nhận doanh thu tháng 8 khoảng 10.413 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 295 tỷ đồng trong tháng 8. Các chỉ tiêu tăng tương ứng 60% và 33% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận tiếp tục giảm tốc và về mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

8 tháng, chuỗi Thế giới Di động (gồm Topzone) và Điện máy Xanh đóng góp lần lượt 24.500 tỷ đồng và 48.800 tỷ đồng, chiếm 79,5% doanh số của MWG và tăng 27% so với cùng kỳ. Riêng tháng 8, doanh thu các chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy ghi nhận tăng trưởng 118%.

Trong 8 tháng, Bách hóa Xanh mang về 17.600 tỷ đồng, tương đương 19% mức đóng góp vào doanh thu chung, nhưng giảm 15% so với giai đoạn 8 tháng năm ngoái. Riêng doanh số tháng 8 giảm 20% so với tháng 8/2021 - mức cao điểm của dịch nhưng vẫn tăng trưởng dương tháng thứ 6 liên tiếp kể từ tháng 3/2022.

Hiện tại, MWG đang vận hành 1.086 cửa hàng Thế Giới Di Động, 2.222 cửa hàng Điện Máy Xanh, 1.726 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 509 nhà thuốc An Khang và 80 cửa hàng AVAKids và 12 cửa hàng AVASport.

FPT sản xuất thành công chip

FPT Semiconductor, công ty con của FPT Software thuộc Tập đoàn FPT tuần qua vừa chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế.

Dòng chip bán dẫn tổng hợp (IC – Integrated Circuit) được các kỹ sư của công ty thiết kế và đặt ra cấu trúc. Thiết kế sau đó được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.

FPT Semiconductor sẽ phân phối sản phẩm tại các thị trường nước ngoài như Australia, Trung Quốc. Ngoài ra, đơn vị này cũng định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip đến các tập đoàn trong nước nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2025.

Trong hai năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, doanh nghiệp đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực khác nhau. Theo báo cáo của Technavio, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam được dự báo vượt 6,16 tỷ USD đến năm 2024.

Nova Consumer nộp hồ sơ niêm yết HoSE

Ngày 28/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã có thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu mã chứng khoán NCG của Tập đoàn Nova Consumer ngày 27/9.

Theo đó, Nova Consumer đăng ký niêm yết 119,8 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 1.197,8 tỷ đồng.

Nova Consumer là 1 trong 8 tổng công ty của Tập đoàn NovaGroup, tiền thân là Tập đoàn chuyên về nông nghiệp (Anova Corp). Từ năm 2021, Nova Consumer đã xây dựng chiến lược từ nông nghiệp đến hàng tiêu dùng, định hướng hoạt động theo mô hình 3F - từ trang trại đến bàn ăn (Feed - Farm - Food). Bản cáo bạch của Nova Consumer cho biết hiện doanh nghiệp này đang giữ vị trí số 1 trong thị trường kinh doanh thuốc thú y, thuốc thủy sản. Các công ty của Nova Consumer được đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tự động, đạt tiêu chuẩn WHO-GMP.

Theo kế hoạch tài chính năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Nova Consumer ước tính sẽ đạt ít nhất 4.800 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và lợi nhuận đạt 330 tỷ đồng. Nova Consumer sẽ tiếp tục mở rộng mảng kinh doanh cốt lõi là nông nghiệp nhằm cung cấp giải pháp chăn nuôi toàn diện gồm cả con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y – vắc xin và trang trại, đồng thời, phát triển mạnh lĩnh vực hàng tiêu dùng, hoàn thiện chuỗi 3F.

Tin mới lên