Tài chính quốc tế

Thiếu lương thực trầm trọng, Triều Tiên vẫn viện trợ 300.000 USD cho Myanmar

(VNF) - Mặc dù đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, Triều Tiên mới đây đã viện trợ 300.000 USD cho Myanmar thông qua một sáng kiến của Liên hợp quốc.

Thiếu lương thực trầm trọng, Triều Tiên vẫn viện trợ 300.000 USD cho Myanmar

Triều Tiên mới đây đã viện trợ 300.000 USD cho Myanmar thông qua một sáng kiến của Liên hợp quốc.

Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) mới đây cho biết Triều Tiên đã đóng góp 300.000 USD vào Quỹ viện trợ Nhân đạo cho Myanmar (MHF) từ ngày 24/5.

Quỹ MHF kêu gọi quyên góp 276 triệu USD để giúp Myanmar phục hồi sau cuộc đảo chính quân sự và làn sóng biểu tình tàn phá đất nước trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.

Lần gần đây nhất Triều Tiên viện trợ tài chính cho nước ngoài thông qua Liên hợp quốc là vào năm 2005 khi Bình Nhưỡng dành 150.000 USD hỗ trợ Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Maldives và Sri Lanka, những quốc gia bị ảnh hưởng bởi trận sóng thần kinh hoàng tháng 12/2004.

Triều Tiên có quan hệ lâu năm với Myanmar. Theo số liệu của Liên hợp quốc, Triều Tiên cũng cung cấp vũ khí cho quốc gia Đông Nam Á này. Liên hợp quốc hiện đang điều tra quan hệ hợp tác tên lửa giữa hai nước.

Triều Tiên viện trợ 300.000 USD cho Myanmar trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến Triều Tiên phong tỏa biên giới và các trận bão năm ngoái đã gây ra những thiệt hại lớn cho nông nghiệp Triều Tiên.

Mới đây, trong cuộc họp ban chấp hành đảng Lao động Triều Tiên ngày 15/6, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thừa nhận rằng tình hình lương thực của người dân đang trở nên đáng lo ngại khi ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất ngũ cốc vì thiệt hại do bão năm ngoái.

Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Triều Tiên dự kiến ​​sẽ sản xuất được 5,5 triệu tấn lương thực trong năm nông nghiệp 2020-2021 (từ tháng 11/2020 đến tháng 11/2021), thấp hơn sản lượng trung bình 5,6 triệu tấn trong 5 năm qua.

Nhiều khu vực sản xuất lúa gạo chính của nước này đã giảm 25 đến 45% sản lượng so với cùng kỳ. Theo đó, Triều Tiên có thể thiếu 860.000 tấn lương thực, con số này tương đương với mức tiêu thụ lương thực của Triều Tiên trong khoảng 2,3 tháng.

FAO cảnh báo Triều Tiên cần bù đắp khoảng cách giữa sản xuất và tiêu thụ lương thực thông qua nhập khẩu lương thực và hỗ trợ nhân đạo, nếu không người dân Triều Tiên có thể phải hứng chịu nạn đói trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 10/2021.

Xem thêm >> Nga chưa loại Mỹ khỏi danh sách ‘quốc gia không thân thiện’ sau hội nghị thượng đỉnh

Tin mới lên