Nhân vật

Think-tank đầu tiên của Việt Nam: Sự nhập cuộc của các trí thức miền Nam

(VNF) - ‘Nhóm thứ Sáu’ được biết đến như là mô hình think tank đầu tiên ở Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975). Họ là một nhóm trí thức ở miền Nam thường tụ họp vào chiều thứ Sáu hàng tuần, nói chuyện, thảo luận, bàn bạc, đề xuất... các giải pháp gỡ thế bí cho nền kinh tế khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh.

Think-tank đầu tiên của Việt Nam: Sự nhập cuộc của các trí thức miền Nam

Một chuyến khảo sát của Nhóm thứ Sáu với Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu

“Tôi đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lãnh vực trong suốt những năm qua, không phải vì tất cả ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi. Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta... nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của công trình lao động trí tuệ công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của anh em còn không ít khó khăn” (trích thư cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi nhóm Thứ Sáu ngày 1/11/2001).

Thứ Sáu thực ra không phải tên nhóm. Tiền thân của nó là nhóm nghiên cứu chuyên đề quận 5 của công ty Cholimex, chủ yếu là trí thức từng làm việc dưới chế độ cũ. Nhóm nhận được sự đồng tình của Thành uỷ TP.HCM lúc bấy giờ, mà đứng đầu là ông Võ Trần Chí, Bí thư Thành uỷ.

Thời kỳ từ năm 1986, nhóm thứ Sáu chính thức hoạt động với đông đảo trí thức: Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn, Lâm Võ Hoàng, Phan Tường Vân, Hồ Xích Tú, Nguyễn Thanh Bạch, Đỗ Nguyên Dũng, Võ Gia Minh, Nguyễn Hữu Thư, Lâm Tuấn Anh, Võ Hùng, Nguyễn Ngọc Hồ, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Trọng Thức, Lê Văn Bĩnh, Hoàng Thoại Châu, Mai Kim Đỉnh, v.v...

Thời điểm đó, nhóm thứ Sáu thực sự có được một cơ hội đối thoại trực tiếp với các vị lãnh đạo cao nhất của TP. HCM và cũng có dịp trao đổi trực tiếp với các chuyên viên cao cấp gần gũi với lãnh đạo Trung ương.

Nhóm thứ Sáu đã tiến hành nghiên cứu, phản biện một số chính sách kinh tế quan trọng  như chính sách tiền tệ, tín dụng, giá cả, ngoại thương, khu chế xuất, tài chính, kinh tế đối ngoại… Đó là những đóng góp rất lớn cho việc hình thành tư duy kinh tế mới.

Nghiên cứu về Giá – Lương – Tiền

Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên được nhóm thứ Sáu thực hiện rất bài bản; có mô tả hiện trạng, có cơ sở lý luận và có phản biện.

Sau đó, ông Phạm Chánh Trực viết thư giới thiệu công trình nghiên cứu về giá – lương – tiền của nhóm thứ Sáu với ông Võ Văn Kiệt lúc ấy đang làm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước.

Các thành viên của nhóm thứ Sáu là ông Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước ra Hà Nội báo cáo đề tài này với các chuyên viên cao cấp của Chính phủ, buổi làm việc do ông Võ Văn Kiệt chủ trì.

Đề tài nghiên cứu này có tính thuyết phục, được các chuyên viên cao cấp như ông Trần Đức Nguyên, Vũ Quốc Tuấn, Lê Đăng Doanh đánh giá cao. Trước khi trở về TP. HCM, các thành viên của nhóm thứ Sáu còn được Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch mời trình bày đề tài này và cũng được ông đánh giá cao.

Nghiên cứu đề tài Cải tổ Ngân hàng

Sau chuyến "thuyết khách" ở Hà Nội, nhóm thứ Sáu nắm bắt thêm thực tế và phát hiện ra những bất cập trong điều hành vĩ mô. Một trong những vấn đề đó là hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống ngân hàng thời kế hoạch hoá tập trung.

Đề tài Cải tổ Ngân hàng được khởi xướng, do hai ông Huỳnh Bửu Sơn và Lâm Võ Hoàng là những người có kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng chủ trì.

Nghiên cứu của họ đi sâu vào những điểm bất cập khi 2 hai bộ phận Ngân hàng và Tài chính không hoạt động độc lập, sự bất hợp lý trong điều hành chính sách tiền tệ và đề xuất một cơ chế hoạt động cho ngân hàng theo hướng kinh tế thị trường.

Đề tài nghiên cứu này cũng được Chính phủ quan tâm, những suy nghĩ và đề xuất của các thành viên trong Nhóm dường như có sự lan toả cho nên vào năm 1988, khi Chính phủ chẩn bị Pháp lệnh Ngân hàng, hai ông Lâm Võ Hoàng và Huỳnh Bửu Sơn đã được mời tham gia vào việc soạn thảo.

Đề tài Kinh tế vùng

Đề tài này được giao cho ông Nguyễn Ngọc Hồ chủ trì và được bản thảo lâu nhất, kéo dài khoảng nửa năm. Công trình này được ông Lê Văn Triết lúc bấy giờ là Thứ trưởng Thương mại đánh giá cao và sau đó góp phần vào việc hình thành chính sách.

Công ty tư vấn Đầu tư và Khu chế xuất

Vào năm 1987, dưới tác động của chính sách mở của, nhóm thứ Sáu tập trung thảo luận về khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và thống nhất thành lập Công ty tư vấn đầu tư (IMC). Đây là một chuyển biến quan trọng trong sinh hoạt của nhóm, chuyển từ bàn bạc sang thực hiện.

Ông Phan Chánh Dưỡng được giao làm Phó giám đốc công ty. Năm 1989, ông Phan Chánh Dưỡng đề nghị thành lập Hiệp hội Xuất nhập khẩu đầu tư (Infotra) và đề tài được nhóm thứ Sáu tập trung nghiên cứu là Khu chế xuất.

Đây cũng là thời gian ông Dưỡng rút khỏi vị trí Giám đốc Cholimex và chú tâm vào việc biến công trình nghiên cứu trở thành hiện thực.

Có thể nói đây là công nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao vì sau đó nội dung này được áp dụng vào việc hình thành Khu chế xuất Tân Thuận dưới hình thức Công ty liên doanh, trong đó ông Phan Chánh Dưỡng đại diện cho đối tác trong nước làm phó tổng giám đốc.

Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận sau đó được thành lập,  là đơn vị nghiên cứu và thực hiện các chương trình như đại lộ “Bắc Nhà Bè – Nam Bình Chánh” nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị mới Nam thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghiệp Hiệp Phước…

Tin mới lên