Tài chính quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ: Thương vụ mua S-400 của Nga là ‘ván đã đóng thuyền’

(VNF) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định rằng thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga là “ván đã đóng thuyền” và Mỹ không nên gây áp lực bằng việc trừng phạt kinh tế.

Thổ Nhĩ Kỳ: Thương vụ mua S-400 của Nga là ‘ván đã đóng thuyền’

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

“Tôi không thấy bất cứ khả năng nào những lệnh trừng phạt này có thể bị áp dụng (lên Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, chúng tôi cũng có lệnh trừng phạt để đáp trả lại họ”, ông Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo ngày 20/6 với báo chí quốc tế tại Istanbul.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ mối quan hệ giữa ông và người đồng cấp Mỹ Donald Trump “đang ở một mức độ có thể gọi là tốt”, do vậy trong trường hợp bất cứ điều gì xảy ra thì hai người có thể điện đàm với nhau.

Trước đó, Bloomberg ngày 19/6 dẫn các nguồn thạo tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang cân nhắc 3 gói trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Gói trừng phạt nghiêm trọng nhất được cho là đang được các quan chức hội đồng an ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ mang ra bàn bạc. Gói này nếu được thông qua được dự đoán có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Bloomberg, các lệnh trừng phạt có thể được áp dụng vào tháng 7 khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhận tổ hợp S-400 từ Nga.

Tuy nhiên, cũng theo Bloomberg, ông Trump không muốn đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này cho tới khi cuộc gặp giữa ông với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tuần tới,

Một quan chức Mỹ ngày 19/6 đã chia sẻ với hãng thông tấn TASS cho biết việc mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga theo kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ thực sự muốn tránh những bước đi này, tuy nhiên điều này đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ phải sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại quan trọng về hủy bỏ việc mua S-400.

“Mỹ sẵn sàng thảo luận cách giảm thiểu bất kỳ hậu quả không mong muốn nào mà sự từ chối này có thể mang lại”, vị quan chức Mỹ khẳng định.

Người này lưu ý: “Mỹ đã làm đủ mọi cách để cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc mua hệ thống S-400 là không thể chấp nhận được và có thể kích hoạt lệnh trừng phạt chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Tháng 1-2019, Mỹ đã đưa ra đề nghị tốt nhất về hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, một lựa chọn có sẵn thay thế cho S-400”.

Vị quan chức cho rằng hệ thống S-400 là “nền tảng thu thập tình báo của Nga, gây nguy hiểm cho sự an toàn của máy bay và phi công Mỹ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, việc nước này tiếp tục tham gia chương trình tiêm kích F-35 là điều không thể”.

Tuy nhiên, người này thừa nhận rằng các biện pháp đáp trả của Washington trước kế hoạch mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không có lợi cho Mỹ.

Thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD được giới chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết vào tháng 12/2017.

Trước đó, tại thời điểm cuộc nội chiến ở quốc gia láng giềng Syria có những diễn biến đe dọa an ninh khu vực biên giới phía Nam, Thổ Nhĩ Kỳ đã tính đến nhu cầu mua hệ thống phòng không “rồng lửa” Patriot hiện đại nhất nhì thế giới của Mỹ. Tuy nhiên, mức giá mà Washington đưa ra bị Ankara cho là quá đắt đỏ. Đến năm 2017, khi được Nga đề nghị cung cấp hệ thống S-400 với một mức giá được coi là hợp lý, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận thỏa thuận này.

Mỹ đã nhiều lần đưa ra tuyên bố rằng S-400 không tương thích với tiêu chuẩn của NATO, đe dọa sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì hợp đồng mua bán này và nhiều lần nhắc nhở rằng họ có thể trì hoãn hoặc hủy bỏ quy trình bán máy bay F-35 mới nhất cho Ankara.

Xem thêm >> Vụ rơi máy bay MH17: Thủ tướng Malaysia nói Nga ‘bị vu oan’

Tin mới lên