M&A

Thoái vốn nhà nước tại 2 ‘ông lớn’ sản xuất phân đạm: Nguồn và giá khí là đáp án chính

Giá khí cao và không đủ nguồn cung cho sản xuất là những lý do khiến lợi nhuận của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ trồi sụt bấp bênh, thậm chí có nguy cơ thua lỗ.

Thoái vốn nhà nước tại 2 ‘ông lớn’ sản xuất phân đạm: Nguồn và giá khí là đáp án chính

Quá trình thoái vốn nhà nước tại Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau còn nhiều vướng mắc

Đó cũng là những lý do gây khó khăn cho quá trình thoái vốn nhà nước của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại 2 doanh nghiệp này theo lộ trình tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2018 - 2020 đã được trình Chính phủ hồi tháng 8/2018.

Triển vọng lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu với các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào bất cứ doanh nghiệp nào. Với 2 doanh nghiệp sản xuất đạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), bức tranh tương lai khá u ám.

Đối với Đạm Phú Mỹ (DPM), một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận liên tục đi xuống là giá khí nguyên liệu, chiếm tới gần 75% nguyên liệu đầu vào, áp ở mức cao. Giá khí trung bình của DPM là 4 - 6 USD/triệu BTU áp dụng theo công thức P = 46%*MFO (giá dầu FO bình quân tại thị trường Singapore) + 0,96 USD/triệu BTU (phí vận chuyển - PV).

So với thế giới, mức giá khí áp dụng như trên là khá cao, bởi số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, giá khí trung bình áp dụng với các doanh nghiệp ngành phân bón trên thế giới dao động khoảng 3 USD/triệu BTU, tương ứng với giá dầu dao động trong khoảng 55 - 60 USD/thùng.

Thực tế cho thấy, giá khí nguyên liệu có ảnh hưởng quyết định tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán FPTS, năm 2011, giá khí bình quân trong năm mà Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) bán cho DPM là 3,62 USD/triệu BTU, đến năm 2012 tăng lên 6,43 USD/triệu BTU, thì biên lợi nhuận gộp của DPM ngay lập tức giảm từ 66% xuống 52%. Giai đoạn 2014 - 2015 khi giá khí giảm 21%, thì ngay lập tức, biên lợi nhuận gộp đã cải thiện từ mức 36% của năm 2014 tăng lên 47% năm 2015. Đến năm 2016, mặc dù giá khí giảm khá mạnh từ 5,35 USD/triệu BTU xuống còn 3,85 USD/triệu BTU, nhưng do giá phân urea trong nước cũng giảm 17-18% so với bình quân năm 2015, nên biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 47% xuống 42%. Trong thời gian tới, dự báo giá khí sẽ tăng dựa trên cơ sở dự báo giá dầu dao động 70 USD/thùng nên giá vốn hàng bán của DPM sẽ tăng, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Câu chuyện đi xuống của Đạm Phú Mỹ những ngày này đang được xới lại bởi giới phân tích cho rằng, Đạm Cà Mau (DCM) tới đây cũng có thể chung số phận. Mặc dù, được đánh giá là doanh nghiệp có bộ máy gọn nhẹ, hệ thống quản trị tốt so với các công ty tương tự, nhưng với những phân tích trên, câu chuyện đi xuống của Đạm Cà Mau thậm chí còn bi đát hơn nhiều, do ngoài vấn đề về giá, thì nguồn cung khí còn đang đứng trước khả năng thiếu hụt. Đáng lo ngại hơn là, khoản nợ vay được Chính phủ bảo lãnh khi đầu tư Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau vẫn còn tới 200 triệu USD, nếu giá khí tăng quá cao và nguồn khí thiếu hụt, ai sẽ trả nợ thay cho doanh nghiệp khi chi phí giá khí ăn hết vào phần lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cần cơ chế giá hợp lý và đảm bảo nguồn cung khí

Cuối năm 2014, 129 triệu cổ phần DCM đã được bán thành công ra công chúng với giá 12.000 đồng/cổ phần, giúp cho doanh nghiệp cổ phần hóa thành công. Một trong những con át chủ bài giúp cho đợt chào bán thành công là cam kết của Chính phủ và PVN với cổ đông của Đạm Cà Mau. Cụ thể, sau cổ phần hóa cho đến hết 2018, PVN áp dụng giá khí cho DCM đảm bảo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12%. Với chính sách này, giá khí bán cho DCM sẽ dao động trong khoảng 3 USD/triệu BTU, tương ứng với giá khí khi lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án (FS).

Khoản nợ vay được Chính phủ bảo lãnh khi đầu tư Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau vẫn còn tới 200 triệu USD, nếu giá khí tăng quá cao và nguồn khí thiếu hụt, ai sẽ trả nợ thay cho doanh nghiệp.

Với giá khí như vậy, dù mỗi năm khấu hao và chi phí lãi vay vào khoảng 1.600 tỷ đồng, DCM vẫn duy trì được mức lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng/năm. Tính trên vốn điều lệ và so với các nhà máy sản xuất phân bón từ khí trên thế giới, mức lợi nhuận này trong khoảng trung bình, nhưng đã giúp Đạm Cà Mau phát triển ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, tạo lợi nhuận cho cổ đông, khiến nhà đầu tư yên tâm khi bỏ vốn vào cổ phiếu DCM.

Thời gian chẳng còn nhiều, khi kể từ năm 2019, Đạm Cà Mau sẽ phải mua khí theo chính sách mới, đang được dự thảo theo chiều hướng khiến các cổ đông của Đạm Cà Mau lo lắng. Theo tính toán tại thời điểm lập FS, mức giá khí đảm bảo hiệu quả đầu tư là trên dưới 3 USD/triệu BTU (tính bình quân cả đời dự án, đã bao gồm VAT, chi phí vận chuyển và phân phối). Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bộ Công thương cho biết, phương án giá khí đang được bộ này xem xét áp dụng với DCM sẽ không tính như cách tính trong FS, thay vào đó sẽ theo phương án tính theo giá dầu 60 - 70 USD/thùng như thời điểm hiện tại, cao hơn 2 - 3 USD/triệu BTU so với mức giá khí áp dụng với Đạm Phú Mỹ.

Chính sách này nếu được thông qua, theo đánh giá của giới phân tích, sẽ là đòn chí tử giáng vào Đạm Cà Mau, vì doanh nghiệp đang phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ nhờ nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón ở các nước trên thế giới và khu vực là khí có mức giá trung bình chỉ bằng 1/3 so với Đạm Cà Mau. Đó là chưa kể, Dự án khí Lô B chậm hơn so với kế hoạch đang dẫn đến việc nguồn cung khí dành cho nhà máy suy giảm nhanh so với tính toán khi lập FS. Nếu giá khí quá cao, lại không được đảm bảo nguồn như dự toán ban đầu, trong khi Nhà máy vẫn phải chạy liên tục theo đặc thù công nghệ, DCM có thể đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.

Lời giải cho vấn đề này, theo góc nhìn của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng như đa số nhà đầu tư hiện hữu vào Đạm Cà Mau, là một cơ chế giá khí hợp lý, cũng như đảm bảo nguồn khí ở mức phù hợp để cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động hiệu quả, tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho nhà nước, có cổ tức cho cổ đông, từ đó mới có thể thu hút các nhà đầu tư mới bỏ vốn vào doanh nghiệp.

Tin mới lên