Tài chính

Thoái vốn Nhà nước và chuyển sàn: PVOIL gặp khó

(VNF) - Không chỉ gặp khó trong việc thoái vốn Nhà nước, PVOIL cũng chưa thể chuyển niêm yết sang sàn HoSE. Có 2 nguyên nhân chính: ý kiến ngoại trừ của Deloitte liên quan đến giá trị đầu tư ở công ty con PETEC và công ty có khoản lỗ lũy kế 900 tỷ đồng.

Thoái vốn Nhà nước và chuyển sàn: PVOIL gặp khó

Thoái vốn Nhà nước và chuyển sàn: PVOIL gặp khó

Theo chia sẻ gần đây từ ban lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, UPCoM: OIL), doanh nghiệp này kỳ vọng việc thoái vốn cổ phần của PVOIL sẽ diễn ra sớm nhất trong giai đoạn nửa cuối năm 2019 hoặc muộn hơn.

Nguyên nhân là bởi quy định mới về việc thoái vốn Nhà nước đòi hỏi các công ty thuộc sở hữu Nhà nước phải xác định giá trị lợi thế thương mại bất động sản liên quan đến các hoạt động của công ty, đây là khoản khó có thể định giá.

“Tôi cho rằng quy định mới này về mặt chủ trương của nhà nước là hoàn toàn đúng đắn nhưng hiện nay chưa có bất cứ một hướng dẫn nào cho doanh nghiệp về việc xác định giá trị lợi thế thương mại đối với những lô đất thuê trả tiền hằng năm này. Việc đó chúng tôi phải chờ hướng dẫn và như vậy sẽ kéo dài tiến độ, bởi nếu không xác định được giá trị doanh nghiệp thì không thể thực hiện được các bước tiếp theo của quá trình thoái vốn. PVOIL mong muốn các Bộ, ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp về vấn đề này”, Tổng giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương nêu quan điểm.

Thông tin thêm, ông Dương cho hay, sau đợt IPO thành công 20% cổ phần vào tháng 1/2018, PVOIL tiếp tục tìm kiếm đối tác chiến lược bằng cách chào bán 45,4% cổ phần. Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, muốn trở thành cổ đông lớn của PVOIL như SK Energy (Hàn Quốc), Idemitsu (Nhật Bản), Vietjet...

PVOIL đã trình kế hoạch thoái vốn (đã điều chỉnh) lên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để bán 45,4% cổ phần thông qua đấu giá công khai và theo lô. Theo kế hoạch, PVOIL đề xuất lên PVN nhiều phương án trong đó có chia việc bán cổ phần làm 2 đợt; đợt 1 bán 30% và đợt 2 là 15%.

Không chỉ gặp khó trong việc thoái vốn, "ông lớn" bán lẻ xăng dầu này cũng chưa thể chuyển niêm yết sang sàn HoSE.

Theo nhận định mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, có 2 nguyên nhân dẫn đến điều này. Một là ý kiến ngoại trừ của Deloitte liên quan đến giá trị đầu tư ở công ty con PETEC. Hai là công ty có khoản lỗ lũy kế 900 tỷ đồng ở lợi nhuận giữ lại trong quý III/2018. SSI cho rằng những vấn đề này sẽ chưa được giải quyết trước năm 2020.

Năm 2018, doanh thu đạt 57,1 nghìn tỷ đồng (giảm 5% so với năm trước) và lợi nhuận trước thuế là 562 tỷ đồng (tăng 4%), trong đó lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 436 tỷ đồng (tăng 2%).

Một điểm đáng chú ý là PVOIL có khoảng 269 tỷ đồng chi phí bất thường trong năm 2018 cho khoản dự phòng tài chính/khoản phải thu sau khi IPO. Theo Nghị định 126, khoản dự phòng khoản phải thu trong giai đoạn từ 1/1/2016 đến 31/7/2018 phải hoàn nhập cho Chính phủ. Điều này là do công ty vẫn là “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” tại thời điểm đó, khi chưa là công ty đại chúng.

Một thông tin đáng chú ý khác là dòng sản phẩm mới là PVOIL Easy và PVOIL Mobile đã giúp giảm đáng kể chi phí công ty, trong khi vẫn tăng tổng sản lượng tiêu thụ hiệu quả.

PVOIL Easy là sản phẩm mới thiết kế riêng cho các công ty xe tải và vận chuyển. Sản phẩm này sử dụng công nghệ và mã QR không chỉ cho phép nhà phân phối giảm nguồn nhân lực mà còn cung cấp hóa đơn điện tử. Sản lượng tiêu thụ đạt 2.500 tấn trong tháng 12/2018, từ mức 0 vào tháng 2/2018.

PVOIL Mobile cũng là một sản phẩm mới phù hợp với vùng sâu xùng xa. PVOIL mua xe tải với vốn đầu tư ít chở xăng dầu (khoảng 1-1,5 tỷ đồng mỗi chiếc) để tăng tính cơ động và phục vụ các khách hàng ở những nơi không có trạm xăng. Mỗi chiếc xe tải sẽ bán tương đương với sản lượng của một trạm xăng nhỏ. PVOIL gần đây đã có 14 xe tải và có kế hoạch sẽ tăng lên 30 trong năm 2019.

Tin mới lên