Diễn đàn VNF

'Thời điểm quyết định của cuộc chiến thu hút đầu tư'

(VNF) - TS Lê Võ Phương Nga - Giám đốc quản trị rủi ro tài chính tại Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp) cho rằng bây giờ là thời điểm quyết định trong cuộc chiến phân chia lại các công đoạn sản xuất và thu hút nhà đầu tư đến các thị trường tiềm năng bằng các chỉ số quan trọng: kiểm soát tỷ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát (tăng dưới 4%) và dành các quỹ đất ưu đãi cho sản xuất.

'Thời điểm quyết định của cuộc chiến thu hút đầu tư'

TS Lê Võ Phương Nga - Giám đốc quản trị rủi ro tài chính tại Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp).

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo đó, IMF cho biết tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu sẽ chậm lại xuống 3,2% vào năm 2022 từ mức dự báo 3,6% được đưa ra vào tháng 4. IMF giải thích rằng GDP thế giới thực sự giảm trong quý II do suy thoái ở Trung Quốc và Nga. Tổ chức này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 2,9% so với mức ước tính 3,6% của tháng 4, với lý do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF phát biểu tại một cuộc họp báo: “Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng euro đang đình trệ, tác động lớn đối với triển vọng toàn cầu”.

Các tổ chức kinh tế khác cũng tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng. Vào tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay xuống còn 2,9% từ mức 4,1% được đưa ra trong tháng 1. Các chỉ số hàng đầu tổng hợp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cho thấy kinh tế chung sẽ giảm tốc trong những tháng tới.

Những vấn đề như trên sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam, vốn được biết là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới? Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với TS Lê Võ Phương Nga - Giám đốc quản trị rủi ro tài chính tại Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp) đồng thời là Giám đốc tài chính của Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global):

- Những thông tin trên dường như cho thấy kinh tế thế giới đang bước vào suy thoái, bà có nghĩ vậy?

TS Lê Võ Phương Nga: Kinh tế thế giới lẽ ra đang vào giai đoạn vực dậy mạnh mẽ sau thời gian dài bị dồn nén vì đại dịch Covid, tuy nhiên lại đang phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của tình hình xung đột tại Ukraine, kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng, đồng thời với sự bùng nổ của lạm phát.

Vấn đề là khủng hoảng năng lượng và lạm phát cũng như suy thoái kinh tế ở các trụ cột lớn (Nga, Mỹ, châu Âu , Trung Quốc) xảy ra với diễn tiến dồn dập khó đoán. Điều này có nghĩa là nội lực phục hồi kinh tế toàn cầu sau Covid-19 là có, nhưng bị tác động mạnh bởi những ngoại lực nêu trên.

Tuy vậy, phải nói rõ thêm là ảnh hưởng của những vấn đề này và tốc độ phục hồi ở mỗi trụ kinh tế thế giới là khác nhau. Cuộc khủng hoảng năng lượng chẳng hạn, dù có những điểm chung là tác động trên toàn cầu, nhưng cấp độ rất khác nhau, đặc biệt Mỹ hay châu Âu, tùy thuộc vào mức độ phụ thuộc vào cán cân năng lượng với Nga.

Lạm phát cũng ảnh hưởng khác nhau ở các nước, Mỹ khác châu Âu, Trung Quốc và các nước thứ ba khác. Cơ hội tăng trưởng cũng phân hóa sâu sắc. Các nước đang phát triển ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ năng lượng vẫn đang giữ được đà phục hồi tăng trưởng, nhưng lại tiềm ẩn những khó khăn cho thời gian sau đó. Tôi ví điều này như các khoảng khác nhau trên một đường chạy, mà điểm xuất phát và đích đến của các quốc gia rất khác nhau, trong thế trận toàn cầu của khủng hoảng và cuộc đua phục hồi kinh tế.

- Về vấn đề năng lượng, trực tiếp là dầu mỏ và khí đốt, đang làm đảo lộn các nền kinh tế và gây ra các biến động khó lường của các nước châu Âu, bà đánh giá như thế nào như thế nào về tác động của chúng tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam?

Tác động của cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ còn nặng nề hơn dự tính, như kịch bản Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu đã xảy ra hồi đầu tháng 9 đây. Chúng ta đều biết tăng trưởng GDP toàn cầu đang bị kìm hãm do tác động của giá năng lượng và thực phẩm, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, giá cả tiêu dùng liên tục tăng trong thời gian qua, ảnh hưởng tới thu nhập và chi tiêu thực tế, đặc biệt tới những quốc gia và những hộ gia đình dễ chịu tổn thương nhất. Ở nhiều nền kinh tế mới nổi, nguy cơ thiếu lương thực ở mức cao do phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Nga và Ukraine.

Tương tự các dự báo nêu ở phần mở đầu, OECD dự báo nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6% thay vì 4,3% trong báo cáo cuối năm ngoái châu Âu đặc biệt phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng và khí đốt từ Nga nên ảnh hưởng nặng nề hơn so với các khu vực khác.

Phải nói rõ thêm về lạm phát là yếu tố này đã manh nha tồn tại sẵn do một lượng tiền khổng lồ được bơm vào nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Chiến tranh Nga - Ukraine thêm một cú giáng vào tình hình này và tạo nên sự phân hóa: lạm phát ở châu Âu khác với lạm phát ở Mỹ do mức độ phụ thuộc vào năng lượng khí đốt. Đồng EUR đã xuống dưới mức USD vào tuần đầu tháng 9, sau khi Nga tuyên bố sẽ ngừng dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 tới châu Âu. Như vậy có thể nói trong cuộc khủng hoảng năng lượng này, châu Âu đang bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Các nước xuất khẩu nguyên liệu đầu vào và các nước nhập khẩu từ Nga, Ukraine sẽ là những nước bị ảnh hưởng trực tiếp và nhanh nhất. Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp thay thế cho những thiếu hụt trong cán cân thương mại ở những mặt hàng này thì sẽ giữ được một sự độc lập và bình ổn tương đối nhất định, ít nhất trong thời gian này.

- Theo bà, điều gì đang ảnh hưởng tới tiến trình phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại?

Trong tình hình này của thế giới, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát, khiến lãi suất tăng mạnh, cũng gây ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng nhiều hơn ước tính. Cùng với đó là việc điều chỉnh đảo ngược nhanh, mạnh các chính sách tiền tệ, tài khóa của nhiều nền kinh tế lớn và nguy cơ mất ổn định trong đầu tư và hoạt động doanh nghiệp… Ví dụ, trong cuộc họp hôm 8/9 vừa rồi, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất lên mức cao và nhanh nhất (+0,75%) trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng vào mùa đông sắp tới, vật giá tăng cao và những ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Phải nói thêm rằng các giải pháp về lãi suất cũng có tác dụng khác nhau, như đã nói ở trên về nguồn gốc khác nhau của lạm phát ở các khu vực kinh tế, đặc biệt châu Âu và Mỹ - cùng một việc tăng lãi suất nhưng giải pháp ở Mỹ có tác dụng lên lượng tiền lưu thông ngay lập tức, còn với châu Âu việc tăng lãi suất dường như là trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, khó thể có lựa chọn khác: không tăng lãi suất thì sức ép lên tỷ giá đồng euro rất lớn, mà tăng lãi suất thì chưa chắc đã giải quyết được vấn đề lạm phát tạo ra chính bởi khủng hoảng năng lượng và lại tạo sức ép lên tăng trưởng.

Nói về một số biện pháp hữu hiệu, các chính phủ châu Âu đang triển khai các hỗ trợ tài chính có mục tiêu cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá nhiên liệu. Chẳng hạn Đức đã công bố gói trợ cấp trị giá 65 tỷ USD nhằm giảm hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp. Pháp và một số nước châu Âu khác tiếp tục chi nhiều tỷ USD hỗ trợ giảm đơn giá xăng dầu cho người tiêu dùng.

Tóm lại, trong ngắn hạn, các biện pháp tài khóa tạm thời, tức thì sẽ có tác dụng tới một bộ phận dân chúng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong trung và dài hạn, các chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch và chi tiêu quốc phòng và an toàn lương thực để tạo sự bình ổn lâu dài.

- Đâu sẽ là những điểm sáng trong quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới và bà có dự đoán như thế nào về tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm?

Tôi nghĩ rằng kinh tế thế giới sẽ vẫn gặp khó khăn trong năm 2023. Đặc biệt, sau Âu - Mỹ, cú sốc có thể lan ra một cách đột ngột và chạm đến những nền kinh tế đang phát triển. Rủi ro vẫn tiềm ẩn từ những căng thẳng khu vực khác và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc

Giá điện, khí đốt, lạm phát trên thế giới có khả năng đạt đỉnh trong năm 2022, đầu năm 2023 trước khi giảm dần và ổn định từ cuối năm 2023. EU đang tính toán việc tách rời giá điện và giá khí đốt, hiện đang được tính theo cách cận biên (mức cao nhất là mức điện sản xuất từ khí đốt, trong khi năng lượng tái tạo có giá rẻ hơn), thiết lập một thị trường song song cho năng lượng phát bằng khí đốt, tách biệt hoàn toàn với thị trường điện hiện tại.

Việc này có thể tạo ra một cái nhìn bình ổn hơn về lạm phát. Giá khí đốt tăng cao cũng sẽ tạo động lực tài chính để người dân và doanh nghiệp giảm tiêu thụ loại nhiên liệu này và tiến nhanh hơn tới các nhiên liệu tái tạo.

Cá nhân tôi thì vẫn thấy sức bật tiềm tàng của các doanh nghiệp, chỉ cần một vài cú hích như: các thỏa thuận để chiến tranh lắng xuống, điều kiện về nguyên liệu đầu vào tốt hơn, lạm phát qua đỉnh… thì các nền kinh tế sẽ ngược dòng trở lại. Nên trong bức tranh ảm dạm của nền kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 và chiến tranh hiện tại, tôi lại tin vào sức bật nội tại như lò xo dồn nén lâu ngày của các nền kinh tế.

- Những điều này sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam, thưa bà?

Về thời điểm hiện tại, năm 2022, thực tế thì chúng ta đang thấy rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng của thế giới bị ảnh hưởng, giảm nhiều sau 2 năm Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang trên đà mạnh mẽ, GDP nửa đầu 2022 tăng ở mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2021 (6,42%).

Như đã nói ở trên, nguyên nhân là Việt Nam không nằm trong những nước chịu ảnh hưởng tức thì của việc phụ thuộc vào nguyên liệu và nhập khẩu lương thực từ những nước xung đột. Tuy nhiên theo tôi đây là điểm tăng trưởng nóng trong ngắn hạn, chứ ko phải dài hạn. Khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đà tăng trưởng của kinh tế trong nước chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại hơn, nhất là trong năm 2023.

Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. (trích Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023). Những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam có thể gia tăng, nhất là áp lực lạm phát, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu, xung đột, diễn biến dịch bệnh tiếp tục...

Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phục hồi nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào… Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rộng, quy mô lại khiêm tốn, nên khả năng chống chịu vẫn còn bị giới hạn. Các biến động ở bên ngoài bằng cách này hay cách khác có thể tác động lớn đến trong nước.

- Theo bà, đâu sẽ là những động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Nâng cao sự tự cường của nền kinh tế Việt Nam trong thế giới đầy biến động - đây cũng là khuyến nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới đưa ra cho Việt Nam mà tôi rất đồng tình, nhằm đối phó với sự biến đổi khó lường của kinh tế thế giới. Việt Nam đã có sự tự cường rất cao để đảm bảo được cân đối của nền kinh tế trong thời gian qua.

Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam vẫn phải tăng cường sự tự cường của nền kinh tế, đặc biệt thúc đẩy kế hoạch phát triển sản xuất trong nước, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Về lương thực, Việt Nam đã làm khá tốt. Vấn đề còn lại là cần phải thực hiện những chiến lược phát triển ngành năng lượng có hiệu quả cao và an ninh năng lượng.

- Thách thức luôn đi kèm với các rủi ro, vậy rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam là gì?

Ở thời điểm hiện tại, các rủi ro của Việt Nam sẽ là việc thu hút FDI đang gặp nhiều khó khăn; xuất khẩu cũng đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Âu - Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

- Bà có khuyến nghị như thế nào với Việt Nam để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững?

Diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh, có trọng tâm, hiệu quả, kịp thời. Đầu tiên, các ngân hàng cần tập trung vốn cho phục hồi kinh tế, nới room tín dụng, nhưng phải tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như năng lượng và lương thực như đã nói ở trên, song song với việc đẩy tiếp công nghiệp và dịch vụ. Ở góc độ vi mô doanh nghiệp cần quan tâm hơn về đa dạng hóa nguồn vốn và kiểm soát rủi ro nhất là rủi ro về tỷ giá, lãi suất.

Tiếp đến là thu hút đầu tư. Đây thực sự là thời điểm quyết định trong cuộc chiến phân chia lại các công đoạn sản xuất và thu hút nhà đầu tư đến các thị trường tiềm năng bằng các chỉ số quan trọng: kiểm soát tỷ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát (tăng dưới 4%) và dành các quỹ đất ưu đãi cho sản xuất. Có thể thấy trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn thì vốn điều chỉnh tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ đà tăng trong nửa đầu năm 2022, vì phần lớn các yếu tố trên được Việt Nam kiểm soát tốt.

Về tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, tôi cho rằng có sự tương phản, một mặt rất lo ngại vì những viễn cảnh màu xám của các nền kinh tế, nhưng một mặt lại sẵn sàng tác chiến khi có những điểm sáng: lạm phát chững lại, giá dầu được kiểm soát, số lượng việc làm tăng… nên cá nhân tôi thì vẫn tin vào những thời cơ hơn là vào bức tranh ảm đạm kéo dài. Việt Nam cần tận dụng cợ hội khi các nhà đầu tư đang lưỡng lự để tạo ra những điểm sáng cuốn hút họ đến: tăng trưởng tốt nhưng bền, cơ chế tiếp tục cởi mở, tỷ giá được bảo đảm và lạm phát trong tầm kiểm soát.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên