Thị trường

Thời gian 'lướt' mạng mỗi ngày của thanh niên Việt cao gấp 3 lần các nước ASEAN

(VNF) - Như vậy, với tỷ lệ 4 tỷ người vẫn chưa được tiếp cận internet trên thế giới thì số lượng thời gian sử dụng, truy cập internet của giới trẻ Việt Nam là khá cao.

Thời gian 'lướt' mạng mỗi ngày của thanh niên Việt cao gấp 3 lần các nước ASEAN

Tỷ lệ giới trẻ truy cập internet cao cho thấy tiềm năng phát triển công nghệ số tại Việt Nam là rất lớn.

Tại hội thảo công bố "Báo cáo Phát triển thế giới 2016: Lợi ích số" do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 14/3, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, thanh niên Việt Nam trung bình dành mỗi ngày 5,5 giờ trên mạng internet, cao gấp 3 lần so với con số tại các nước trong ASEAN.

"Con số này cho thấy tiềm năng phát triển công nghệ số tại Việt Nam là rất lớn", Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định.

Ngoài ra, thanh niên Việt Nam trong độ tuổi từ 18 - 35 đều có và sử dụng smartphone thành thạo để kết nối internet. Điều này đã tạo nên cơ hội phát triển bùng nổ các ứng dụng OTT trên Internet thời gian qua tại Việt Nam.

Theo báo cáo "Lợi ích số" của WB, tuy số người dùng internet toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2005 nhưng vẫn còn 4 tỷ người chưa có internet; 6 tỷ người không sử dụng băng thông rộng; 2 tỷ người không có điện thoại di động; 0,4 tỷ người không nằm trong vùng phủ sóng.

Với tỷ lệ 4 tỷ người vẫn chưa được tiếp cận internet trên thế giới thì số lượng thời gian sử dụng, truy cập internet của giới trẻ Việt Nam được xem là khá cao.

Chủ tịch FPT cũng đưa ra dẫn chứng khẳng định thêm tiềm năng này khi Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1 thị trường gia công dịch vụ thế giới (outsourcing) và đang đứng thứ 2 sau Trung Quốc và Nhật Bản, vượt qua Ấn Độ về phát triển phần mềm. Nhiều quỹ đầu tư đang nhắm tới Việt Nam và xem đây là mảnh đất màu mỡ để phát triển công nghệ phần mềm.

Tuy nhiên, Chủ tịch FPT cho rằng, để thu hút các quỹ đầu tư vào Việt Nam thì chính sách cũng cần thay đổi như cơ chế thành lập công ty phải thuận lợi hơn. "Tốc độ là rất quan trọng trong thời gian công nghệ số hiện nay", ông Bình nói.

Khẳng định vai trò không thể thiếu của công nghệ số, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng phải tìm mọi cách để phát triển công nghệ số.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những lợi ích mà công nghệ số đem lại như góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sức người, tăng cường chất lượng quản lý sản xuất, dịch vụ,… Đặc biệt là giúp từng người, từng nhóm người, nhất là nhóm người hay bị thua thiệt, yếu thế cũng được chia sẻ, thụ hưởng, đóng góp vào thành tựu chung của nhân loại.

Dù bày tỏ quan ngại về những mặt trái của công nghệ nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, "mặt trái đó không phải do công nghệ mà do người sử dụng công nghệ". Do vậy, không lý gì vì tác động mặt trái mà kìm hãm công nghệ số, mà phải tìm mọi cách để phát triển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Nhà nước phải đưa ra một môi trường pháp lý bởi công nghệ không thể tự phát triển tốt nếu không có môi trường tốt".

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Đến nay, khu vực công của một số nơi chưa đủ năng lực để thực hiện dự án đầy hoài bão về công nghệ số. Do vậy, sẽ cần có những chương trình nghị sự lớn thúc đẩy cải cách trong môi trường kinh doanh, nâng cao kỹ năng quản trị hiệu quả".

"Đây là điều Việt Nam cần tính tới. Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan có thể nghiên cứu báo cáo của Ngân hàng Thế giới để đem lại lợi ích cho người dân", Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề xuất.

Tin mới lên