Ngân hàng

Thống đốc NHNN: Giới hạn xử lý nợ xấu sẽ tạo cơ chế không đồng bộ

(VNF) - "Việc chỉ xử lý nợ xấu đến thời điểm phạm vi nhất định thì cũng tạo cơ chế không được đồng bộ. Vì một tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu thì xử lý được theo quy định của nghị quyết nhưng cũng có khoản nợ xấu lại thực hiện theo các quy định khác của pháp luật thì rất vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong việc tổ chức thực hiện trên thực tế", Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá.

Thống đốc NHNN: Giới hạn xử lý nợ xấu sẽ tạo cơ chế không đồng bộ

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Trong phiên họp Quốc hội ngày 7/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã đăng đàn giải trình các vấn đề liên quan đến Nghị quyết xử lý nợ xấu.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong đề án xử lý nợ xấu, NHNN đã đề ra giải pháp định hướng rất rõ, một mặt xử lý nợ xấu nhưng mặt khác ngăn ngừa các nợ xấu phát sinh.

"Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu là bổ sung trong dự thảo nghị quyết là không sử dụng ngân sách nhà nước, bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và làm trái quy định pháp luật gây ra nợ xấu và tổn thất cho hoạt động của ngân hàng", Thống đốc NHNN cho biết.

Cùng với đó, NHNN cũng tiếp thu bổ sung khái niệm về nợ xấu, tiếp thu và quy định rõ ràng đã bổ sung một phụ lục về xác định nợ xấu đính kèm nghị quyết đảm bảo rõ ràng minh bạch và bổ sung các quy định về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi phụ lục này theo đề nghị của Chính phủ.

Liên quan đến một số vấn đề lớn mà nhiều đại biểu có nêu về phạm vi nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, việc giới hạn phạm vi nợ xấu được xử lý theo quy định tại nghị quyết chỉ gồm nợ xấu hiện tại sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mà xử lý triệt để và toàn diện nợ xấu.

Theo Thống đốc, tính đến 31/12/2016  thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm khoảng 5,8%. Nếu tính toàn bộ các khoản nợ về bản chất là nợ xấu thì khoảng 10,08%.

Trong khi đó, nợ xấu luôn tiềm ẩn và phát sinh hằng ngày với hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, về bản chất, hoạt động của các tổ chức tín dụng rất dễ rủi ro và xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

"Tính trung bình thì chúng tôi đánh giá trong những năm qua thì nợ xấu phát sinh hằng năm là từ 1,3% - 1,5% phát sinh thêm", Thống đốc NHNN cho hay.

Thống đốc lý giải thêm, một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tiếp tục gia tăng là các khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành. Nếu nghị quyết mà có cơ chế về mặt pháp lý để tháo gỡ những khó khăn hiện tại thì mới đủ cơ sở cũng như phạm vi về thời gian để chúng ta có thể xử lý một cách triệt để các khoản nợ xấu và các khoản nợ mà theo đánh giá về bản chất là nợ xấu khi đến hạn.

"Việc chỉ xử lý nợ xấu đến thời điểm phạm vi nhất định thì cũng tạo cơ chế không được đồng bộ. Vì một tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu thì xử lý được theo quy định của nghị quyết nhưng cũng có khoản nợ xấu lại thực hiện theo các quy định khác của pháp luật thì rất vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong việc tổ chức thực hiện trên thực tế", Thống đốc Lê Minh Hưng đánh giá.

Tin mới lên