Tài chính quốc tế

Thu hồi ôtô tốn kém, đồng yên Nhật mạnh, cổ phiếu Honda sụt 19%

(VNF) - Các đợt thu hồi ô tô tốn kém và đồng yên Nhật mạnh hơn là nguyên nhân khiến cho giá cổ phiếu của Honda sụt giảm 19% từ đầu năm đến nay.

Thu hồi ôtô tốn kém, đồng yên Nhật mạnh, cổ phiếu Honda sụt 19%

Mùa thu vừa qua, Honda đã tổ chức sự kiện ra mắt chiếc sedan Civic 2016 được thiết kế lại tại nhà máy ở Greensburg, bang Indiana, Mỹ, nơi hãng xe này đã đầu tư 97 triệu USD vào việc nâng cấp trong 3 năm qua. 6 ngày trước khi diễn ra sự kiện, một động cơ của chiếc Civic mới đã bị tắt trong lúc kiểm tra chất lượng.

Đến đầu tháng 1/2016, thêm 3 động cơ nữa có vấn đề và 1 động cơ khác bị hỏng tại một cơ sở sản xuất của Honda ở phía Bắc Toronto, Canada. Có thêm nhiều báo cáo gửi lên về việc các động cơ bị tắt, dẫn đến hỏa hoạn và một người được cho là bị thương, theo các hồ sơ Honda gửi lên cơ quan quản lý Mỹ. Đến cuối tháng, Honda đã phải thu hồi 53.000 chiếc xe.

Civic là mẫu xe bán chạy nhất của Honda và cú sơ sẩy này là một bước lùi lớn đối với hãng xe và vị Tổng Giám đốc mới Takahiro Hachigo. Kể từ khi lèo lái hãng xe Nhật vào tháng 6 năm ngoái, vị kỹ sư 56 tuổi này và là vị cứu tinh của Honda đã phải đảm bảo với các nhà phân tích, các đại lý và người tiêu dùng rằng những vụ thu hồi xe liên tiếp trong những năm gần đây có liên quan đến lỗi túi khí do Công ty Takata sản xuất và các vấn đề khác về kiểm soát chất lượng là chuyện quá khứ.

Ông Takahiro Hachigo cho rằng nhiều trong số những thách thức trên có căn nguyên từ cơ cấu tổ chức phức tạp và thiếu giao tiếp giữa các phòng ban, bộ phận trong nội bộ Honda. "Chúng tôi cần cải thiện điều đó", ông nói.

Dưới thời người tiền nhiệm Takanobu Ito, Honda đã đặt một mục tiêu tham vọng vào năm 2012 sẽ tăng gấp đôi lượng xe bán ra lên tới 6 triệu chiếc vào tháng 3/2017. Để đạt mục tiêu này, Honda đã xây dựng các nhà máy ở Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan và đẩy nhanh quá trình phát triển các sản phẩm, đặt ra những yêu cầu lớn cho các kỹ sư của mình.

"Văn hóa của Honda từng cởi mở hơn và thoải mái hơn" và các kỹ sư có nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch và kiểm tra sản phẩm, "nhưng bây giờ với quá nhiều phát triển công nghệ mới được yêu cầu phải mang tính cạnh tranh trên thị trường - như xe chạy bằng điện và xe không người lái - thực sự là có quá nhiều trọng trách đang đè nặng lên đôi vai họ", Noburu Sato, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nagoya, nhận xét. Ông từng là kỹ sư tại Honda trong 26 năm và đã viết một cuốn sách về hãng xe Nhật này.

Các chiếc subcompact Vezel và Fit của Honda đã nhiều lần bị thu hồi trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2014, vì những lỗi ở hộp truyền động và động cơ mà những lỗi này cứ lặp đi lặp lại. Hãng xe cho biết Công ty cũng đang thay hơn 30 triệu bơm túi khí Takata, vốn có thể bị nứt vỡ và bắn các mảnh vỡ nhựa và kim loại vào người hành khách, sau các sự cố khiến cho ít nhất 9 người tử vong.

Các đợt thu hồi ô tô tốn kém và đồng yên Nhật mạnh hơn đã góp phần khiến cho giá cổ phiếu của Honda sụt giảm 19% từ đầu năm đến nay. Thị phần của Honda tại Mỹ giờ thấp hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với năm 2009, trong khi tại Nhật, Honda cũng đã mất thị phần vào tay các đối thủ Toyota và Nissan. Honda dự kiến lượng xe bán ra sẽ tăng 8% lên 4,7 triệu chiếc trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31.3.2016.

Hachigo dự định sẽ thúc đẩy cái mà ông gọi là một "cuộc thay đổi mang tính căn cơ". Ông đã tái sắp xếp dàn quản lý cấp cao và đang củng cố trách nhiệm đối với việc lên kế hoạch, phát triển và đánh giá sản phẩm. "Chúng tôi đã trao trả lại toàn quyền kiểm soát cho bộ phận nghiên cứu và phát triển, chỉ định những người chịu trách nhiệm lên kế hoạch một sản phẩm nào đó và gia tăng năng lực cạnh tranh", ông cho biết.

Hachigo đã ngưng các mục tiêu về lượng xe bán ra mà người tiền nhiệm trước đó đã đặt ra và ông cũng đang làm chậm lại mọi thứ để kiểm soát chất lượng tốt hơn. Takehiro Kono, đang quản lý một nhà máy của Honda ở Yorii, phía Bắc Tokyo, cho biết Công ty đã tăng cường việc kiểm tra chất lượng đối với chiếc Fit và chiếc Vezel được sản xuất tại đó. "Thời gian từ lúc bắt đầu cho đến lúc tung ra một chiếc xe mới cũng đã kéo dài hơn", Kono nói.

Honda cũng đang đánh giá lại mạng lưới sản xuất toàn cầu và dự kiến sẽ chuyển một phần sản xuất trở lại nước Nhật từ các thị trường mà những chiếc xe này được bán ra. "Sản xuất một mẫu xe toàn cầu tốt thì hiệu quả hơn là ra mắt một số phiên bản khác nhau cho mỗi thị trường khu vực", Hachigo nói. Để tiết kiệm trong bối cảnh đồng yen rẻ hơn, Honda sẽ bắt đầu xuất khẩu chiếc sedan Accord Hybrid từ Nhật sang Bắc Mỹ lần đầu tiên trong năm nay và cũng đang xem xét xuất khẩu chiếc Civic và dòng xe thể thao CR-V.

Để phục hồi doanh số bán, Hachigo đang trông cậy vào nhiều mẫu xe mới trong đó có chiếc xe bán tải được thiết kế lại Ridgeline, chiếc CR-V và dòng minivan Odyssey ở Bắc Mỹ. Ông đặt nhiều kỳ vọng đối với chiếc SUV hạng sang Acura được sản xuất trong nước tại Trung Quốc và chiếc minivan Freed ở Nhật. Công ty dự định sẽ tăng lượng sản xuất nội địa 30% lên tới khoảng 950.000 chiếc vào năm 2020.

Những mẫu xe xanh sẽ đóng vai trò nòng cốt trong các kế hoạch của Hachigo. Sau khi chiếc sedan chạy pin nhiên liệu Clarity được đưa ra thị trường vào cuối năm nay, một phiên bản xe lai cắm sạc được phát triển trên cùng khung xe sẽ ra mắt vào năm 2018. Vào khoảng năm 2030, 2/3 lượng xe Honda bán ra sẽ là dòng xe lai, xe cắm sạc hoặc xe chạy bằng pin nhiêu liệu, Hachigo cho biết.

Dẫu vậy, theo Takashi Aoki, một nhà quản lý quỹ tại công ty quản lý tài sản Mizuho Asset Managent, Takata vẫn là một mối quan ngại lớn. "Rất khó để nói rằng tin xấu đã qua đi", ông nói. Về vụ thu hồi chiếc Civic 2016, Hachigo không quá coi trọng vấn đề này khi nói rằng các phụ tùng thay thế đã có sẵn và việc sửa chữa có thể bắt đầu được. Ông cũng nói Công ty đã thực hiện các biện pháp để ngăn lỗi xảy ra lần nữa.

Tốc độ bành trướng của Honda "đã quá nhanh và điều đó đã làm tăng khối lượng công việc tại trung tâm nghiên cứu và các nhà máy. Ưu tiên hàng đầu của tôi là thay đổi điều đó", Hachigo nói .

Tin mới lên