Tài chính

Thu hơn 3.200 tỷ đồng từ thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong năm 2017

(VNF) – Theo báo cáo "Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2017" của Bộ Tài chính, trong năm 2017, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước đã thoái được 182 tỷ đồng, thu về 292 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm; thoái được 1.803 tỷ đồng, thu về 2.953 tỷ đồng tại các lĩnh vực khác; tổng cộng thu về 3.245 tỷ đồng.

Thu hơn 3.200 tỷ đồng từ thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong năm 2017

Năm 2017, Nhà nước thu về hơn 3.200 tỷ đồng từ thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Trong năm 2017, Bộ Tài chính cho biết đã có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 8 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017 và 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018.

Đối với việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc SCIC quản lý, Bộ Tài chính cho biết năm qua SCIC đã bán vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị là 1.903 tỷ đồng, thu về 21.639 tỷ đồng (gồm cả số thoái của Vinamilk trong năm 2016 với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng và thoái trong năm 2017 với giá trị sổ sách là 247 tỷ đồng, thu về 8.990 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Bộ, dù đã đạt được một số thành tựu nhưng việc thực hiện cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm, chưa đạt tiến độ, kế hoạch đề ra.

Cụ thể, Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của một số Tập đoàn, tổng công ty lớn vẫn chưa ban hành; tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các quyết nghị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn bị động, chưa quyết liệt, gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2017 của cả nước.

Ngoài ra, công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa vẫn chưa thực hiện nghiêm túc (có tới 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán); chậm chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng để phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng nội dung quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg.

Đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 và những năm tiếp theo, lãnh đạo doanh nghiệp cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.

Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, chủ động xử lý các vấn đề về tài chính, lao động trước khi cổ phần hóa theo quy định, xác định thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu tăng cường vai trò giám sát đối với doanh nghiệp; cơ quan giám sát, doanh nghiệp cùng có trách nhiệm thực hiện công khai hóa các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư cùng doanh nghiệp…

Tin mới lên