Tài chính quốc tế

Thu hút FDI: Cần ưu đãi thuế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn

Đã đến lúc cần đánh giá lại một cách tổng thể các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp FDI để điều chỉnh cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Thu hút FDI: Cần ưu đãi thuế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn

PGS.TS Lê Xuân Trường.

Trả lời báo Hải quan, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính đã nêu quan điểm xung quanh vấn đề này. Ông Trường nói:

"Trước hết, tôi cho rằng, trước năm 2004, chính sách ưu đãi tài chính có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, kể từ năm 2004, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là coi trọng cả nguồn vốn FDI và vốn trong nước nên các chính sách ưu đãi tài chính đã dần chuyển đổi theo hướng áp dụng bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp.

Để đánh giá chính xác và toàn diện cần thực hiện khảo sát đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, từ các động thái của các nhà đầu tư, phản ứng của thị trường và diễn biến nền kinh tế những năm qua có thể thấy, chính sách ưu đãi tài chính đã tạo môi trường pháp lý bình đẳng trong sản xuất kinh doanh để cùng cạnh tranh và phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, qua đó, góp phần thu hút cả vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu và tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

Chính sách ưu đãi tài chính, đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và phát huy các lợi thế so sánh của đất nước. Bên cạnh các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI rất lớn ở trong nước. Nhiều tập đoàn lớn nổi tiếng trên thế giới đã đầu tư trọng điểm ở Việt Nam như Samsung, Toyota, Honda, Mitsubishi…

Doanh nghiệp FDI có vốn FDI đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu. Xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (năm 2017 chiếm tới 72,6%). Cùng với đó là đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Năm 2012, khu vực FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước (chưa kể thu từ dầu thô) hơn 83 nghìn tỷ đồng, năm 2013 hơn 111 nghìn tỷ đồng, năm 2014 hơn 123 nghìn tỷ đồng, năm 2015 hơn 140 nghìn tỷ đồng, đến năm 2016 là 161 nghìn tỷ đồng, chiếm 19% tổng thu ngân sách nhà nước và đến năm 2017 chiếm 14,5% tổng thu ngân sách nhà nước.

- Có thể thấy, những chính sách ưu đãi đã mang lại cho Việt Nam khá nhiều “lợi nhuận”. Tuy vậy, bất cập chắc hẳn vẫn tồn tại. Theo ông, đó là gì?

Ông Lê Xuân Trường: Đúng thế, chính sách ưu đãi tài chính nói chung và ưu đãi thuế nói riêng vẫn còn một số bất cập cần điều chỉnh để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là: Mức ưu đãi cao, diện ưu đãi còn rộng (đặc biệt là ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp) và dàn trải làm suy giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước đang rất thiếu để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, mặc dù chính sách ưu đãi thuế áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, tuy nhiên trong thực tế, khu vực kinh tế FDI đang được hưởng nhiều hơn từ chính sách ưu đãi tài chính thể hiện ở tỷ trọng về số thuế Thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng số thuế Thu nhập doanh nghiệp được miễn giảm của doanh nghiệp cả nước lên đến 76% và tỷ lệ về số thuế Thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng số thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước là 4,6% và của ngoài quốc doanh là 14%.

Việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý, dễ tạo sơ hở để doanh nghiệp lợi dụng tránh thuế, chuyển giá và trốn thuế.

Đặc biệt, ưu đãi thuế theo địa bàn đầu tư ít phát huy tác dụng trong thực tế mà lại tạo ra điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giá, tránh thuế và trốn thuế.

- Dưới góc độ của một chuyên gia, theo ông, thời gian tới, Bộ Tài chính cần điều chỉnh những chính sách này như thế nào để thu hút vốn tốt hơn và khắc phục những bất cập hiện có?

Xuất phát từ những bất cập trong chính sách ưu đãi tài chính nói trên, cần điều chỉnh chính sách này theo các hướng cơ bản sau:

Một là, cần thu hẹp diện ưu đãi thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, chỉ nên tập trung ưu đãi thuế đối với một số ít ngành, lĩnh vực rất quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước, các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, lĩnh vực xã hội hóa, công nghệ, môi trường và liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nên loại bỏ các ưu đãi thuế để thực hiện chính sách xã hội (chuyển sang thực hiện chính sách xã hội bằng công cụ tài chính khác); loại bỏ các ưu đãi “thừa”, chẳng hạn như ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp.

Hai là, nên lựa chọn những hình thức ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn. Theo đó, nên giảm bớt đối tượng được áp dụng hình thức miễn thuế, giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp có thời hạn và giảm bớt thời gian miễn thuế, giảm thuế.

Ba là, thống nhất toàn bộ các ưu đãi thuế vào pháp luật, không quy định ưu đãi thuế ở các luật chuyên ngành khác để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch của pháp luật.

Bốn là, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai theo hướng rà soát lại các ưu đãi về đất đai để đảm bảo tính đồng bộ giữa pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư và các chính sách khác của Nhà nước. Đồng thời, cần xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi về đất đai để ưu đãi của Nhà nước đến được trực tiếp với người được thụ hưởng.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên