Thị trường

Thu 'phí xem phim' không khác gì tăng thuế VAT với toàn bộ ngành điện ảnh

(VNF) – Theo quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc lấy một phần doanh thu của các rạp chiếu phim để lập “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh” không khác gì đặt thêm một khoản thuế mới đối với ngành công nghiệp điện ảnh

Thu 'phí xem phim' không khác gì tăng thuế VAT với toàn bộ ngành điện ảnh

VCCI cho rằng thu phí xem phim không khác gì tăng thuế VAT với toàn bộ ngành điện ảnh

VCCI mới đây đã có văn bản góp ý đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trong văn bản này, VCCI đã phê phán mạnh mẽ đề xuất lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Theo VCCI, việc thu tiền từ doanh thu chiếu phim, doanh thu của các doanh nghiệp phổ biến phim qua internet để tạo nguồn thu cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ khiến các phòng chiếu buộc phải đẩy chi phí này vào giá bán vé cho người xem, kết quả là giá vé xem phim sẽ tăng.

Nếu giả sử quỹ thu từ 1-3% doanh thu bán vé, với mỗi vé xem phim có giá từ 30.000 – 100.000 đồng thì mỗi người đi xem phim sẽ phải chịu chi phí tăng thêm từ 300 đồng đến 3.000 đồng.

“Đối với người xem phim thì đây không khác gì việc tăng thuế VAT đối với toàn bộ việc sản xuất, phổ biến phim từ 10% lên 11- 13%”, VCCI nhận xét.

VCCI cho rằng trong bối cảnh hoạt động điện ảnh được khuyến khích thì chính sách này lại làm tăng giá thành, tăng chi phí, tăng giá cả của loại hình dịch vụ này, đi ngược lại với chính sách chung.

Liên quan đến tài chính, VCCI cũng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bãi bỏ các quy định về đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Nguyên do là điện ảnh vốn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, đầu tư cho sản xuất phim về phương diện nào đó không khác gì đầu tư mạo hiểm. Ngân sách nhà nước không nên được sử dụng để đầu tư cho những lĩnh vực nhiều rủi ro và không đo đếm cụ thể được hiệu quả như vậy.

Một góp ý quan trọng khác của VCCI là việc thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim. Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp.

Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch…

Theo VCCI, cơ chế kiểm duyệt đối với phim hiện nay đang có 2 vấn đề bất cập. Thứ nhất là độc quyền về kiểm duyệt phim. Theo Luật Điện ảnh trước đây, việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định quốc gia tiến hành. Từ năm 2010 đã cho phép một số địa phương thẩm định và phổ biến phim, nhưng đây chỉ là sự phân cấp quản lý, chứ chưa phải là sự cạnh tranh, nhà làm phim vẫn chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt phim của mình.

Hơn nữa, về lâu dài, việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả.

“Nếu giả sử một hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim. Kể cả khi thành lập thêm các hội đồng ở Hà Nội và TP. HCM thì cũng chỉ lên đến 2.160 phim mỗi năm. Đây sẽ là những con số hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới. So sánh với lĩnh vực xuất bản cũng sẽ thấy, năm 2018 Việt Nam có 32.000 đầu sách được xuất bản. Điều này sẽ không thể có được nếu cơ chế kiểm duyệt sách cũng dựa vào những hội đồng độc quyền như lĩnh vực điện ảnh”, VCCI bình luận.

Do đó, VCCI đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim.

Cụ thể, Luật Điện ảnh nên đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim.

Luật Điện ảnh giao cho Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để kiểm duyệt phim. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim.

Phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận. Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.

“Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế. Việc chuyển từ cơ chế nhà nước độc quyền kiểm định hàng hoá sang cơ chế uỷ quyền cho nhiều đơn vị tư nhân có quyền kiểm định và nhà nước giám sát chặt chẽ đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm…’, VCCI gợi ý.

Tin mới lên