Tài chính

Thu thuế xuất nhập khẩu đang chịu nhiều áp lực

Ngành hải quan cho biết để đạt mức thu thuế xuất nhập khẩu giao của cả năm là 293.000 tỷ đồng, ngành đang gặp không ít thách thức, nhất là khi nguồn thu từ xăng dầu những tháng cuối năm đang sụt giảm mạnh.

Thu thuế xuất nhập khẩu đang chịu nhiều áp lực

Nguồn thu xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng do giảm thu trực tiếp từ các hiệp định tự do thương mại. (Ảnh minh hoạ)

Ông Lưu Mạnh Tưởng - Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) trong 7 tháng năm 2018 đạt được hơn 172.000 tỷ đồng, đạt hơn 60% dự toán, đạt hơn 58% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên để thu đạt chỉ tiêu phấn đấu của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính giao là 293.000 tỷ đồng, ngành hải quan phải gặp không ít thách thức.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn thu tiếp tục chịu ảnh hưởng do giảm thu trực tiếp từ các hiệp định tự do thương mại, thuế suất của nhiều mặt hàng đóng góp số thu lớn như ô tô, sắt thép... giảm mạnh, có mặt hàng về 0%.

Bên cạnh đó, nguồn thu thuế XNK sẽ chịu ảnh hưởng của hoạt động buôn bán mặt hàng xăng dầu. Từ tháng 8/2018, Petrolimex hầu như không nhập khẩu xăng dầu do bao tiêu sản phẩm sản xuất ra từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Vì vậy theo tính toán của Tổng cục Hải quan, thu từ xăng dầu các tháng cuối năm dự kiến giảm mạnh. Thực tế, tháng 7 lượng xăng nhập khẩu đã giảm 42% so với tháng 6, dẫn tới giảm thu thuế XNK khoảng 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự báo từ tháng 7 đến hết năm nay, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp ra thị trường 3,99 triệu tấn xăng dầu thành phẩm. Do vậy sẽ làm giảm lượng xăng dầu nhập khẩu tương ứng và làm giảm thu từ hoạt động nhập khẩu mặt hàng xăng dầu khoảng 15.000 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế Xuất nhập khẩu, số thu thuế XNK trong những tháng cuối năm còn chịu nhiều áp lực khi các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đều tới giai đoạn cắt giảm sâu, mặc dù kim ngạch XNK hàng hóa của nước ta vẫn tăng trưởng mạnh (tốc độ tăng hơn 12% so với cùng kỳ).

Cụ thể: Theo FTAs ASEAN (ATIGA), có đến trên 90% dòng hàng có thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống 0%. Giảm mạnh nhất là một số mặt hàng có số thu lớn, thuế suất cao như: ô tô từ 30% xuống 0%; linh kiện phụ tùng từ 5% và 20% xuống 0%; sắt thép 5% xuống 0%… Do đó, dự kiến giảm thu từ FTAs 6 tháng đầu năm khoảng 14.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số cục hải quan đóng góp số thu lớn đứng top 5 của ngành, như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng... đang gặp khó khăn. Lý giải về số thu của TP. HCM, Hà Nội và Hải Phòng giảm, ảnh hưởng đến tiến độ thu của toàn ngành, đại diện Tổng cục Hải quan cho hay nguồn thu từ mặt hàng ô tô sụt giảm do trong 7 tháng đầu năm, tổng lượng ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu, có trên 80% xe có xuất xứ từ các nước ASEAN với thuế suất 0%. Nghị định 116/NĐ-CP làm cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong 7 tháng qua chưa xin được giấy phép nên lượng xe ô tô giảm mạnh, dẫn đến thuế XNK giảm mạnh.

Vì vậy theo ông Lưu Mạnh Tưởng, để tăng nguồn thu, các đơn vị trên cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả các chương trình cải cách, hiện đại hóa; thu thuế điện tử và thông quan 24/7, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP thì sẽ thu hút doanh nghiệp gia tăng hoạt động XNK, qua đó tăng thu ngân sách.

Tin mới lên