Tiêu điểm

Thứ trưởng Bộ Công Thương: 'Không nghĩ đến chuyện tăng giá điện, nếu giảm được thêm thì rất tốt'

(VNF) - Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, người dân trước ảnh hưởng to lớn của đại dịch, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ không nghĩ đến chuyện tăng giá điện trong năm 2021. Đồng thời Bộ mong muốn sẽ tiếp tục giảm giá điện trong thời gian tới, tuy nhiên cần làm việc cụ thể với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: 'Không nghĩ đến chuyện tăng giá điện, nếu giảm được thêm thì rất tốt'

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Không nghĩ đến chuyện tăng giá điện, nếu giảm được thêm thì rất tốt

Thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/9, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Công Thương không nghĩ đến chuyện sẽ tăng giá điện và khẳng định Bộ chưa có bất kỳ đề xuất nào liên quan đến việc tăng giá điện trong năm 2021.

Ông Hải cũng cho hay: "Trước đó đã có 5 lần thực hiện giảm giá điện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trước những ảnh hưởng của dịch bệnh. Liệu có tiếp tục giảm giá điện thêm nữa hay không thì phía Bộ Công Thương cần làm việc cụ thể với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước".

Theo ông Hải, EVN có vai trò là doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm hoạch toán, chịu trách nhiệm theo luật doanh nghiệp, còn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước có vai trò là chủ sở hữu. Bộ Công Thương với vai trò là quản lý nhà nước sẽ cố gắng chia sẻ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

"Nếu làm được gì để hỗ trợ cho cộng đồng chúng tôi sẽ thực hiện hết lòng. Đối với giảm giá điện, tôi cho rằng nếu giảm được thêm sẽ là rất tốt", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Giải đáp thêm về vấn đề này, ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết công tác điều hành giá bán điện trong thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định của Luật Điện lực và Quyết định của Thủ tướng (Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ bình quân; Quyết định số 34/2017 về mức bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định 28/2014 quy định về cơ cấu giá bán lẻ điện).

“Trong năm 2021 và 2022, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện Quyết định 24/2017 của Thủ tướng và sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh điện, biến động phụ tải hệ thống điện cũng như các thông số đầu vào của tất cả các khâu như khâu truyền tải điện, quản lý ngành, để thực hiện giá điện theo đúng quy định về điều chỉnh giá bán điện theo quy định”, ông Trần Tuệ Quang nói.

Liên quan đến nội dung giá FIT điện gió đang được cộng đồng doanh nghiệp năng lượng tái tạo hết sức quan tâm, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định hiện chưa có bất kỳ quyết định nào về việc có gia hạn thêm thời gian ưu đãi hay không.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới theo hướng phù hợp với luật đầu tư, luật đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan.

Trong đó, dự kiến trong tương lai sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, việc xác định giá sẽ trên nguyên tắc thương thảo giữa chủ đầu tư và bên mua điện theo khung giá Bộ Công Thương quy định.

Đối với các dự án điện gió đang thực hiện dở dang và có thể không kịp vận hành trước ngày 31/10, Bộ Công Thương cũng có đề xuất xử lý trên nguyên tắc chi phí vận hành nhà máy chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện.

Theo cập nhật từ EVN, đến tháng 8/2021 cả nước có khoảng 106 dự án điện gió kịp vận hành thương mại để hưởng giá FIT, trong đó có 54 dự án thuộc đang xem xét bao gồm 30 dự án đã nhận được hồ sơ, thủ tục.

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng mặc dù nhiều chủ đầu tư đã nỗ lực để có thể đưa dự án kịp tiến độ hưởng giá FIT, tuy nhiên, trong thời gian qua, đơn vị cũng đã nhận được rất nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, các chủ đầu tư kéo dài thời gian hưởng giá FIT vì tiến độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tin mới lên