Tiêu điểm

Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu 3 giải pháp kiềm chế giá xăng dầu

(VNF) - Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để kiềm chế đà tăng mạnh của giá xăng dầu, thời gian tới cần sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu linh hoạt, hiệu quả; điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng dầu và có thêm các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu 3 giải pháp kiềm chế giá xăng dầu

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/6, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, giá xăng dầu đang tăng liên tục và tăng ở mức cao. Điều này gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, gây sức ép lớn đối với sự điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán đúng quy định theo Nghị định 83 và Nghị định 95 về điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của xăng dầu thế giới. Để tiếp tục kiềm chế mức tăng giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu ra 3 biện pháp:

Thứ nhất, cần sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới. Việc này cũng góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, mặc dù giá xăng dầu tăng liên tục và đang ở mức cao nhưng giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp hơn so với những nước có chung biên giới như Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Ngoài ra, từ đầu năm đến ngày 1/6 (kỳ điều hành gần nhất), trong khi giá bình quân một số mặt hàng xăng dầu thế giới trên thị trường Singapore tăng 45,86% - 63,68% thì giá trong nước chỉ tăng 27,29% - 47,89%. Như vậy, dù điều hành theo đà tăng của thế giới nhưng mức tăng của giá xăng dầu Việt Nam vẫn thấp hơn.

Giải pháp thứ hai là điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng dầu. Bộ Công Thương đề xuất và Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và được Quốc hội cho phép giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với xăng và 70% với dầu hỏa từ ngày 1/4 cho đến hết ngày 31/12/2022.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính rà soát để trong phạm vi cho phép sẽ tiếp tục đề xuất giảm các loại thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng dầu", ông Hải nói.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho rằng việc kiềm chế mức tăng giá xăng dầu không phải chỉ là vấn đề của riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, mà còn là trách nhiệm của Chính phủ và của các bộ, ngành khác. Vì vậy, cần đề xuất thêm những chính sách an sinh cho người dân và có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh xăng, dầu tăng như hiện nay. 

“Chúng tôi tin rằng với những biện pháp hiện nay và sắp tới sẽ đảm bảo điều chỉnh mức giá xăng dầu tốt nhất trong khả năng cho phép", Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Tin mới lên