Tiêu điểm

Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh sẽ hết tiêu chuẩn xe công đưa đón?

(VNF) - Cấp thứ trưởng và tương đương, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế Nhà nước có thể sẽ "mất suất" xe công đưa đón.

Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh sẽ hết tiêu chuẩn xe công đưa đón?

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo về quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước trong đó đề xuất bỏ chế độ sử dụng xe công đưa đón của cấp Thứ trưởng, Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo các DNNN.

Theo đó, các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (gồm các cấp thứ trưởng và tương đương, phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế Nhà nước) phải khoán bắt buộc trong quá trình sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Trường hợp đi công tác thì sẽ bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc thuê xe dịch vụ.

Quá trình tính kinh phí khoán các trường hợp cần thiết phải bố trí xe phục vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh kể trên, Bộ Tài chính dự kiến hai phương án.

Phương án thứ nhất là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên xem xét, quyết định. Phương án hai là sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Bên cạnh sửa đổi quy định trang bị xe cho lãnh đạo địa phương, Bộ Tài chính cũng nhắm đến các đối tượng là "sếp lớn" của các DNNN. Theo quy định hiện nay, mỗi Tập đoàn, Tổng công ty được trang bị 04 xe (gồm 02 xe phục vụ chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc; 02 xe phục vụ công tác chung); các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tập đoàn kinh tế, Bộ, ngành, địa phương được trang bị 02 xe phục vụ đi công tác cho các chức danh Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương tại DNNN.

Tuy nhiên, trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất giảm 01 xe xuống còn định mức 03 xe phục vụ công tác chung cho các chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc; Ủy viên (thành viên) Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc tại các Tập đoàn đoàn; các DNNN cũng chỉ được trang bị tối đa 01 xe phục vụ công tác chung.

Có thể thấy, đề xuất này tiếp tục nhắm đến làm giảm tối đa các xe chuyên dùng, tránh hiện tượng dùng sai mục đích, sai đối tượng cũng như sự kém hiệu quả khi sử dụng xe chuyên dùng. Điều này cũng đồng nghĩa, các sếp lớn của khối DNNN sẽ không có "xe riêng" để đưa đón khi di chuyển trong quá trình làm việc mà phải sử dụng xe phục vụ công tác chung, chịu sự điều phối dựa theo yêu cầu công tác cũng như chế độ làm việc chung của cơ quan.

Dự thảo mới này của Bộ Tài chính phần nào "ngầm" khẳng định thái độ "cứng" để giảm tối đa kinh phí chi cho xe công đồng thời chạy đua để đạt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ giảm 30-50% số lượng xe công được trang bị cho các Bộ ngành, địa phương hiện có (trừ các địa bàn hải đảo, miền nói, vùng đặc biệt khó khăn) theo yêu cầu của Thủ tưởng Chính phủ.

Hiện nay, chế độ "khoán xe công" chỉ được khuyến khích áp dụng và không phải là quy định bắt buộc tại các Bộ ngành. Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên thực hiện chế độ bắt buộc khoán kinh phí sử dụng xe công đối với cấp Thứ trưởng và tương đương bắt đầu từ tháng 10/2016 và áp dụng xuống các doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017.

Tin mới lên