Tiêu điểm

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nói về tinh giản biên chế tại Bộ Công Thương

Tại hội thảo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, do đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức sáng 22/2, thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa đã được mời phát biểu về công việc này tại bộ.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nói về tinh giản biên chế tại Bộ Công Thương

Theo bà Thoa, mặc dù bà không phụ trách lĩnh vực này, song Bộ Công Thương đã làm rất quyết tâm, giảm từ hơn 30 đầu mối xuống còn 28 đầu mối.

Trước đó, hồi cuối năm 2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng từng đề cập đến nỗ lực này trong một phát biểu chính thức.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn tổ chức và nhân sự, tập thể Ban cán sự Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức lấy ý kiến của tất cả cán bộ trong Bộ về dự kiến kiện toàn, tinh giản, đổi mới bộ máy cho phù hợp với nhu cầu thực tế, theo đó Bộ Công Thương hiện có 35 đầu mối tổ chức nhưng dự kiến chỉ còn 28 đầu mối.

Trong đó, Tổng cục Năng lượng có thể được tách thành một Cục và 2 Vụ; vụ Thị trường Thương mại Miền núi nhập vào vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới, phát triển Doanh nghiệp; Hợp nhất Vụ Phát triển nguồn nhân lực vào Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ thi đua khen thưởng và Cục công tác phía nam nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương; Các Vụ KV1, KV2 , KV3 , KV4  và Vụ  Hợp tác Quốc tế nhập lại thành 2 vụ  Âu Mỹ và Á Phi; Hai viện Nghiên cứu Thương mại và Chính sách công nghiệp nhập thành một Viện; Mở thêm Cục Phòng vệ Thương Mại cho phù hợp xu thế hội nhập; Nâng cấp Cục QLTT thành Tổng cục Quản lý thị trường.

Về chủ đề tinh giản biên chế, theo ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), hiện có tình trạng "chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm". 

"Bộ trưởng nào muốn thực hiện tinh giảm, tinh gọn bộ máy thì dễ bị cô lập", ông nói, nhấn mạnh rằng trong nhiều thập kỷ qua, việc xác định cho phép thành lập, xác định tên đơn vị, xác định chức năng nhiệm vụ của các vụ là một sự dễ dãi. Thậm chí có người nói đó là sự tuỳ tiện theo ý muốn chủ quan của người đứng đầu.

"Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của các vụ. Sự thay đổi này lại chủ yếu theo hướng tăng, chia nhỏ chức năng. Cá biệt có vị lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của bộ, ngành mình", ông cho biết.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, trong khi Quốc hội, Chính phủ thực hiện giảm bớt số lượng các bộ thì tổ chức bên trong các bộ lại phình ra.

Trong khi đó, bộ máy Chính phủ còn ôm đồm nhiều việc, phương thức điều hành còn cũ, vẫn điều hành trực tiếp làm cho chính quyền địa phương ỷ lại chờ Trung ương chỉ đạo, do đó còn giữ bộ máy lớn.

"Thực tế các bộ còn dành bộ máy khá lớn để thực hiện quyền sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực. Như thế thì khó tinh giản được bộ máy Chính phủ theo yêu cầu cải cách", ông nói.

Tin mới lên