Tiêu điểm

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đầu tư công không phải là động lực duy nhất cho tăng trưởng

(VNF) – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định đầu tư công giữ vai trò quan trọng nhưng không phải động lực tăng trưởng duy nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đầu tư công không phải là động lực duy nhất cho tăng trưởng

Thứ trưởng Trần Quốc Phương

Năm 2020, giải ngân đầu tư công “lập đỉnh” trong 5 năm khi đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 tỷ đồng). Trong một năm vô cùng khó khăn, việc thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần quan trọng tạo nên mức tăng trưởng GDP 2,91%, đưa Việt Nam vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới.

Xung quanh câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, VietnamFinance đã ghi nhận ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương:

- Ông có thể cho biết động lực nào khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2020 cao nhất giai đoạn 5 năm qua?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Có thể nói chưa bao giờ chúng ta có công tác chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công quyết liệt như năm 2020. Nguyên do là năm nay tăng trưởng rất khó, do tác động của dịch bệnh. Giải ngân là giải pháp rất tốt cho tăng trưởng ở hai khía cạnh. Một là lượng giải ngân được cộng trực tiếp vào GDP do đây là chi tiêu chính phủ. Hai là tác động lan tỏa của các dự án đầu tư công.

Một nguyên do khác là 2020 là năm cuối cùng để thực hiện những quy định cũ của Luật Đầu tư công 2014 và triển khai một bước của luật mới. Theo quy định của luật mới, các địa phương, bộ ngành sẽ phải giải ngân tốt hơn, nếu không sẽ bị trừ tiền. Đây chính là câu chuyện chế tài mà chúng ta vẫn thường nói trong giải ngân vốn đầu tư công.

Nhiều người hỏi tôi làm sao để xử lý các đơn vị giải ngân thấp, có lỷ luật không. Xin nói là việc kỷ luật đều có nguyên tắc, kỷ luật là khó. Điều có thể thúc ép giải ngân nhanh chỉ là vấn đề kinh tế, tức đánh thẳng vào túi tiền. Nếu một đơn vị giải ngân thấp, theo quy định của luật mới, số chưa giải ngân sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của đơn vị đó.

Ví dụ một đơn vị được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 5.000 tỷ đồng, năm đầu giao 1.000 tỷ đồng, nhưng vì lý do nào đó chỉ giải ngân được 800 tỷ đồng thì kế hoạch trung hạn sẽ bị giảm 200 tỷ đồng, chỉ còn 4.800 tỷ đồng.

Luật mới cũng sửa đổi quy định về thời hạn giải ngân. Trước đây cho phép giải ngân trong 2 năm nhưng giờ chỉ được 1 năm thôi.

- Năm 2020 nhờ có vốn đầu tư công lớn mới đạt được tăng trưởng 2,91%. Năm sau không có lượng vốn như thế này nữa thì động lực tăng trưởng sẽ trông vào đâu?

Không thể khẳng định chắc chắn giải ngân đầu tư công là động lực duy nhất của tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 dù rằng chưa bao giờ, tốc độ giải ngân đầu tư công lại nhanh và mạnh như năm 2020.

Chúng ta đều biết công thức tính GDP có 3 yếu tố gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Cả 3 yếu tố này đều có đóng góp vào tăng trưởng. Do đó, không thể nói kết quả tăng trưởng dựa vào 1 động lực duy nhất.

Vai trò của đầu tư công có thể thế này, nếu GDP là 100%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP. Trong tổng đầu tư toàn xã hội, đầu tư công chiếm 25%, nghĩa là chiếm khoảng 6% - 7% của GDP.

Tất nhiên, con số này mới là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP. Nhưng điều này cũng khẳng định rằng, đầu tư công chỉ là một vai trò quan trọng nhưng không phải là duy nhất.

- Theo kế hoạch, tháng 7/2021, Quốc hội sẽ thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Tại cuộc thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội nói rằng giờ này vẫn chưa có danh mục đầu tư công. Vậy từ giờ tới tháng 7/2021, chúng ta sẽ làm gì?

Đây là vấn đề: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chờ các địa phương báo cáo danh mục, các địa phương thì ngược lại, đang chờ bố trí vốn.

- Không phải Chính phủ và Quốc hội đã dự trù ngân sách đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 là 2,75 triệu tỷ đồng sao?

Quốc hội khóa 14 đã chốt ngân sách 2,75 triệu tỷ đồng, phân ra trung ương và địa phương, nhưng chi tiết của 2,75 triệu tỷ đồng này là gì lại chưa rõ.

Khi chưa có tiền, các bộ ngành, địa phương chưa thể xác định danh mục dự án. Khi các bộ ngành, địa phương chưa có thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể có. Bộ chưa có thì không thể báo cáo Chính phủ, Chính phủ không thể báo cáo Quốc hội.

- Vậy các bước tiếp theo sẽ là gì?

Việc đầu tiên là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phương án phân bổ 2,75 triệu tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Bộ gửi cho các bộ ngành, địa phương để họ lên danh mục dự án. Sau khi các bộ ngành địa phương xác định xong danh mục, họ sẽ gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư với thủ tục kèm theo để Bộ tổng hợp trình Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.

- Tức là từ giờ đến tháng 7/2021, chúng ta chỉ làm những dự án từ 2020 chuyển tiếp sang? Và không có dự án mới?

Đã có quyết định của Thủ tướng về việc này, trong đó xác định năm 2021 làm những gì. Tất nhiên, trong kế hoạch 2021 sẽ có các dự án từ 2020 chuyển tiếp sang.

Còn với dự án mới, chúng ta có 2 loại dự án mới. Loại 1 là dự án chưa được làm nhưng đã có trong kế hoạch trung hạn 2016 – 2020. Loại dự án này sẽ được làm nhưng điều kiện kèm theo là phải được phê duyệt quyết định đầu tư dự án trước ngày 31/12/2020, còn không thì vẫn chưa thể triển khai.

Loại 2 là dự án chưa bao giờ xuất hiện. Loại dự án phải đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 – 2025, nhưng kế hoạch này Quốc hội chưa duyệt. Việc của các bộ ngành địa phương hiện giờ là làm thủ tục dần đi, đến ngày 31/5/2021 gửi lại cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ tổng hợp, trình Chính phủ trong tháng 6/2021, sang tháng 7/2021 sẽ trình Quốc hội.

- Như vậy, kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới vẫn chưa thành hình, vậy ông nhìn nhận thế nào về mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2021?

Từ 2,91% lên 6,5% không dễ, nhưng trước đó chúng ta đã tăng trưởng hơn 7%. Như vậy, có thể nói năm 2021, GDP tăng 6,5% mới chỉ là phục hồi, phải tăng trên 7% mới gọi là tăng trưởng.

Những điều kiện trong năm 2020 cho phép chúng ta tin rằng mục tiêu sẽ đạt được. Thủ tướng từng nói về 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Chúng ta thấy kinh doanh đã phục hồi với công nghiệp và nông nghiệp đang dần khởi sắc, dịch vụ tuy có những ngành tổn hại nhưng cũng có những ngành phát triển mạnh. Trong khi đó, xuất khẩu đang được kỳ vọng nhờ các FTA mới.

Thứ cái kìm hãm tăng trưởng vẫn là Covid-19, căng thẳng thương mại và thiên tai. Đây đều là những yếu tố khó đoán định.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên