Thị trường

Thủ tướng đồng ý giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay

(VNF) - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không do bị ảnh do Covid - 19, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. Đồng thời, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế hiện tại.

Thủ tướng đồng ý giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm nhiều loại giá, phí cho các hãng hàng không, ví dụ như giảm mức thu, nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không sân bay bằng 90% mức quy định hiện hành tại điều 4 thông tư 247 của Bộ Tài chính.

Cụ thể, mức thu phí hiện nay đối với dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là 165.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh; phí kinh doanh cảng hàng không là 335.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh.

Bên cạnh đó, mức thu, nộp phí hải quan và lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam cũng được Bộ Tài chính đề xuất giảm.

Theo đó, tổ chức, cá nhân là người nộp phí, lệ phí chỉ phải nộp bằng 90% mức thu hiện hành, quy định tại điều 4, thông tư 194 của Bộ Tài chính.

Tại thông tư này, lệ phí ra, vào cảng, hàng không sân bay là 50 USD/chuyến bay đến; phí hải quan cũng 50 USD/chuyến bay đến.

Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với máy bay và phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay.

Theo đó, phí thẩm định cấp giấy phép, giấy chứng nhận chứng chỉ; cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm máy bay sẽ giảm từ 20 triệu xuống còn 16 triệu đồng/lần cấp (cấp lần đầu). Các lần cấp lại cũng được giảm phí tùy thuộc vào lý do cấp lại.

Phí thẩm định cấp giấy phép khai thác cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cũng nằm trong danh mục dự kiến giảm, từ 30 triệu đồng xuống còn 24 triệu.

Phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại được đề xuất giảm từ 20 triệu đồng xuống 16 triệu.

Mức giảm các loại phí, lệ phí nêu trên dự kiến thực hiện từ khi thông tư được ban hành cho đến hết năm nay. Từ 1/1/2021, các loại phí, lệ phí nộp theo quy định hiện hành.

Đối với Bộ Giao thông vận tải, trước đó, cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách áp dụng chung cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực hàng không.

Cho phép các cơ quan, đơn vị được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1-31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.

Sau khi xem xét kiến nghị từ các Bộ ngành, các hãng hàng không, ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 84/NQ-CP đồng ý "giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 đến hết tháng 9/2020. Áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020".

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ cũng trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 đến hết ngày 31/12/2020.

Hàng không Việt lỗ bao nhiêu?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tính đến thời điểm hiện tại, Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) bị thiệt hại nặng nề nhất lên tới trên 3.200 tỷ đồng, tiếp đến là hãng hàng không Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết lỗ tới 1.500 tỷ đồng và Hãng hàng không Vietjet lỗ gần 1.000 tỷ đồng.

Đối với hàng không thế giới cũng chứng kiến cuộc khủng hoảng lớn với sự phá sản của nhiều hãng hàng không như: Virgin Australia, Thai Airways đệ đơn phá sản...

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho gần 300 hãng hàng không, dự báo 50% hãng bay trên thế giới sẽ phá sản trong 2-3 tháng nữa nếu Chính phủ các nước không can thiệp.

 

Tin mới lên