Tiêu điểm

Thủ tướng: 'Không hình sự hóa quan hệ kinh tế nhưng ai làm sai phải bị xử lý'

(VNF) - Phát biểu tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân mới và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tập trung chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát toàn hệ thống; tinh thần là không hình sự hóa quan hệ kinh tế nhưng ai làm sai thì phải bị xử lý.

Thủ tướng: 'Không hình sự hóa quan hệ kinh tế nhưng ai làm sai phải bị xử lý'

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng

Tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân mới và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng, Thủ tướng nêu rõ 3 điểm mà ngành ngân hàng cần cố gắng hơn, nỗ lực khắc phục kịp thời, càng sớm càng tốt trong thời gian tới.

Cụ thể, Thủ tướng cho rằng phản ứng chính sách có thời điểm còn chậm, công tác phân tích có lúc còn hạn chế, nguồn vốn tín dụng có thời điểm, có nơi chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Do đó, ngành ngân hàng cần phải bám sát tình hình và mong muốn, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả hơn.

Thứ hai, công tác thanh tra, giám sát có lúc chưa phát hiện kịp thời các sai phạm để xử lý; cần coi trọng, tích cực hơn nữa trong công tác này, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Các ngân hàng thương mại cũng cần phải đóng góp tích cực hơn cho việc làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, tích cực xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Thứ ba, việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm. Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan phải chủ động hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác đánh giá tài sản của các ngân hàng này, nếu cần thì mời thêm các đơn vị kiểm toán, điều quan trọng là không để xảy ra tiêu cực, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các rủi ro, sai phạm.

Năm 2023, dự báo nền kinh tế trong nước có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Đánh giá Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, Thủ tướng cho rằng trước các vấn đề đặt ra, không thể có giải pháp hoàn thiện mà chỉ có giải pháp tối ưu, giải pháp tốt nhất trong số giải pháp có thể. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ngay từ đầu năm các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngân hàng cần tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chú trọng rà soát cơ sở pháp lý, hoàn thiện các quy định về hoạt động ngân hàng trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, không cầu toàn.

"Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác", Thủ tướng nêu rõ.

Ngân hàng Nhà nước cần phải điều hành kịp thời các công cụ chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn;

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; không để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt mà lại thiếu vốn.

Thủ tướng nhấn mạnh, bảo đảm thanh khoản và lưu thông tiền tệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành ngân hàng, điều quan trọng là hướng dòng vốn đi đúng hướng.

Ngoài ra, rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.

"Ai sợ làm thì đứng sang một bên"

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… "Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống, không để mất an toàn hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thủ tướng yêu cầu mạnh dạn tuyên truyền để người dân yên tâm về vấn đề này trên tinh thần đã hứa thì phải làm, đã làm phải hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát toàn hệ thống; tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng ai làm sai thì phải bị xử lý; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và cảnh báo, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm, các việc làm chưa đúng; ai yếu kém, ai sợ làm thì đứng sang một bên.

"Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, sở hữu chéo, "sân sau", cho vay không đúng quy định của pháp luật", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả quản lý của các tổ chức tín dụng; khẩn trương thực hiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại đã được cấp có thẩm quyền cho phép.

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài.

Tin mới lên