Ngân hàng

Thủ tướng nêu 3 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời về các vấn đề nóng như xử lý nợ xấu cũng như các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng nêu 3 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các đại biểu Quốc hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Quân (TP. Hà Nội) về việc Chính phủ sẽ có giải pháp đột phá nào để cơ bản giải quyết được tình trạng nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay nợ xấu theo sổ sách kế toán chưa đầy đủ, bao gồm cả nợ xấu trong VAMC, trong các ngân hàng mua lại 0 đồng.

"Nợ xấu hiện nay là một bài toán đặt ra cho nền kinh tế mà Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng cần phải tập trung xử lý", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho hay để xử lý nợ xấu, cần thực hiện 3 việc cùng phải làm: Một là, phải có một khung thể chế pháp lý cho vấn đề này tốt hơn, nhất là khung thể chế pháp lý cho VAMC. Hai là, phải kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh nợ xấu mới, trong đó có kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng 0 đồng đã mua lại. Ba là, phải có những biện pháp đồng bộ hơn trong vấn đề này để làm sao vấn đề nợ xấu được minh bạch và giải quyết trong quá trình điều hành của nền kinh tế.

"Chúng tôi đang xây dựng đề án toàn diện để xử lý vấn đề nợ xấu ở Việt Nam và sẽ báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội trong thời gian tới để làm cục máu đông này nhỏ đi, điều hành nền kinh tế an toàn hơn. Hiện nay, đây là vấn đề rất lo lắng của Chính phủ, Quốc hội chúng ta", Thủ tướng nói.

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) về việc làm thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 ở mức 6,7%, Thủ tướng nói đây là một thách thức.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, "chúng ta không có cách nào khác là phải phấn đấu cao, nếu phấn đấu không cao thì chúng ta sẽ gặp khó khăn trong các chỉ tiêu vĩ mô khác".

"Trong bối cảnh như vậy các thành tố GDP đã được Chính phủ bám sát để triển khai đồng bộ, nhất là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa để người dân hăng hái đầu tư, tạo ra sản phẩm xã hội, tạo ra GDP, giải quyết việc làm thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng này, trong đó có vấn đề tái cơ cấu trở lại nền kinh tế", ông nói.

Tin mới lên