Tiêu điểm

Thủ tướng nêu ‘3 phương châm’ về tình hình Biển Đông

(VNF) - Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện chính sách dựa trên "3 phương châm".

Thủ tướng nêu ‘3 phương châm’ về tình hình Biển Đông

"Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, tôi đã nói nhiều lần và hôm nay nhấn mạnh lại, quan điểm của chúng ta rõ ràng, nhất quán. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn không ít khó khăn thách thức, chúng ta cần kiên trì, kiên định thực hiện các chủ trương của Đảng và nhà nước", Thủ tướng nói.

Thứ nhất là Việt Nam sẽ "chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, pháp luật của Việt Nam và các cam kết quốc tế và khu vực.

Thứ ba, song song với việc phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp và khối đại đoàn kết  dân tộc, giữ vững hòa bình ổn định để xây dựng tổ quốc.

Liên quan đến các chất vấn về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói sẽ tiếp tục nhất quán cơ chế giá thị trường trong điều hành.

Cụ thể, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thi hành Hiến pháp và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành , bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, ổn định và khả thi; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển cho phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Giải pháp tiếp theo là phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… theo hướng hiện đại; chú trọng các loại thị trường mới như mua bán nợ, công cụ tài chính phái sinh, cho thuê tài sản…; chủ động mở cửa thị trường phù hợp với các cam kết quốc tế gắn với nâng cao năng suất lao động và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế….

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát tốt lạm phát; cơ cấu lại phù hợp thu chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ bội chi, quản lý hiệu quả nợ công, nợ xấu, bảo đảm an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia.

Riêng đối với những hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu, sẽ kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình phù hợp, tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá.

Vẫn theo Thủ tướng, Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết phù hợp với kinh tế thị trường; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và phát triển; kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh. Đặc biệt, sẽ "đặt doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong cơ chế thị trường; phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao".

Tin mới lên