Tiêu điểm

Thủ tướng nêu 9 thành tựu và 5 vấn đề của ngành Công Thương

(VNF) - Tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2020. Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu ra những vấn đề mà ngành Công Thương cần tập trung giải quyết.

Thủ tướng nêu 9 thành tựu và 5 vấn đề của ngành Công Thương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

9 điểm sáng nổi bật của ngành Công Thương năm 2020

Theo Thủ tướng, trong năm 2020, ngành Công Thương có 9 điểm lớn nổi bật.

Một là, công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính được thực hiện tốt đạt hiệu quả. Dấu ấn đậm nét là công tác cải cách hành chính tiếp tục được duy trì và đi vào chiều sâu. Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đã có 880 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm (chiếm 70% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương). 

Hai là sản xuất công nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid 19 nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương; duy trì được sản xuất, xuất khẩu tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Ba là, xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục 19,1 tỷ USD, cao hơn năm 2019 (10,87 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Bốn là, bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, hàng hóa phòng chống dịch cho thị trường; tổ chức hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong bối cảnh khó khăn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 tăng 2,62% so với năm 2019, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng khoảng 6,8%. 

Năm là công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa (C/O), ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý; góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh; giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hàng loạt các vụ vi phạm trên môi trường Internet.

Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm pháp luật, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sáu là, hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó năm 2020 có 2 hiệp định quan trọng được ký kết và đưa vào thực thi là EVFTA và RCEP. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng hoàn tất đàm phán và ký kết UKVFTA để đưa vào thực thi ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021.

Với các hiệp định này, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế.

Bảy là, công tác phòng vệ thương mại được triển khai toàn diện, đạt kết quả nổi bật, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.

Năm 2020, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 37 vụ việc, tăng 2,3 lần so với năm 2019.

Bộ Công Thương đã rất nỗ lực xử lý hiệu quả các vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Bộ đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp, duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada…

Tám là, chuyển đổi phương thức xúc tiến thương mại thị trường trong nước và nước ngoài trên các nền tảng công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Năm 2020, ngành Công Thương đã tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức hội chợ công nghiệp thực phẩm bằng hình thức trực tuyến.

Chín là, thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2020, trong khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, thương mại điện tử vẫn chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ. Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ.

5 vấn đề bất cập của ngành Công Thương

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu những bất cập mà ngành Công Thương cần tập trung xử lý, khắc phục trong thời gian tới.

Một là ngành công nghiệp nội lực còn yếu, trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt. Tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao được sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn chậm. Việc lập và thực hiện quy hoạch điện còn nhiều bất cập; nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện.

Hai là, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn nhiều hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường.

Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Công nghiệp hỗ trợ có sự phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các chỉ tiêu về nội địa hóa. Tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là, xuất khẩu vẫn dựa vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù tỷ trọng giá trị xuất khẩu của khối FDI đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Bốn là, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, nhất là trên môi trường internet vẫn còn diễn biến phức tạp, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng mà tác động xấu tới tiến trình tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Hệ thống hạ tầng thương mại, bao gồm cả hạ tầng cho thương mại điện tử chưa phát triển đồng bộ, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.

Năm là công tác theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập vẫn còn những hạn chế. Sự chủ động và năng lực tham gia hội nhập của các doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực chưa cao. Nhiều cam kết hội nhập nhằm tạo cơ hội và tiền đề cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường cho doanh nghiệp trong nước chưa được tận dụng có hiệu quả...

Tin mới lên