Ngân hàng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen Thống đốc ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối

Điểm lại nhiều thành quả ấn tượng của nền kinh tế năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không thể thiếu sự đóng góp của ngành ngân hàng nói chung và sự nỗ lực người đứng đầu ngành ngân hàng - Thống đốc Lê Minh Hưng. Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc giữ ổn định tỷ giá và tăng được dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục gần 80 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen Thống đốc ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen Thống đốc Lê Minh Hưng kiếm nhiều tiền

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 ngày 2/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Đánh giá cao sự có mặt đông đảo của gần 3.800 đại biểu chủ chốt trong hệ thống ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí của ngành ngân hàng đối với sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước nên trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2020, Thủ tướng tới dự hội nghị này và trong 4 năm qua, năm nào cũng đến dự hội nghị tổng kết, triển khai nhiệm vụ của NHNN. Đây cũng là bộ, ngành đầu tiên mà Thủ tướng tới quán triệt định hướng, nhiệm vụ năm 2020 ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01.

Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước phải phát triển với tốc độ cao liên tục, “chứ không phải bàn chuyện đã phát triển 6-7% rồi thì dừng lại mà phải phát triển cao trong những thập niên tới thì đất nước mới thịnh vượng, hùng cường”. Muốn vậy thì các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành ngân hàng phải tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng, hùng cường ấy bằng cách là phải tăng trưởng cao.

“Có người nói bây giờ thế giới biến động bất ổn quá thì phải để an toàn, phát triển thấp xuống, đó là tư duy không thể chấp nhận”. Thủ tướng bày tỏ, “ngành ngân hàng phải có tinh thần xốc tới phát triển, đưa đất nước tiến lên”.

Điểm lại nhiều thành quả ấn tượng của nền kinh tế năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không thể thiếu sự đóng góp của ngành ngân hàng nói chung và sự nỗ lực của cá nhân Thống đốc Lê Minh Hưng nói riêng.

Trong đó nổi bật là vai trò kiểm soát lạm phát 2,79% dưới mức 4% đặt ra. Song song với đó, tín dụng tăng gần 14% thấp hơn rất nhiều so với những năm trước (có năm ở mức 30-40%), nhưng GDP lại đạt mức ấn tượng 7,02%. Điều đó cho thấy, dòng vốn ngân hàng đã đi đúng hướng, chảy vào sản xuất kinh doanh.

Với quy mô GDP nền kinh tế lên tới 270 tỷ USD, trong đó tín dụng đóng góp trên 8,2 triệu tỷ đồng là con số không hề nhỏ, trong bối cảnh xuất phát điểm của tầng lớp nhân dân còn thấp. Nhưng điều quan trọng hơn, Thủ tướng muốn lưu ý, sự phối hợp của NHNN với các bộ, ngành trong điều hành vĩ mô, tài khoá vừa đảm bảo lạm phát ở mức thấp và đảm bảo nguồn cung tín dụng, tăng trưởng của nền kinh tế với mặt bằng lãi suất thấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc giữ ổn định tỷ giá và tăng được dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục gần 80 tỷ USD.

“Chúng ta có tỷ giá cơ bản ổn định, trong 1 năm mua trên 20 tỷ USD nâng mức dự trữ ngoại hối xấp xỉ 80 tỷ USD. Con số này nhiều người không ngờ đến”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết thêm con số này gấp 6 lần so với 2011, trong khi Trung Quốc cùng kỳ dự trữ ngoại hối giảm 5%, Malaysia giảm, còn một số nước chỉ tăng nhẹ. Đặc biệt, NHNN dùng ngoại hối này gửi lại các TCTD quốc tế, trong nước thu lãi gần 20.000 tỷ đồng. "Không ngờ ngân hàng Nhà nước kiếm được tiền lớn như thế, rất thành công", Thủ tướng ghi nhận.

Điều đáng nói, NHNN khi bỏ lượng tiền đồng lớn để mua vào 20 tỷ USD trong năm qua, tương đương với khoảng 500 ngàn tỷ đồng, cung tiền lớn như vậy mà lạm phát không tăng. Để làm được điều đó, Thủ tướng cho rằng, đó là nhờ sự khéo léo trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Đối với điều hành lãi suất, Thủ tướng cũng đánh giá năm 2019 đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân vay vốn với chi phí hợp lý. "Khi lãi suất còn cao, tôi bàn với Thống đốc về yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối giảm lãi suất, kéo theo các ngân hàng thương mại cổ phần giảm theo... giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí vốn vay, thúc đẩy tăng trưởng", Thủ tướng nói thêm và đánh giá cao nỗ lực của NHNN phối hợp với công an, thực hiện đẩy lùi tín dụng đen, nhất là tội phạm công nghệ cao; nhiều ngân hàng đã giảm được nợ xấu, tái cơ cấu mạnh mẽ.

Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng biểu dương nhiều ngân hàng hoạt động hiệu quả, có lãi lớn, các chỉ tiêu đều được cải thiện mạnh so với 2019 như Vietcombank, BIDV, Agribank, Techcombank, SeABank, HDBank, HSBC, ANZ, TPBank…; nhiều ngân hàng thực hiện cơ cấu tốt như Sacombank, Phương Đông…; 18 ngân hàng đã triển khai Basel II; nhiều ngân hàng chuyển động theo công nghệ số, sử dụng các nền tảng ngân hàng số…

Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2019, Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ vừa ký ban hành hôm qua và chủ động theo dõi sát tình hình để tham mưu kịp thời cho Chính phủ các biến động vĩ mô.

Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị NHNN tính toán, đề xuất mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp trên tinh thần “đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng”. Do đó, điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường là một yêu cầu. Hiện quy mô tín dụng đạt 8,2 triệu tỷ đồng. “Vậy thì năm nay tăng trưởng tín dụng đạt bao nhiêu phần trăm để bảo đảm kênh vốn quan trọng cho tăng trưởng?”. Đây là câu hỏi lớn đối với NHNN và ngành ngân hàng.

“Muốn làm tốt, muốn tăng trưởng tín dụng tốt và uy tín tốt thì phải cải cách hành chính và văn minh ngân hàng, đấu tranh chống tham nhũng trong ngành ngân hàng. Phải vừa quản lý tốt, hợp tác quốc tế tốt, truyền thông tốt, đặc biệt là phối hợp tốt”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin mới lên